Viết phần kết quả nghiên cứu (KQNC) trong các nghiên cứu y học có nhiều cái dễ nhưng cũng có nhiều cái khó. Cái khó là phải trả lời hết các câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra trong mục đặt vấn đề cũng như giải quyết được hết các mục tiêu nghiên cứu đặt ra [7]. Hơn nữa là phải chọn lọc sao cho các kết quả là nổi bật và điển hình, từ đó đưa ra các bàn luận có ý nghĩa, có giá trị về lý luận hay thực tiễn của KQNC. Mặt khác cần đảm bảo tính lô gic, tính khoa học với các phần khác của công trình nghiên cứu khoa học (NCKH).

1. Các yêu cầu của viết phần KQNC

1.1. Trả lời hết các câu hỏi nghiên cứu và giải quyết được lần lượt hết các mục tiêu nghiên cứu.

Đây là một yêu cầu rất quan trọng và thiết yếu. Muốn phần KQNC trả lời hết các câu hỏi nghiên cứu và giải quyết lần lượt được hết các mục tiêu nghiên cứu (đối với đề tài không có khung lý thuyết nghiên cứu chi tiết) thì bản thân nghiên cứu viên (NCV) phải hiểu sâu sắc, tỉ mỉ, chi tiết nội dung các câu hỏi và các mục tiêu này.

1.1.1. Với đề tài không có khung lý thuyết nghiên cứu chi tiết: Để hiểu được thấu đáo như trên NCV cần đặt ra các câu hỏi như sau:

-Để trả lời cho câu hỏi này hay giải quyết mục tiêu này ta cần nghiên cứu cái gì?

-Tại sao lại nghiên cứu cái đó?

-Cần nghiên cứu thêm cái gì nữa không?

Sau đó NCV dựa vào sự hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân, của nhóm nghiên cứu kết hợp với tìm hiểu qua các tài liệu (có thể dựa thêm vào chương tổng quan của nghiên cứu) để liệt kê các ý trả lời cho mỗi câu hỏi trên đây. Chú ý, trong quá trình liệt kê các ý này, có thể sẽ thấy sự lô gic hay thiếu ăn nhập giữa nội dung của chương tổng quan với các nội dung nghiên cứu và tiến hành điều chỉnh lại chương tổng quan này.

Ví dụ, trong đề tài: Nghiên cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm của tác giả Trần Thái Hà, có một mục tiêu nghiên cứu là “Xác định tính an toàn và tác dụng chống viêm, giảm đau của bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” trên thực nghiệm” [1]. Rõ ràng mục tiêu này có 2 nội dung: *Xác định tính an toàn và; *Tác dụng chống viêm và giảm đau của bài thuốc.

* Xác định tính an toàn:

Câu hỏi: - Để xác định tính an toàn của bài thuốc thì phải nghiên cứu cái gì?

Trả lời: - Nghiên cứu độc tính cấp LD50 và độc tính trường diễn của động vật thực nghiệm.

Nếu chưa rõ, hỏi tiếp:    

- Nghiên cứu độc tính trường diễn là nghiên cứu cái gì?

Trả lời: - Là nghiên cứu: 1) Tình trạng chung của động vật thực nghiệm (như: ăn, uống, sự mệt mỏi, vận động, thay đổi về lông, phân…); 2) Thay đổi trọng lượng cơ thể động vật thực nghiệm; 3) Chức năng tạo máu, chức năng của gan, thận; 4) Thay đổi về giải phẫu bệnh của gan, lách, tim, phổi, thận, tụy của động vật thực nghiệm.

Đến đây ta thấy câu hỏi “cần nghiên cứu cái gì?” đã trả lời ổn thỏa thì chuyển sang câu hỏi thứ hai:

Hỏi: - Tại sao lại nghiên nghiên cứu như trên vừa nêu?

