Trong bài trước, chúng ta đã đề cập những vấn đề chung của trích dẫn nguồn dự liệu cho một công trình nghiên cứu khoa học (NCKH). Phần dưới đây sẽ đề cập sâu cách viết tài liệu tham khảo (TLTK). Thực ra, một số bài của kì đăng trước đã ít nhiều đề cập tới cách viết TLTK, nhưng chưa thật bài bản và đầy đủ (Xem mục 8. Viết tài liệu tham khảo, bài Cấu trúc một công trình nghiên cứu khoa học Y học). Bài viết này đề cập khá kĩ và đầy đủ tới cách viết TLTK theo 2 kiểu khác nhau: APA và IEEE.

1. Viết tài liệu tham khảo theo cách APA (APA style)

1.1. Giới thiệu

APA viết tắt từ American Psychological Association (tức là Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ). Cách viết TLTK do APA đề xuất được nhiều trường đại học, các tạp chí khoa học, nhất là trong các lĩnh vực khoa học xã hội chấp nhận và áp dụng (http://www.apastyle.org/). Nguyên tắc cơ bản của trích dẫn kiểu APA (hay còn gọi kiểu “tên tác giả - thời gian”) là:

- Dẫn nguồn trong nội dung văn bản (bài báo, báo cáo, sách) bằng tên tác giả và năm xuất bản, đặt trong ngoặc đơn.

- Danh mục TLTK ở cuối văn bản được xếp theo thứ tự chữ cái a, b, c…(alphabet) tên tác giả.

Khi áp dụng trích dẫn kiểu APA vào bài viết tiếng Việt, vấn đề cần được quy ước thống nhất là phần tên tác giả. Người nước ngoài thường dùng họ (family name) làm danh xưng nên APA quy ước tên tác giả trong trích dẫn là họ của tác giả (ví dụ: Họ tên đầy đủ là “Barack Obama”, tên tác giả khi trích dẫn là “Obama”), đó chính là họ của người nước ngoài. Ở Việt Nam thì danh xưng (phân biệt người này với người khác) lại bằng tên, nên sử dụng tên làm tên tác giả.

Ví dụ, họ tên đầy đủ là “Lê Hồng Hoa”, tên tác giả khi trích dẫn là “Hoa”).

Nhiều người sử dụng họ tên đầy đủ trong trích dẫn, ví dụ, “Lê Hồng Hoa”, tuy nhiên có nhược điểm như không đồng bộ với tác giả người nước ngoài, làm tăng độ dài văn bản và đặc biệt không thể sử dụng công cụ hay phần mềm quản lý TLTK.

1.2. Một số quy cách trích dẫn TLTK

-Trường hợp TLTK chỉ có 1 tác giả, ghi tên tác giả và năm xuất bản, dùng ngoặc đơn,ví dụ: (Huy, 2020) hay Smith (2000).

- Nếu có 2 tác giả, ghi cả 2 tên tác giả với ký tự “&”, ví dụ: (Hoa & Thu,

2015), Smith & Brown (2009).

- Nếu có từ 3 tác giả trở lên, chỉ ghi tên tác giả đầu tiên kèm theo cụm từ

“và nnk.” (nnk.: những người khác) (tương ứng “et al.” trong tiếng Anh), ví dụ: (Lý và nnk., 2010) hay Thu và nnk. (2015).

- Trường hợp trích dẫn một ý, một đoạn từ nhiều hơn một nguồn, các nguồn được sắp xếp theo thứ tự thời gian, ví dụ: (Smith, 1999; Thomson & Jones, 2012; Green, 2016) hay Thanh (1996, 2001) hay Ngọc (2000a, 2000b).

- Trường hợp TLTK đã được chấp nhận xuất bản nhưng chưa in, thay năm xuất bản bằng cụm từ “(đang in)”, ví dụ: Thắng và nnk. (đang in).

- Trường hợp tài liệu của một cơ quan, tổ chức (không có tác giả cá nhân), dùng tên đầy đủ hay viết tắt của cơ quan, tổ chức làm tên tác giả, ví dụ: (Bộ Công thương, 2010) hay WHO (2015).

