Vua Càn Long cải trang vi hành

Truyền thuyết trong dân gian kể rằng, Hoàng Đế Càn Long cải trang tới Giang Nam vi hành. Ông đã nghĩ ra cách này vừa có thể tới Hải Ninh thăm phụ mẫu thân sinh, đồng thời cũng tránh được tai mắt của kẻ xấu. Trên đường đi, có rất nhiều cao thủ đại nội ẩn thân bảo vệ ông. Ngày thì đi, đêm thì nghỉ.

Một ngày nọ tới Trấn Giang, sau khi tìm được nhà trọ, Càn Long trằn trọc mãi nhưng không sao ngủ được. Ông cảm thấy cả người ngứa ngáy khó chịu liền khoác áo rời giường rồi đi tới một cửa hiệu thảo dược. Một người đàn ông trung niên tay cầm đuốc ra mở cửa. Càn Long nói: “Xin thứ lỗi, tiểu sinh đêm khuya tới quấy rầy, mong tiên sinh phối chế giùm chút thảo dược”. Càn Long nói nho nhã giống như một công tử nhà giàu, rồi ông bước lên trước hành lễ. Người trung niên đáp lời: “Mời khách quan ngồi, dù sao ta cũng chưa đi ngủ”.

Càn Long nương nhờ ánh đèn thì thấy, vị tiên sinh này đêm khuya vẫn còn sao chép dược thư. Có thể thấy được, đây chính là một người cần cù chăm chỉ. Người chủ tiệm pha trà rồi hai người bắt đầu nói chuyện. Lúc này, cả người Càn Long đều ngứa ngáy khó chịu, ông nhịn không được định đưa tay gãi, nhưng lại sợ thất lễ. Vì thế ông liền đem bệnh trạng của mình nói với vị lang trung này. Sau khi vị lang trung kiểm tra kỹ càng, y nói với Càn Long: “Ngươi bị bệnh ghẻ, dân gian hay gọi là ghẻ lở, là một trong những bệnh ngoài da. Có thể trị được, nhưng cần phải nghe theo sự căn dặn của ta. Sau khi dùng thuốc không được dùng tay để gãi, càng không thể đưa vào miệng, bởi vì thảo dược này có kịch độc”

“Tiên sinh có thể nói cho ta biết tên loại thảo dược này không?” Càn Long tò mò hỏi. Vị lang trung đáp: “Thảo dược này tên là ‘Đoạn trường thảo’. Tương truyền, năm đó Thần Nông thử bách thảo đã gặp được một loại cây dây leo, lá cây có hình dạng đối xứng, cây có hoa nhỏ màu vàng nhạt. Thần Nông hái xuống vài lá non rồi bỏ vào miệng nếm thử, vừa nhai nát nuốt xuống thì độc tính liền phát tác. Còn chưa kịp uống thuốc giải, ruột đã bị đứt thành từng khúc nhỏ. Loại dây leo khiến Thần Nông đứt ruột này được người đời gọi là ‘Đoạn trường thảo.’ ”. Lang trung nói với người thanh niên tò mò.

Bệnh của Càn Long được chữa khỏi, ông trọng thưởng cho vị lang trung này, đồng thời múa bút viết xuống năm chữ lớn “Thần Nông Bách Thảo Đường” tặng cho tiệm thảo dược này. Từ đó tiệm thảo dược liền danh chấn cả Nam lẫn Bắc.

‘Đoạn trường thảo’ trong truyền thuyết còn được gọi là: câu vẫn, hồ mạn đằng, đại trà dược, dã cát, độc căn, sơn tì sương.

Đây là một loại cây leo thân quấn thường xanh, dài tới 12m khá phổ biến ở miền rừng núi Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, miền bắc Myanma, bắc Thái Lan, cũng như các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Hồ Nam, Giang Tây, Vân Nam, Chiết Giang của Trung Quốc và Đài Loan. Nó được tìm thấy trong các cánh rừng rậm và dày ở cao độ từ 200 mét đến 2.000 mét. Thân cây có khía. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt. Lá mọc đối, không lông, hình trứng hay hình trứng mũi mác, đầu nhọn, mép nguyên, xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7–12cm. Hoa mọc thành xim đầu cành hay kẽ lá. Năm cánh hoa màu vàng, tràng hoa hình phễu, ra hoa trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 11-12. Quả là dạng quả nang, hình thon elíp hay hình trứng, dài 1-1,4 x 0,6-0,8cm, nhẵn không lông, màu nâu. Hạt nhỏ cỡ 0,5cm, dạng từ hình elíp tới hình thận, màu nâu nhạt, phần giữa có lông, có diềm cánh mỏng xung quanh giúp phát tán theo gió. Là loài cây ưa sáng nên thường mọc chỗ đất trống, bìa rừng, ven đường.

Đoạn trường thảo quả thật có kịch độc, nhưng có thể dùng để điều trị viêm da mãn tính. Lấy vỏ đoạn trường thảo, rễ củ cải rừng, đường phèn mỗi thứ 30g, giã nhuyễn rồi trộn với dấm chua, sau đó đắp lên chỗ đau. Lấy lá tươi giã nát dùng ngoài da có thể trị lở loét, phù thũng, ghẻ lở. Trong thú y có thể thể áp dụng điều chế thành thuốc tiêm trị suyễn lợn. Đem sắc thuốc có thể khu trừ các loại sán dây, sán lá, giun đũa.

Trong “Thảo mộc lược thuật trọng điểm” có ghi lại: “Người ăn nhầm lá này thì chí tử, mà dê ăn vào lại béo tốt”. Có lẽ trong cơ thể dê có chất gì đó có thể giải được độc tố của đoạn trường thảo. Người ăn nhầm phải đoạn trường thảo (lá ngón), nhanh chóng cho uống máu tươi của vịt, ngỗng hoặc máu dê rồi đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu.

Doctor SAMAN

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2017\/14658024122334256.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2017\/14658024122334256.jpg","subHtml":""}]