Xã hội hóa việc phòng chống bệnh dịch Covid-19 ?

Zero covid-19 là không thể, vậy phải sống chung với nó, thừa nhận nó là 1 thực thể khách quan không thể chối bỏ, loại bỏ. Muốn vậy, con người ai ai cũng phải hiểu nó, biết né tránh, biết phòng ngừa, biết đối phó, biết chữa trị ... như 1 việc thông thường hằng ngày. Để có được kĩ năng như vậy, việc xã hội hóa phòng chống bệnh dịch covid-19 là xu thế tất yếu.

Chúng ta đã xã hội hóa, đã có kinh nghiệm, đã có thành công trong bệnh đại dịch HIV/AIDS, vậy tại sao không xã hội hóa việc phòng chống Covid-19. Để xã hội hóa được cần dựa trên những kinh nghiệm đã có khi thực hiện xã hội hóa chống dịch sốt xuất huyết, dịch sốt rét ... và các chương trình khác. Hãy coi bệnh  Covid-19 do virus Sars-cov-2 là 1 bệnh cúm có độc lực cao hơn, lây nhiễm nhanh, mạnh hơn ... và người dân phải sống chung nó.

Những việc có thể xã hội hóa chính là thực hiện 4 tại chỗ mở rộng và trao thêm nhiệm vụ cho y tế cơ sở chứ không phải là chuyện mới. Bốn tại chỗ ở đây được hiểu là:

1. Phòng bệnh ngay tuyến cơ sở; bao gồm việc tuyên truyền, tầm soát, ...

2. Phát hiện bệnh, chẩn đoán chính xác tại địa bàn cơ sở; phân loại điều trị từ xã phường tới huyện, tỉnh;

3. Điều trị ngay tại tuyến cơ sở, thuốc men, vật tư tại chỗ ... kể cả thuốc đông nam y;

4. Nhân viên y tế là người sở tại có sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên.

Y tế cơ sở ở đây nên được hiểu là y tế tuyến huyện, tuyến xã, y tế thôn bản và y tế tư nhân.

Để làm được việc này chính phủ cần có chủ trương và chính sách cho phép xã hội hóa công tác phòng chống, chữa bệnh do virus Sars-cov-2 gây ra. Bộ y tế ban hành văn bản những hiểu biết cơ bản về phòng chống, phát hiện, chẩn đoán, cách thức chữa trị bệnh Covid-19 thành 1 bộ tài liệu cẩm nang, tập huấn cho y tế cơ sở.

Bộ thông tin truyền thông thông tin ở mức độ đúng mực, vừa làm xã hội hóa báo chí vừa phản biện, nêu gương tốt, phê phán những lệch lạc, trục lợi của kẻ xấu. Báo chí không nên thổi phồng những đau thương, mất mát, sự bất lực của con người trước dịch bệnh; để tránh những sai sót truyền thông trong thời kỳ chống dịch HIV/AIDS mà chúng ta từng mắc phải.

Các bộ ngành theo chức năng của mình cùng đồng hành với quá trình dài hạn này.

Việc xã hội hóa vấn đề nêu trên còn được hiểu theo 1 khía cạnh khác nữa, đó là việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong lựa chọn phương án chữa trị bệnh thế nào, phương pháp gì, thuốc nam hay thuốc bắc, thuốc đông y hay tây y. Theo đó chúng ta mới phát huy được toàn bộ sức mạnh của dân tộc, trong đó hệ thống chính trị là nòng cốt.

Khi xã hội hóa trong điều kiện hoàn cảnh bất thường nhà nước nên cho phép mở rộng cửa nhập khẩu thuốc men, miễn là nước sở tại đã cấp phép thì chúng ta thừa nhận; kể cả cho phép tư nhân sản xuất, nhập khẩu vacxin, sinh phẩm xét nghiệm và các vật tư khác ... với thủ tục hành chính 1 cửa gọn nhất, tránh mọi cản trở trục lợi. Việc xã hội hóa minh bạch còn là 1 hình thức chống lợi ích nhóm trong khi đất nước hoạn nạn.

Việc cạnh tranh giữa nhà nước và tư nhân, giữa các cơ sở y dược, vùng miền theo cơ chế thị trường có trần giá các dịch vụ là thuộc về công tác quản lý của nhà nước; trong đó nhà nước sẽ phải lưu ý các đối tượng yếm thế, yếu thế cụ thể.

Khi hệ thống y tế nhận thức đúng; chủ trương của chính phủ với những chính sách phù hợp và sát thực tế, người dân sẽ ủng hộ và khả năng thành công sẽ rất cao.

Bác sỹ Hoàng Sầm

Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam.

 

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/d%E1%BB%8Bch%20b%E1%BB%87nh.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/d%E1%BB%8Bch%20b%E1%BB%87nh.png","subHtml":""}]