Cây cối xay - yhocbandia.vn

 

Tên khác: Nhĩ hương thảo, Kim hoa thảo.

Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet, họ Bông (Malvaceae).

Mô tả: Cây nhỏ sống hàng năm hay lâu năm, mọc thành bụi, cao 1-2m, có lông mềm trên toàn thân và các bộ phận của cây. Lá mọc so le, hình tim, mép khía răng. Hoa vàng, mọc ở nách lá, có cuống dài bằng cuống lá. Quả gồm tới 20 lá noãn dính nhau nom như cái cối xay lúa. Hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt. Mùa hoa quả tháng 2-6.

Dược liệu: gồm các đoạn thân, cành, lá, hoa, quả. Tất cả các bộ phận đều có lông. Thân lớn đường kính khoảng 1,2 cm, được cắt vát dài 1 – 1,5 cm. Thân nhỏ và cành thường được cắt thành đoạn dài 3 – 4 cm. Vỏ thân có vân nhăn nheo dạng lưới, màu nâu xám nhạt hay lục xám, vỏ cành thường nhẵn. Lá khô bị nhăn nheo, nhàu nát, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn, nếu ngâm nước rồi rải trên một mặt phẳng sẽ thấy lá mỏng mềm, hình tim, đầu nhọn, dài rộng khoảng 5 – 10 cm. Hoa màu vàng, có cuống, mọc đơn độc ở nách lá. Quả hình cầu cụt đầu giống thớt cối xay, đường kính 1,5 – 2 cm, có khoảng 20 phân quả, mỗi phân quả có một vỏ nhọn như gai, có lông dày, chứa 3 hạt màu đen nhạt, hình thận.

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta.

Thu hái: Vào mùa hạ, đem về, giũ sạch bụi, cắt thành những đoạn theo kích thước quy định, phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất (Herba Abutili indici), rễ, hạt.

Thành phần hóa học: Lá chứa nhiều chất nhầy và asparagin. Cây chứa tinh dầu với các thành phần là b-pinen, caryophyllen oxyd, cineol, geraniol, geranyl acetat, alemen, eudesmol, farnesol, borneol. Hạt chứa raffinose 1,6% và dầu nửa khô 4,21% gồm chủ yếu là glycerid của các acid linoleic, oleic, palmitic, stearic. Rễ chứa dầu béo, b- sitosterol, b-amyrin và một alcaloid chưa xác định.

Công năng: Giải biểu nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu.

Công dụng: Cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.

Cách dùng, liều lượng: Sắc uống hoặc giã nát đắp mụn nhọt. Lá ngày dùng 8 – 20g, hạt 2 – 4g, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

TT

Chỉ định

Thành phần

Cách sử dụng

  1. 1.

Đau tai, tật điếc

Cối xay                60 gram

hoặc quả          20-30 gram

Nấu với thịt lợn ăn

  1. 2.

Tật điếc

Rễ Cối xay           60 gram

Mộc hương        60 gram

Vọng giang nam 60 gram

Nấu với đuôi lợn ăn

  1. 3.

Sau khi đẻ phù thũng

Lá Cối xay          30 gram

Ích mẫu                20 gram

Sắc uống

  1. 4.

Kiết lỵ hay mắt cá màng mộng

Quả Cối xay         30 gram

Hoa Mào gà        30 gram

Sắc uống

Ghi chú: Người có thận hư hàn, tiểu tiện nhiều và trong, ỉa chảy không nên dùng. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.

Kinh nghiệm riêng của bác sỹ Hoàng Sầm:

Vào năm mùa hè 1981 vợ tôi phải nằm khoa nội viện trường Đa khoa trung ương Thái nguyên vì viêm cầu thận mạn tính với tình trạng phù và mệt mỏi nhiều. Theo Cô Lan chủ nhiệm bộ môn nội và Thầy Trọng (sau là thứ trưởng bộ y tế) ngày đó coi bệnh này là “án tử hình chưa thi hành”. Suốt từ năm 1981-1982 vợ tôi phải ăn nhạt hoàn toàn và uống bài thuốc do tôi tự chế:

            Cây cối xay                  50g

            Dây tai chuột                50g

            Vỏ bưởi đào                 20g

            Tầm gửi gạo                 50g

            Rễ cỏ tranh                   50g

            Bồng bồng                    50g

Thuốc này được uống suốt tới năm 1983. Nay, đã gần 30 năm qua, vợ tôi đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Có thể nói đây là bài thuốc tốt cần có nghiên cứu sâu hơn.

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2011\/08\/Cy_ci_xay%20-%20yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2011\/08\/Cy_ci_xay%20-%20yhocbandia.jpg","subHtml":"C\u00e2y c\u1ed1i xay - yhocbandia.vn"}]