Trả lời: - Vì LD50 liều gây chết trung bình (được viết tắt là LD50, LC50 hay LCt50) của một chất độc, chất phóng xạ, hoặc tác nhân gây bệnh, là một cách thức đo lường khả năng ngộ độc ngắn hạn (độc tính cấp tính) của một hoá chất- Theo quy định của quốc tế [2].  Hơn nữa, nhiễm độc mãn tính bất kì chất độc nào cũng làm thay đổi tình trạng chung của cơ thể (về tinh thần, ăn uống, vận động, lông tóc, da…) và thay đổi chức năng cũng như cấu trúc vi mô của các cơ quan đào thải chất độc như gan, thận, phổi…[3].

Đến đây, ta cảm thấy câu trả lời trên đã ổn thỏa thì chuyển sang câu hỏi khác:

- Có cần nghiên cứu thêm cái gì nữa không?

Trả lời: - Không.

*Tác dụng chống viêm và giảm đau của bài thuốc: Cũng đặt các câu hỏi tương tự như trên đây.

1.1.2. Với đề tài có khung lý thuyết nghiên cứu chi tiết: Những đề tài có khung lý thuyết nghiên cứu (KLTNC) đảm bảo và chi tiết (Trường Đại học Y tế công cộng còn gọi là cây vấn đề) thì công việc viết KQNC có phần đơn giản hơn, không cần đặt các câu hỏi như trên, chỉ cần dựa vào các biến số cụ thể trong từng mục tiêu ở KLTNC.

Lý giải cho việc này là vì từ các câu hỏi nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu (thuộc phần đặt vấn đề), NCV đã phải trả lời đầy đủ và thỏa đáng các câu hỏi trên để xây dựng KLTNC. Do vậy khung này rất lô gic/ ăn nhập với các câu hỏi nghiên cứu và các mục tiêu, đồng thời chi tiết hóa nội dung nghiên cứu thông qua các biến số cụ thể (hình 1).

Hình 1. Khung lý thuyết nghiên cứu [4].

Hình 1 cho thấy rất rõ tên đề tài nằm ở ô giữa, mục tiêu 1 ở ô mé trên và mục tiêu 2 ở ô mé dưới. Theo mỗi muc tiêu có các biến cụ thể: Hai ô trên cùng chỉ rõ các biến cho mục tiêu 1 và hai ô dưới cùng của hình là các biến số cho mục tiêu 2. Các mục lớn và nhỏ của phần KQNC (thường quy định là chương 3) cần phải theo các mục tiêu và các biến số ở đây. Nhìn KLTNC ta có thể thấy được toàn cảnh bức tranh của nghiên cứu, từ tên của nó, tới mục tiêu và các biến số cụ thể, cũng thấy được sự lô gic của các phần với nhau. Đương nhiên các biến số đề cập tại KLTNC và trong KQNC phải trùng hợp.

1.1.3. Với đề tài có bảng biến số hay chỉ số chi tiết: Cũng giống như trên, ta dựa vào các biến số và chỉ số này để biểu diễn KQNC của mình.

Chú ý quan trọng là, viết phần KQNC phải giải quyết lần lượt hết các mục tiêu nghiên cứu tức, giải quyết hết mục tiêu 1, sau đó chuyển sang giải quyết mục tiêu 2…Vì, việc sắp xếp mục tiêu 1 đứng trước mục tiêu 2 đã thể hiện tính lô gic của nghiên cứu, do vậy không thể đảo ngược lại được.

Có một số tác giả viết ra KQNC không phục vụ cho mục tiêu nào cả, gọi là “lạc đề”. Ví dụ, đề tài Utilization of health insurance and difficulties in accessing services among patients living with HIV/AIDS in treatment facilities in some northern provinces of Vietnam có hai mục tiêu nghiên cứu là: 1) To describe the situation on  utilization of health insurance among patients living with HIV/AIDS in outpatient clinic in four northern provinces of Vietnam; 2) To describe the difficulties in accessing services among patients living with HIV/AIDS in outpatient clinic in four northern provinces of Vietnam. Đọc tên và mục tiêu của đề tài ta thấy thiếu yếu tố thời gian, nhưng cái ta quan tâm ở đây là KQNC của đề tài này lại có mục về Characteristic of services payment, có lẽ không phù hợp với cả hai mục tiêu (lạc đề).

