Liệt mặt ngoại biên
Liệt mặt ngoại biên là tổn thương được tính từ nhân dây VII trong cầu não trở xuống, liệt mặt trung ương là những tổn thương được tính từ trước nhân trở lên. Những trường hợp liệt dây VII’ do nhân bọt trên không thuộc trường hợp này.
Đại cương
Liệt mặt ngoại biên là tổn thương được tính từ nhân dây VII trong cầu não, liệt mặt trung ương là những tổn thương được tính từ trước nhân trở lên. Những trường hợp liệt dây VII’ do nhân bọt trên không thuộc trường hợp này. Nguyên nhân chia 3 nhóm do lạnh, do viêm và chấn thương.
Chẩn đoán lâm sàng là chính với 1 số triệu chứng sau:
– Xuất hiện liệt mặt đột ngột, trước đó có thể đau nhẹ sau dái tai hoặc phần lớn không đau, xảy ra vào ban đêm, chỉ khi đánh răng, rửa mặt, soi gương, uống nước, ăn sáng… mới biết mình bị liệt.
– Miệng méo khi cười, khi nhe răng, không thể thổi lửa, huýt sáo, uống nước bị trào ra ngoài.
– Mắt nhắm không kín ở bên liệt, khi nhắm cố đồng tử di chuyển lên trên và chếch ra ngoài gọi là dấu hiệu sác-lơ-bell.
– Ấn vào huyệt Ế phong bên liệt thấy hơi nề và đau
– Mặt bị kéo lệch sang bên lành, bên liệt có hình ảnh của nét mặt vô cảm
– Phân biệt với liệt mặt trung ương bởi liệt liệt VII trung ương chỉ liệt ¼ mặt dưới và không có dấu hiệu sác-lơ-bell
Điều trị bằng tây y
- Kháng sinh
- Prednisolon
- Anpha chymotrypsin
- ATP
- Cavinton
- Sinh tố nhóm B
Điều trị bằng đông y
Điều trị bằng xoa bóp: dùng các thủ thuật xoa, bóp, day, miết, phân hợp, bấm, điểm tập trung vào huyệt ế phong, giáp xa, vùng mi trên, các cơ mi dưới
Điều trị bằng châm cứu:
–Huyệt Ế phong là chủ yếu vì đó là nơi chưa chia nhánh của dây VII, không được thủy châm vào huyệt này, không châm sâu quá 1cm.
–Huyệt Hợp cốc bên đối diện, trường hợp sau 16 ngày chuyển biến nhưng không thật nhanh, rõ cần châm cả 2 bên.
–Nếu do lạnh châm huyệt Liệt khuyết, do huyết ứ sau chấn thương châm Túc tam lý, Huyết hải, do nhiễm trùng từ tai giữa, do vi rút châm Nội đình, Khúc trì.
–Các huyệt khác gồm: Dương bạch, Đồng tử liêu, Ty trúc không, Tình minh, Ngư yêu, Toản trúc, Thừa khấp, Nghinh hương, Thừa tương, Địa thương, Giáp xa, Hạ quan, Quyền liêu.
Điều trị bằng thuốc không nhất thiết chia thể như các sách giáo khoa, các thể nhất nhất chỉ cần dùng bài Đại tần giao thang gia vị: nếu do lạnh hoặc không rõ nguyên nhân gia Ma hoàng, Cảo bản, Tân di; nếu do nhiễm khuẩn gia Ngân hoa, Liên kiều, rễ chàm; nếu do chấn thương gia Đan sâm, Trạch lan.
Bài đại tần giao thang:
Tần giao | 12g | Nhân sâm | 12g |
Độc hoạt | 12g | Bạch linh | 12g |
Hoàng cầm | 12g | Bạch truật | 12g |
Tang ký sinh | 12g | Cam thảo | 12g |
Tế tân | 12g | Thục địa | 12g |
Xuyên khung | 12g | Bạch thược | 12g |
Đương quy | 12g |
Thời gian theo dõi điều trị và tiến triển cần chú ý: trong 7 ngày đầu bị bệnh xu hướng diễn tiến nặng thêm, cần nói trước cho bệnh nhân biết, ngày thứ 8 trở đi đến ngày 16 bệnh sẽ đỡ rõ hoặc khỏi. Trường hợp ngoan cố cũng chỉ nên điều trị 3 tuần rồi ngừng đợt I. Những ca bệnh quá 13 tuần không khỏi sẽ vĩnh viễn chấp nhận di chứng.
Liệu trình thứ 2 trở đi nên châm cả 2 huyệt giáp xa và địa thương bên lành.
Không bao giờ được tiêm stricnine và thủy châm vào huyết ế phong.
Bài viết trên soạn thảo từ kinh nghiệm lâm sàng hơn 30 năm của tôi. Kết quả điều trị hàng nghìn ca bệnh với tỉ lệ thất bại 0,5% (5 ca), 5 ca này hầu hết là liệt mặt do nhiễm vi rút.
Bs. Hoàng Sầm
Viện Y học bản địa Việt Nam
Doctor SAMAN