- Trường hợp tài liệu là bài viết trên internet không có tác giả (cá nhân, tổ chức), dùng đoạn đầu tên bài (3-5 chữ) thay cho tên tác giả.

- Trường hợp trích dẫn trực tiếp nguyên văn, ghi thêm số trang vào sau năm, ví dụ: (Obama, 2014, tr.97-98).

Ví dụ: Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy bội. Theo Hair và nnk. (1998), để có thể phân tích nhân tố khám phá cần thu thập dữ liệu với kích thước mẫu là 5 mẫu trên 1 biến quan sát. Trong khi Trọng & Ngọc (2005) cho rằng tỷ lệ đó là 4 hay 5.

1.3. Quy cách ghi TLTK trong danh mục liệt kê

1.3.1. Quy cách ghi theo loại hình TLTK: Mỗi loại hình có 2 mẫu cho tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, chú ý các dấu chấm, phẩy, khoảng trống, in nghiêng.

- Với sách: Tên tác giả (các tác giả). (Năm xuất bản). Tên sách in nghiêng. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản.

Author(s) of book. (Year of publication). Title of book. Place of publication: Publisher.

- Với 1 chương trong sách: Tên tác giả (các tác giả) của chương sách. (Năm xuất bản). Tên chương. Trong Tên chủ biên (Chủ biên), Tên sách in nghiêng (tr. trang số). Nơi xuất bản: Nhà xuất bản.

Author(s) of chapter. (Year of publication). Title of chapter. In Editor(s) of book (Eds), Title of book (pp. page numbers). Place of publication: Publisher.

- Với bài báo trên tạp chí khoa học: Tên tác giả (các tác giả) bài báo. (Năm xuất bản). Tên bài báo. Tên tạp chí, tập in nghiêng (số), trang số. DOI: xx.xxxxxxxxxx (nếu có).

Author(s) of paper. (Year of publication). Title of paper. Journal name, Volume number –italicized (Issue number), page number(s). DOI: xx.xxxxxxxxxx

- Với bài trong kỷ yếu hội thảo, hội nghị: Tên tác giả (các tác giả) bài viết. (Năm xuất bản). Tên bài viết. Tên kỷ yếu hội thảo, nơi tổ chức, năm tổ chức in nghiêng (tr. trang số). Nơi xuất bản: Nhà xuất bản.

Author(s) of paper. (Year of publication). Title of paper. Title of conference’s proceeding, place, year – italicized, (pp. page numbers). Place of Publication: Publisher.

Nếu kỷ yếu chỉ phát hành bởi Ban Tổ chức, không qua nhà xuất bản thì sẽ không có thông tin về nơi và nhà xuất bản.

-Với bài trên báo chí: Tên tác giả (các tác giả). (Ngày tháng năm xuất bản). Tên bài báo. Tên tờ báo in nghiêng, trang số.

Author(s) of article. (Year of publication, month day). Title of article. Title of newspaper – italicised, page number(s).

- Với luận văn, luận án: Tên tác giả. (Năm in luận văn/luận án). Tiêu đề luận văn/luận án in nghiêng (Luận án tiến sĩ/Luận văn thạc sĩ, Cơ sở đào tạo, Địa điểm).

Author. (Year of preparation of thesis). Title of thesis – italicised (Doctoral dissertation or master's thesis, Institution, Location).

- Với tài liệu từ internet: Tên tác giả (các tác giả). (Năm tài liệu được tạo ra hay cập nhật). Tên tài liệu in nghiêng. Truy cập ngày/tháng/năm, từ http://www...

Author(s) of document. (Year document created or revised). Title of document – italicised. Retrieved mm dd, yyyy, from http://www...

Nếu không có tác giả thì chuyển tên tài liệu lên trước thay thế tên tác giả.