1.2. Chọn lọc những KQNC điển hình, tiêu biểu mang ra trình bày trong nghiên cứu, tránh miên man: Tâm lý chung của nhiều NCV là sợ thiếu KQNC, nên có bao nhiêu KQNC đều muốn mang ra trình bày hết, số khác lại cho rằng mất nhiều công sức điều tra, thu thập số liệu, bây giờ có KQNC mà không trình bày hết thì phí công. Các suy nghĩ vậy không phải tư duy khoa học. Vậy, NCV phải xem xét, cân nhắc kĩ, không phải có cái gì đều mang ra trình bày hết, đặc biệt nếu KQNC đó không phù hợp với các câu hỏi nghiên cứu, hay mục tiêu hay các biến số/chỉ số trong KLTNC hay bảng biến số, chỉ số thì mạnh dạn loại bỏ. Ví dụ, phần KQNC về thông tin chung của đối tượng nghiên cứu: Giới, nhóm tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, dân tộc…thường không phục vụ cho mục tiêu nào, biến số nào, nhưng trên thực tế nhiều NCV viết quá dài (tới 3, 4 trang). Điều đó không cần thiết, nên bỏ đi hay muốn giữ thì chọn lọc sao cho ngắn lại, vừa một trang giấy.

1.3. Chọn cách trình bày đơn giản nhất, dễ hiểu nhất [7]

Khi đọc một đoạn văn hay một KQNC nào đó thấy khó hiểu hay không hiểu được, có khi phải đọc lại hai ba lần, đấy là lỗi của người viết công trình NCKH đó. Có thể do:

1.3.1. Hành văn tối nghĩa: Do đặt câu chưa tốt, thiếu chủ ngữ hay vị ngữ…Có thể do dùng từ chưa đảm bảo.

1.3.2. Cũng có thể do cách biểu diễn chưa tốt: Ví dụ, quy trình người bệnh đến khám chữa bệnh ngoại trú tại khoa khám bệnh của Bệnh viện đa khoa huyện DC năm 2005 mà ta dùng đoạn văn để mô tả nó thì không tốt vì đọc sẽ rất khó hiểu, nhưng nếu dùng sơ đồ để biểu diễn thì đơn giản và dễ hiểu hơn nhiều (hình 2).

Có những KQNC là thông tin định tính, nếu ta sơ đồ hóa chúng và trình bày thì giúp cho người đọc dễ hiểu hơn nhiều so với dạng trình bày bằng đoạn văn viết, ví dụ: Nguyên nhân người bệnh ít đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường (hình 3), ta thấy có bốn nhóm nguyên nhân và mỗi nhóm lại cho ta thấy các nguyên nhân cụ thể.

Cách biểu diễn KQNC định lượng còn liên quan đến việc chọn biểu diễn bằng bảng số liệu hay bằng biểu đồ, nếu chọn biểu diễn theo biểu đồ thì chọn loại biểu đồ nào là tốt nhất? Đây là câu hỏi quan trọng, luôn phải cân nhắc của người viết công trình nghiên cứu.

- Biểu diễn bằng bảng số liệu thường là khi có nhiều số liệu, mà biểu diễn bằng biểu đồ có nhiều khó khăn, ít chú ý tới sự so sánh giữa các biến với nhau, hay phải biểu diễn theo nhiều biến số (bảng 1).

Hình 3. Nguyên nhân người dân ít tới khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường

- Biểu diễn bằng biểu đồ có ưu điểm là dễ thấy, dễ hiểu, dễ so sánh được các biến với nhau, nhưng có nhược điểm là không biểu diễn được nhiều biến số trên một biểu đồ.

