Tan máu trong lòng mạch là tình trạng hồng cầu bị vỡ trong lòng mạch sớm hơn đời sống bình thường của nó. Nguyên nhân của tình trạng này người ta đã xác định được từ lâu. Đó là do bệnh lý của bản thân hồng cầu hoặc trong huyết tương xuất hiện chất làm vỡ hồng cầu.

Do bệnh lý của bản thân hồng cầu

Rối loạn cấu tạo hồng cầu:

 – Bệnh hồng cầu hình cầu di truyền là loại bệnh do tổn thương màng hồng cầu, hồng cầu nhỏ, hai mặt phồng (hình cầu), di truyền.. Do vậy, hồng cầu bị thay đổi tỷ lệ giữa bề mặt và thể tích của nó nên khó biến hình khi qua các mao mạch nhỏ và dễ bị các đại thực bào ở lách bắt giữ, tiêu huỷ. Về mặt phân tử, cơ chế gây bệnh chưa được giải thích đầy đủ nhưng có nhiều bằng chứng cho rằng đó là kết quả của sự thiếu hụt spectrin của lưới protein bề mặt.

– Bệnh hồng cầu bầu dục di truyền (HE: heriditary elliptocytosis)  là bệnh xẩy ra do một sai sót tiên phát ở màng hồng cầu. Bệnh hiếm gặp, mắc với tỷ lệ 1/400 triệu dân, nhưng đã biết rõ vị trí gen gây bệnh và các thể bệnh. Cơ chế chủ yếu là spectrin của màng hồng cẩu lẽ ra ở dạng tetrameric, nhưng trong bệnh này lại ở dạng dimeric. Ngoài ra, cũng có vài thiếu sót protein khác nữa ở màng.

Rối loạn enzyme của hồng cầu:

Thiếu enzyme G6PD (Glucose 6 photphat dehydrogenase). Tan huyết  nặng do thiếu bẩm sinh G6PD. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng trên 100 triệu người trên thế giới. Bệnh  hay gặp khi dùng một số thuốc như thuốc chống sốt rét (primaquin), sulfonamid…

Thiếu enzyme Pyruvate kinase (PK). Bệnh hiếm gặp hơn tan huyết do thiếu G6PD. Pyruvatkinase là enzyme có tác dụng thuỷ phân glucid trong phản ứng:

Do hồng cầu chứa Hemoglobin bệnh lý

Bệnh do sai sót trong cấu trúc Hemoglobin (đa số rơi vào chuỗi b), thể hiện bằng sự thay một acid amin bằng một acid amin khác, ở một vị trí nhất định.

– Hemoglobin S và bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm: Ở vị trí thứ  6 của chuỗi b đáng lẽ là glutamin thì bị thay bằng acid amin valin (bộ 3 nucleotid GAA, bị thay bằng GUA). Vì vậy HemoglobinA biến thành HemoglobinS. Khi bị lấy oxy ở các mô Hemoglobin S bị trùng hợp lại thành các sợi xoắn, dễ kết tinh, do đó làm thay đổi hình thể hồng cầu thành hồng cầu hình liềm, dễ kết tụ lại và dễ tan trong các vi mạch. Đây là bệnh di truyền, đa số là dị hợp tử, thiếu máu nhẹ và có thể bệnh nhân vẫn sống lâu. Nếu là đồng hợp tử thì rất nặng, khó sống sót.

– HemoglobinE: bệnh quan trọng thứ hai, trong đó glutamin ở vị trí thứ 26 của chuỗi b bị thay bằng lysin. Thường gặp ở Đông Nam á. Trên thế giới có khoảng 30 triệu người mắc bệnh này.

– HemoglobinC: Glutamin ở vị trí thứ 6 trong chuỗi b bị thay bằng lysin. Thiếu máu nhẹ, lách to.

– Huyết sắc tố niệu kịch phát về đêm (paroxysmal noctural hemoglobinuria:  PNH. Bệnh xuất hiện ở bệnh nhân có hồng cầu đặc biệt nhạy cảm với bổ thể bên cạch những hồng cầu bình thường, nhất là khi pH giảm xuống về ban đêm. Cơ chế đã được phát hiện là do những đột biến thân (soma) của hồng cầu trong tuỷ, khiến hồng cầu thiếu nhiều loại protein màng trong đó có loại có chức năng bất hoạt thành phần bổ thể C8. Đây là bệnh mắc phải đưa đến sự quá mẫn bất thường của một số hồng cầu dưới tác dụng của một vài yếu tố bổ thể, từ đó gây tan huyết. Người ta cũng phát hiện thấy có mối quan hệ giữa đái huyết sắc tố về đêm với thiếu máu bất sản tuỷ.