1.3.2. Cách ghi tên tác giả trong TLTK: Nguyên tắc ghi tên tác giả:

- Đối với người nước ngoài: Ghi họ và các chữ cái đầu của phần tên còn lại (viết hoa kèm dấu chấm). Ví dụ: Vlardimir Ilyich Lenin sẽ được ghi là Lenin, V.I.

- Đối với người Việt: Ghi tên và các chữ cái đầu của họ và tên lót (viết hoa kèm dấu chấm). Ví dụ: Nguyễn Minh Châu sẽ được ghi là Châu, N.M.

- Khi có 2 tác giả thì ghi cả 2 với ký tự “&”; từ 3-5 tác giả thì ghi tất cả tên tác giả với ký tự “&” trước tác giả cuối cùng; từ 6 tác giả trở lên thì chỉ ghi tên 3 tác giả đầu và tác giả cuối, ở giữa dùng dấu 3 chấm “...”

1.3.3. Xếp thứ tự danh mục TLTK

- Các TLTK được xếp thứ tự theo chữ cái đầu tiên của tên tác giả (hoặc tác giả đứng đầu trong trường hợp nhiều tác giả).

- Trường hợp các tác giả có tên giống nhau, xếp thứ tự theo chữ cái tiếp theo trong phần tên.

- Trường hợp cùng một tác giả, xếp thứ tự theo thời gian (năm).

1.3.4. TLTK bằng các ngôn ngữ khác Latin

- Với các TLTK bằng ngôn ngữ khác Latin (tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Ả-Rập,...) có thể xử lý theo 2 cách:

* Nếu không có bộ gõ tương ứng, phiên âm sang tiếng Latin, đặt phần dịch tên (sách, bài báo,...) sang tiếng Anh hay tiếng Việt trong ngoặc vuông.

Ví dụ: Najm, Y. (1966). Al-qissah fi al-adab Al-Arabi al-hadith [The novel in modern Arabic literature]. Beirut: Dar AlThaqafah.

* Nếu có bộ gõ chữ tương ứng, chỉ phiên âm tên các tác giả sang tiếng Latin, đặt tên gốc trong ngoặc vuông, các thông tin xuất bản khác giữ nguyên ngôn ngữ gốc.

Ví dụ: Lizhi, X. [谢丽芝] (2012). 汉语人体成语的认知机制研究, 硕士论文曲阜师范大学 [1].

Một số ví dụ về viết TLTK kiểu APA:

Bộ Y tế (2018) Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 06-3-2018 Ban hành chương trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Ban chấp hành trưng ương Đảng khóa 7 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Số 1624/QĐ-BYT ngày 06-3-2018 [2].

Gaetke, L.M., & Chow, C.K. (2003). Copper toxicity, oxidative stress, and antioxidant nutrients. Toxicology, 189(1–2), 147–163. DOI: 10.1016/S0300-483X(03)00159-8.

Linh, L.G.; Lương,V.K. & Anh, T.Q. (2019) Kiến thức, thực hành của cán bộ y tế về quản lý chất thải rắn y tế và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Tâm Thần tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018. Y học thực hành, Số 4 (1095) 2019, trang 35-37.

Trí, P.Q. () Tiến hành “Nghiên cứu tổng quan” - Phương pháp và công cụ hỗ trợ, truy cập ngày 20-9-2019 tại: http://shrc.agu.edu.vn/sites/default/files/Nghien_cuu-tong_quan-PhamQuangTri.pdf ,

2. Viết tài liệu tham khảo theo cách IEEE (IEEE style)

2.1. Giới thiệu

IEEE (Institute for Electrical and Electronics Engineers) tạm dịch là Viện Kỹ sư Điện và Điện tử - một tổ chức nghề nghiệp thế giới (https://www.ieee.org). Kiểu trích dẫn IEEE khá phổ biến trong các lĩnh vực kỹ thuật. Nguyên tắc cơ bản của trích dẫn kiểu IEEE (hay còn gọi kiểu “số trong ngoặc vuông”) là:

- Dẫn nguồn trong nội dung văn bản (bài báo, báo cáo, sách) bằng chữ số đặt trong dấu ngoặc vuông. Số của TLTK là thứ tự xuất hiện của tài liệu trong văn bản. Ví dụ: [21].