Bảng 1: Tỷ lệ mắc các nhóm bệnh trong 6 tháng theo nhóm tuổi (%) [5]

Nhóm tuổi

Nhóm bệnh

< 6 tuổi

7-14 tuổi

15-60 tuổi

> 60 tuổi

Chung các nhóm

Hệ thần kinh

0,0

0,0

2,0

21,8

1,7

Cơ xương khớp

0,0

0,5

4,6

25,3

3,0

Tiêu hoá

14,3

12,8

4,1

17,2

9,9

Tuần hoàn

1,0

0,5

6,3

13,7

3,4

Hô hấp

84,0

86,4

85,4

27,6

81,3

Mắt

1,4

0,8

2,4

3,4

1,7

Nội tiết chuyển hoá

0,0

0,0

0,1

1,1

0,1

Khác

0,8

0,0

0,4

0,0

0,3

Một vấn đề nữa là ta chọn loại biểu đồ nào để biểu diễn KQNC định lượng, mỗi loại biểu đồ có ưu và nhược điểm riêng, cần thiết phải cân nhắc.

* Biểu đồ cột (thanh đứng hay thanh ngang – Bar chart): So sánh tần số, tỉ lệ giữa các nhóm hay loại của biến số không liên tục hay so sánh giá trị trung bình các biến liên tục, có thể kết hợp 2-3 biến trong một biểu đồ và tạo ra nhóm cột. Giữa các nhóm cột này có khoảng cách.

* Biểu đồ hình tròn (Pie chart): Dùng để so sánh tỉ lệ khác nhau giữa các loại trong một nhóm của biến về chất mà tổng của các tỉ lệ này phải là 100%.

* Biểu đồ cột chồng nhau: So sánh cùng một biến nhưng của các quần thể khác nhau, mà ở mỗi quần thể biến đó được biểu diễn dưới dạng pie chart.

* Biểu đồ cột liên tục (Histogram): Một biến liên tục được phân ra các nhóm khác nhau, nó trở thành biến định tính (gồm nhiều nhóm xếp kế tiếp nhau) nên dùng biểu đồ histogram là phù hợp.

* Biểu đồ đường thẳng (Line chart): Chỉ sự biến thiên của một biến nào đó theo thời gian, có thể biểu diễn nhiều biến trên cùng một biểu đồ này.

* Biểu đồ chấm (Scatter diagram): Biểu diễn sự tương quan giữa hai biến liên tục, ta có thể biết được hướng (tương quan thuận hay ngược chiều) và mức độ tương quan giữa hai biến (chặt chẽ hay lỏng lẻo).

* Đa giác (Poligon): Nó là dạng đặc biệt của biểu đồ cột liên tục, điểm giữa của các cột được nối với nhau theo nguyên tắc diện tích của cột bằng diện tích đa giác. Đầu mút của đa giác luôn tiếp xúc với trục hoành, tạo đa giác với trục hoành.

* Bản đồ: Phân bố của một biến nào đó theo địa dư, thường quan tâm nhiều đến số lượng trong các vùng khác nhau hơn là tỉ lệ của nó [6].

1.4. Viết nhận xét sau các kết quả nghiên cứu

1.4.1. Sau mỗi KQNC cần thiết đưa ra các nhận xét, rất nhiều tác giả không hiểu hay không biết viết nhận xét KQNC nên thường là nhắc lại KQNC đã có. Ví dụ mô phỏng (xem bảng 2 và nhận xét dưới bảng này).

Bảng 2. Tần số (SL) và tỉ lệ (%) chuột và thỏ giảm cân nặng cơ thể sau dùng thuốc M

 

Giảm < 5%

Giảm < 10%

Tổng

SL

%

SL

%

SL

%

Chuột sau dùng thuốc M một tuần

7

35,0

2

10,0

9

45,0

Chuột sau dùng thuốc M hai tuần

9

45,0

4

20,0

13

65,0

Thỏ sau dùng thuốc M một tuần

1

10,0

0

0,0

1

10,0

Nhận xét: Bảng trên cho thấy sau một tuần dùng thuốc M, tỉ lệ chuột bị sụt <5% cơ thể là 7 con chiếm 35% tổng số chuột thí điểm