Vỡ hồng cầu do nguyên nhân bên ngoài hồng cầu:

Kháng thể chống hồng cầu từ ngoài đưa vào, gặp trong các trường hợp

– Tan máu do truyền máu nhầm nhóm ABO, đây là một tai biến nặng hay gặp khi truyền máu cẩu thả không theo qui tắc truyền máu.

Tan máu do khác nhóm máu ABO giữa mẹ và thai. Hay gặp ở những người mẹ có nhóm máu O mà thai thuộc nhóm A hoặc B. Khi hiệu giá kháng thể chống A và B của mẹ cao chuyển sang con làm ngưng kết và tan hồng cầu của thai nhi.

Tan máu do truyền nhóm máu “O nguy hiểm”. Đó là nhóm O có hiệu gíá kháng thể chống A và B rất cao, gấp hàng chục hay trăm lần bình thường. Nếu được truyền vào cơ thể

a1

có nhóm A, B, AB có thể gây tai biến. Cơ chế tăng hiệu giá kháng thể là do bị mẫn cảm với kháng nguyên A hay B trong thiên nhiên (có trong một số vaccin hoặc thức ăn).

Tan máu do yếu tố Rh: nếu mẹ là Rh (-), thai Rh (+) di truyền từ cha, khi một số hồng cầu từ thai nhi qua mẹ do tổn thương của bánh rau khi đẻ, sẽ kích thích cơ thể mẹ sinh ra kháng thể chống Rh(+). Những lần sinh thứ hai trở đi kháng thể chống Rh(+) của mẹ qua rau thai vào máu thai nhi kết hợp với hồng cầu Rh(+) của thai gây tan huyết. Tan huyết nhẹ là gây vàng da, nặng là sẩy thai hoặc thai chết lưu.

Tan máu do cơ chế miễn dịch

Thiếu máu huyết tán tự miễn có thể xẩy ra khi rối loạn chức năng tế bào T ức chế (Ts), hội chứng suy giảm miễn dịch, rối loạn chức năng tuyến ức, các rối loạn phân triển lympho bào, lupus ban đỏ….Ngoài ra, tự kháng thể có thể sinh ra do cảm ứng của thuốc, trong đó thuốc có vai trò là hapten.

Cơ chế tan máu chung ở loại này là: bước khởi phát, kháng thể gắn phần Fab của nó vào kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Bước tiếp theo, tuỳ thuộc vào lớp kháng thể IgG hay IgM, độ dày đặc và sự phân bố của kháng nguyên.

Do các chất độc gây vỡ hồng cầu như hoá chất (phenol, chì, asen), thuốc (quinin, sufamid…), thảo mộc (nấm độc, dầu thầu dầu…), động vật (nọc rắn).

Do ký sinh trùng sốt rét, vi khuẩn (liên cầu, tụ cầu, phế cầu), vi khuẩn kị khí, virus (cúm…). Ký sinh trùng sốt rét là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tan huyết ở Việt Nam. Đối tượng bị tan huyết do sốt rét ở Việt Nam là: cộng đồng dân cư sống ở vùng có muỗi Anophen hoạt động như vùng núi phía bắc, Tây Nguyên…Những người đi bộ đội chống Mỹ về mang mầm bệnh…

Do yếu tố vật lý:

bỏng nặng, truyền dung dịch nhược trương, đông máu rải rác trong lòng mạch…

– Thiếu máu đẳng sắc do sắt không bị mất ra ngoài.

– Tuỷ xương tăng sinh mạnh: nhiều hồng cầu lưới, hồng cầu đa sắc và ưa acid. Hemoglobin niệu, có thể gây tắc ống thận bởi trụ hematin.

– Tăng bilirubin tự do trong máu.

– Da và nước tiểu vàng nhẹ, phân rất sẫm màu.

– Tăng nồng độ sắt trong huyết thanh.

Như vậy chỉ có thể tìm được nguyên nhân gây tan máu trong lòng mạch thì mới có thể giải quyết được thiếu máu do tan huyết.

Ths Lâm Văn Tiên

nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/05\/a1-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/05\/a1-yhocbandia.jpg","subHtml":"a1"}]