- Danh mục TLTK ở cuối văn bản được xếp theo số thứ tự của TLTK đã chú dẫn trong văn bản.

2.2. Một số quy cách trích dẫn trong văn bản

- TLTK đã trích dẫn, sau đó được trích dẫn lại thì vẫn giữ nguyên số thứ tự đã dùng ở lần đầu.

- Chữ số chú dẫn nguồn TLTK được đặt trong 2 dấu ngoặc vuông, nếu nằm ở cuối câu thì đứng trước dấu chấm câu, ví dụ: [1].

- Khi trích dẫn từ 2 TLTK trở lên, giữa các tài liệu cách nhau bằng dấu phẩy, ví dụ: [2, 10]. Với nhiều tài liệu liên tục, dùng dấu gạch ngang giữa TLTK đầu và cuối, ví dụ: [2-5].

- Trường hợp trích dẫn trực tiếp nguyên văn hoặc cần thiết chỉ rõ vị trí trích dẫn thì ghi thêm số trang vào sau chữ số thứ tự, ví dụ: [4, tr.97].

2.3. Quy cách ghi TLTK trong danh mục liệt kê

2.3.1. Quy cách ghi theo loại hình TLTK: Mỗi loại hình có 2 mẫu cho tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, chú ý các dấu chấm, phẩy, khoảng trống, ngoặc kép, in nghiêng.

-Với sách:

[STT] Tên tác giả (các tác giả), Tên sách in nghiêng, lần xuất bản (nếu không phải lần đầu). Nơi xuất bản: Nhà xuất bản, Năm.

[No.] Author’s name, Title of book, edition (if not first). Place of publication: Publisher, Year.

-Với 1 chương trong sách:

[STT] Tên tác giả (các tác giả) của chương sách, “Tên chương”, trong Tên sách in nghiêng, lần xuất bản (nếu không phải lần đầu), Tên chủ biên, Chủ biên. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản, Năm, trang số.

[No.] Author(s) of chapter, “Title of chapter”, In Title of book, edition (if not first),

Editor(s) of book, Ed. Place of publication: Publisher, Year, Page number(s).

-Với bài báo trên tạp chí khoa học:

[STT] Tên tác giả (các tác giả) bài báo, “Tên bài báo,” Tên tạp chí in nghiêng, tập, số, trang số, năm. DOI: xx.xxxxxxxxxx (nếu có).

[No.] Author(s) of paper, “Title of paper,” Journal name- italicised, volume number, issue number, page number(s), year. DOI: xx.xxxxxxxxxx (if available).

-Với bài trong kỷ yếu hội thảo, hội nghị:

[STT] Tên tác giả (các tác giả) bài viết, “Tên bài viết,” trong Tên kỷ yếu hội thảo, nơi tổ chức, thời gian tổ chức in nghiêng, Nơi xuất bản: Nhà xuất bản, năm xuất bản, trang số.

[No.] Author(s) of paper, “Title of paper,” Title of conference’s proceeding, palce of organization, time of organization – italicized, Place of Publication: Publisher, year of publication, page numbers.

-Với bài trên báo chí:

[STT] Tên tác giả (các tác giả), “Tên bài báo,” Tên tờ báo in nghiêng (Ngày tháng năm xuất bản), trang số.

[No.] Author(s) of article, “Title of article,” Title of newspaper – italicised (Year of

publication, month day), page number(s).

- Với luận văn, luận án:

[STT] Tên tác giả, “Tiêu đề luận văn/luận án in nghiêng,” Luận án tiến sĩ/Luận văn thạc sĩ, cơ sở đào tạo, địa điểm, năm in luận văn/luận án.

[No.] Author, “Title of thesis – italicised,” Doctoral dissertation/Master's thesis,

Institution, Location, year of preparation of thesis.