Ta thấy tác giả viết nhận xét như trên là nhắc lại các số liệu đã trình bày trong bảng 2 rồi: “sau một tuần dùng thuốc M, tỉ lệ chuột bị sụt <5% cơ thể là 7 con chiếm 35% tổng số”. Viết như vậy thực chất là nhắc lại KQNC, không phải nhận xét KQNC. Điều đó thể hiện tính khoa học thấp kém của nghiên cứu. Hết sức tránh. Cách viết nhận xét tốt nhất là nhận định chiều hướng của số liệu hay so sánh và nêu những cái nổi bật của bộ số liệu theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực…nội nhật trong bảng số liệu hay biểu đồ vừa nêu thôi. Ví dụ: Bảng 2 cho thấy, sau dùng thuốc M một tuần, tỉ lệ chuột sụt cân <5% trong lượng cơ thể cao gấp hơn ba lần so với thỏ…

1.4.2. Lỗi hay mắc nữa là nhiều tác giả không phân biệt được sự khác biệt giữa nhận xétbàn luận, nên viết nhận xét nhầm thành bàn luận trong phần KQNC. Ví dụ, tác giả so sánh KQNC của mình với KQNC của các nghiên cứu khác rồi giải thích sự khác biệt đó hay, giải thích luôn các KQNC bằng cách nêu nguyên nhân của chúng hay, đưa luôn kiến nghị sau khi nêu các KQNC này…những việc làm đó thuộc phần bàn luận (chương 4), không thuộc phần trình bày KQNC (chương 3) này.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Thái Hà (2012) Nghiên cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm, Luận án Tiến sĩ Y học chuyên ngành Y học cổ truyền, mã số 62.72.60.01, Trường Đại học Y Hà Nội.  http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFlGvGTmfy2012&e=-------vi-20--1--img-txIN-------
  2. Wikipedia, Liều gây chết trung bình, https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%E1%BB%81u_g%C3%A2y_ch%E1%BA%BFt_trung_b%C3%ACnh, cập nhật 13-2-2020.
  3. Cao Thuyên (2020) Nhiễm độc mãn tính là gì: Nguyên nhân, loại và tính năng, Sức khỏe cộng đồng, https://baosuckhoecongdong.vn/nhiem-doc-man-tinh-la-gi-nguyen-nhan-loai-va-tinh-nang-149936.html, cập nhật 14-2-2020.
  4. Hoàng Thị Hồng Xuyến (2017) Kiến thức, thái độ về an toàn người bệnh của điều dưỡng trong chăm sóc sau phẫu thuật và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2016, Luận văn thạc sỹ quản lý bệnh viện, Trường Đại học Y Hà Nội, trang 28.
  5. Chế Ngọc Thạch (2009) Đánh giá công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2008, Luận văn cao học Trường Đại học Y tế công cộng, trang 30.
  6. Đào Ngọc Phong, Nguyễn Trần Hiển, Dương Đình Thiện (2004) “Xử lý, phân tích và trình bày số liệu cho các nghiên cứu định lượng”, Phương pháp nghiên cứu khoa học trong y học và sức khỏe cộng đồng –Dành cho học viên sau đại học, Nhà xuất bản Y học, trang 125-131.
  7. Trương Việt Dũng, Nguyễn Thị Kim Chúc, Trần Văn Dần và cs (2011), “Phương pháp nghiên cứu định lượng ứng dụng trong lĩnh vực dự phòng và y tế công cộng”, Y học dự phòng & Y tế công cộng – Thực trạng & định hướng ở Việt Nam,  Nhà Xuất bản Y học, trang 258, 259.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2020\/bai24-hinh-1.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2020\/bai24-hinh-1.jpg","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2020\/bai24-hinh2.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2020\/bai24-hinh2.png","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2020\/bai24-hinh3.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2020\/bai24-hinh3.jpg","subHtml":""}]