- Với tài liệu internet:

[STT] Tên tác giả (các tác giả), “Tên tài liệu,” Thời gian tài liệu được tạo hay cập nhật. [Trực tuyến]. Địa chỉ: http://www...... [Truy cập ngày/tháng/năm].

[No.] Author(s) of document, “Title of document,” Time document created or revised. [Online]. Availabe: http://www...... [Accessed mm dd yyyy].

2.3.2. Cách ghi tên tác giả trong TLTK

Tên tác giả ở các dạng tài liệu được ghi theo nguyên tắc:

- Đối với người nước ngoài: Các chữ cái đầu của phần tên, tên đệm viết hoa kèm dấu chấm, họ viết đầy đủ. Ví dụ: Vladimir Ilyich Lenin sẽ được ghi là V.I. Lenin.

- Đối với người Việt: Các chữ cái đầu của họ và tên đệm viết hoa kèm dấu chấm, tên viết đầy đủ. Ví dụ: Nguyễn Bảo Khang sẽ được ghi là N.B.Khang.

- Khi có 2 tác giả thì ghi cả 2 với từ nối “và” (hoặc “and” trong tiếng Anh); từ 3-5 tác giả thì ghi tất cả tên tác giả với từ nối “và” (hoặc “and” trong tiếng Anh) trước tác giả cuối cùng; từ 6 tác giả trở lên thì chỉ ghi tên 3 tác giả đầu và tác giả cuối, ở giữa dùng dấu 3 chấm “...”.

2.3.3. Xếp thứ tự danh mục TLTK

Các tài liệu tham khảo được xếp thứ tự tăng dần theo số thứ tự xuất hiện trong văn bản. Nên định dạng sao cho các số thứ tự ở chế độ “hanging” (tức hàng thứ hai trở đi trong mỗi tài liệu lùi vào thẳng hàng với dòng đầu tiên).

2.3.4. TLTK bằng các ngôn ngữ khác Latin

Với các TLTK bằng ngôn ngữ khác Latin (tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Ả- Rập,...) có thể xử lý theo 2 cách:

- Nếu không có bộ gõ tương ứng, phiên âm sang tiếng Latin, đặt phần dịch tên (sách, bài báo,...) sang tiếng Anh hay tiếng Việt trong ngoặc vuông. Ví dụ:

[20] Y. Najm, “Al-qissah fi al-adab Al-Arabi al-hadith [The novel in modern Arabic literature], Beirut: Dar AlThaqafah, 1996.

- Nếu có bộ gõ chữ tương ứng, chỉ phiên âm tên các tác giả sang tiếng Latin, đặt tên gốc trong ngoặc vuông, các thông tin xuất bản khác giữ nguyên ngôn ngữ gốc. Ví dụ:

[21] X. Lizhi [谢丽芝], “汉语人体成语的认知机制研究, 硕士论文曲阜师范大学”, 2012.

Ví dụ liệt kê danh mục TLTK theo IEEE

[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tư số 18/2014/TT-BNNPTNT ngày 23/6/2014 ban hành Danh mục bổ sung giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, 2014.

[2] L. M. Gaetke and C. K.Chow, “Copper toxicity, oxidative stress, and antioxidant nutrients,” Toxicology, Vol. 189, No. 1–2, pp.147–163, 2003. DOI: 10.1016/S0300-483X(03)00159-8.

[3] N. T. L Hương và T. T. Quân, “Nhận thức của du khách về hình ảnh điểm đến du lịch Huế,” Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, Tập 126, Số 5D, tr. 79– 94, 2017. DOI: 10.26459/hueuni-jed.v126i5D.4555.

[4] L.T.K. Liên, T. T. T. Thủy, Q. B. Chính và T. N. Quyền, “Đánh giá của du khách về du lịch lễ hội tổ chức tại chùa ở Thừa Thiên Huế,” Tạp chí Khoa học Đại học Huế, Tập 109, Số 10, tr. 191–202, 2015.

[5] L. T. Mận (2013), Thực trạng ghi chép hồ sơ bệnh án nội trú và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2013, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Bệnh viện, Trường Đại học Y tế Công cộng, 2013 [3].

[6] P. K. Liệu và T. A. Tuấn, “Tính toán mức phát thải nhà kính của chính quyền thành phố Huế bằng công cụ Bilan Carbone,” trong Kỷ yếu Hôi thảo Khoa học Quốc gia Đất ngập nước và Biến đổi khí hậu, Hà Nội, 2011, Hà Nội: Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2011, tr. 343-356.

[7] L. V. Mỹ, “Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 30 năm cải cách mở cửa (1978-2008)”. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 2007.

[8] T. Tamminen, “Eutrophication and the Baltic Sea: Studies on Phytoplankton,

Bacterioplankton and Pelagic Nutrient Cycles,” PhD thesis, University of Helsinki, Finland, 1990.

[9] N. Q. T. Tiến, “Về quá trình tụ cư lập làng ở Hương Vinh,” trong Văn hóa - lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài, N. Q. T. Tiến và N. Masanari, Chủ biên. Huế: Nxb.Thuận Hóa, 2010, tr.10 - 28.

[10] T. Trabasso and E. Bouchard, “Teaching readers how to comprehend text

strategically,” in Comprehension instruction: Research-based best practices, C. C.

Block and M. Pressley, Eds. New York: The Guilford Press, 2002, pp. 176–200.

[11] N. C. Trí, “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020,” Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM, 2011.

[12] D. Tử, “Nuôi tôm thẻ chân trắng trải bạt nền đáy,” 2015. [Trực tuyến]. Địa chỉ: http://thuysanvietnam.com.vn/nuoi-tom-the-chan-trang-trai-bat-nen-day-article6651.tsvn. [Truy cập 21/7/2016].

[13] Water Research Centre, Proposed Water Quality Criteria for the Protection of

Aquatic Life from Intermittent Pollution. Report PRS 2498-NM, UK, 1990.

3. Tự động hóa công việc chú dẫn và liệt kê tài liệu tham khảo.

Khi viết bản thảo (báo cáo đề tài, bài báo) trên MS Word (từ Office 2007 trở lên), có thể sử dụng chức năng “Citations & Bibliography” dưới tab “REFERENCES” được tích hợp sẵn để chèn TLTK vào vị trí chú dẫn trong văn bản và chèn danh mục TLTK tự động vào cuối văn bản. Mỗi khi chọn kiểu trích dẫn APA hay IEEE từ ô “Style”, MS Word sẽ tự động chuyển đổi TLTK đã nhập sang cách chú dẫn và cách liệt kê tương ứng.

Bên cạnh đó, hiện nay có khá nhiều phần mềm quản lý TLTK như Mendeley, EndNote, ReadCube, Zotero, Citavi,... được sử dụng bởi những người làm công tác nghiên cứu thường xuyên viết báo cáo, bài báo. Một số phần mềm cho phép người dùng xây dựng sẵn danh mục TLTK từ các file bài báo, tài liệu,.. dạng *docx hay *pdf (tự động bóc tách các yếu tố xuất bản khi thêm file tài liệu mới vào mà không cần phải nhập lại); có thể tích hợp vào MS Word tương tự “References” sẵn có nói trên của Office [1].

Tài liệu tham khảo

  1. Đại học Huế () Hướng dẫn cách trích dẫn và liệt kê tài liệu tham khảo đối với

            đề tài khoa học & công nghệ cấp Đại học Huế.

  1. Bộ Y tế (2018) Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 06-3-2018 Ban hành chương

     trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-

     10-2017 của Hội nghị Ban chấp hành trưng ương Đảng khóa 7 về tăng

     cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Số

     1624/QĐ-BYT ngày 06-3-2018 [2].

  1. Chu Thị Tuyến, Thực trạng  ghi chép hồ sơ bệnh án và một số yếu tố ảnh hưởng tại Khoa nội nhi Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc quý 2 năm 2019, Luận văn cao học Quản lý bệnh viện, Trường Đại học Y Hà Nội, 2020.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[]