Loạn tâm ở trẻ em

Đây là bài viết hay, mang tính thời sự, mặc dù đã được viết bởi Bs Trần Ngọc Thanh, bệnh viện nhi đồng 1, đăng trên Sức khỏe và đời sống số 325, từ năm 2005; Với góc độ là bác sĩ chuyên khoa thần kinh - Tâm thần, tôi xin được giới thiệu với bạn đọc, vì nó bổ ích với tình hình thực tế hiện nay, trẻ em mắc chứng bệnh này với số lượng không nhỏ. Nếu trẻ được khám và điều trị sớm sẽ mang lại kết quả hữu ích; Đỡ gánh nặng sau này cho cả gia đình và xã hội.

Đây là 1 dạng bệnh chưa được rõ định danh nên rất dễ nhầm lẫn với các dạng bệnh khác.

1. Một minh họa cụ thể

Lúc 30 tháng, bé A được giới thiệu đến khám tại Đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi đồng 1 vì chậm nói. Phát triển vận động của bé tương đối bình thường: 3 tháng biết lật, 8 tháng biết ngồi, 12 tháng biết đi. Về ngôn ngữ, bé có phát âm rõ nhưng không trả lời các câu hỏi, không giao tiếp. Trước bé có đi học buổi sáng một thời gian ngắn nhưng rồi nghỉ học và được mẹ trông ở nhà. Bé thường quấy động trong giấc ngủ đêm.

Nhà tâm lý quan sát thấy, bé rất hiếu động, di chuyển không ngừng trong phòng, không quan tâm đến môi trường xung quanh, không đáp ứng với sự giúp đỡ và tiếng gọi của cha mẹ. Bé không nói, gây vài tiếng động không có giá trị giao tiếp, hầu như không chơi với ai và món đồ chơi nào. Bé không thích nghi với xã hội, tự do lục lọi túi xách của người khác, dùng cánh tay của mẹ để lấy đồ vật mình thích như một sự nối dài của chính cơ thể mình. Sau khi bé đã được bác sĩ thần kinh xác định không đau thần kinh, nhà tâm lý cho người cha biết rằng con ông có rối loạn về giao tiếp, người cha có vẻ như không muốn hiểu và phủ nhận các rối loạn của bé A.

Tuy nhà tâm lý chưa có chẩn đoán xác định dứt khoát về trường hợp của bé A (vì cần được quan sát nhiều lần trước khi quyết định chẩn đoán), nhưng ý kiến về “nét tự kỷ” đã được đặt ra để tìm hiểu thêm.

Người cha cần tham gia chăm sóc bé, cả cha và mẹ phải có hiểu biết về những biểu hiện của bệnh lý này. Những người thường chăm sóc và gần gũi bé cần thực hiện tốt vai trò “giúp bé lớn lên”. Giáo dục viên và nhân viên y tế sẽ luôn đồng hành với cha mẹ trong sự chấp nhận bệnh lý của bé và phối hợp với cha mẹ trong việc lập kế hoạch phát triển cho bé.

Đặc biệt là luôn cảnh giác, đề phòng với những biểu hiện, trạng thái tâm lý của người mẹ, của người trông bé.

2. Phân biệt loạn tâm và nhiễu tâm

Trong bệnh nhiễu tâm, trẻ biết mình bị bệnh, ý thức được về những rối loạn và tiếp xúc với thực tế. Còn trong bệnh loạn tâm, trẻ không tiếp xúc được với thực tế hoặc chỉ tiếp xúc được một phần, trẻ sống trong nội tâm và người xung quanh khó giao tiếp với trẻ.

Trong một thời gian dài, bệnh loạn tâm ở trẻ em đã không được nhìn nhận đúng mức và dễ nhầm với chậm phát triển tâm thần. Tuy nhiên, trẻ bị loạn tâm cũng có hành vi đặc biệt giúp nhận biết bệnh, như thường có những hành vi, thái độ làm phiền, và báo động người xung quanh.

Những biểu hiện loạn tâm gợi ý chẩn đoán:

  1. Sự cô lập tự kỷ: Trẻ không có sự giao tiếp thỏa đáng. Ngay từ những tháng đầu tiên, trẻ không cười, không phản ứng khi được gọi tên, không đưa tay về người muốn bế, không phản ứng (la, khóc trước người lạ).
  2. Khi đến 2-3 tuổi, trẻ vẫn không nhận biết mẹ, không phản ứng khi cha mẹ ra đi, có ánh nhìn trống vắng và khó bám víu. Thờ ơ với trò chơi và trẻ khác; từ chối tiếp xúc thể chất, hoặc nếu có thì rất đặc biệt, chỉ với một phần cơ thể của người lớn; Có những cử chỉ lạ lùng, lặp lại, rập khuôn và có thể có biểu hiện giận dữ, hung bạo với chính mình hoặc người khác.
  3. Cần chú ý những trẻ rất yên tĩnh, gọi là “dễ tính”, không đòi ai điều gì, có vẻ hạnh phúc khi ở một mình, nhất là trẻ đang ở trạng thái “thu mình” bệnh lý.
  4. Hành vi vận động: trẻ thường bị giảm trương lực cơ, có điệu bộ khác thường như: chơi với bàn tay trước mắt hoặc cử chỉ rập khuôn (cử động đưa tay chân, đi trên đầu ngón chân, ngửi một đồ vật...). Đặc biệt, trẻ thường có những biểu hiện bất ổn như luôn hiếu động, hay va chạm vào các thứ nhưng thường không than phiền.
  5. Rối loạn ngôn ngữ: Trẻ không nói, im lặng hoặc phát ra âm thanh kỳ lạ. Có thể tự đặt ra từ và ngôn ngữ. Bắt đầu nói lúc 4 - 5 tuổi, nói thành câu nhưng không thể lặp lại những âm. Trẻ có thể bị thoái triển ngôn ngữ đến câm nín, không trả lời khi được gọi tên và thờ ơ với ngôn ngữ của người khác mặc dù trẻ hiểu được.
  6. Rối chức năng trí tuệ: Trẻ có thể có những rối loạn trí tuệ hoặc có những năng khiếu đáng ngạc nhiên trong một số lĩnh vực.
  7. Rối loạn cảm xúc: Tính khí thay đổi nhanh chóng, mới vui đã thấy buồn ngay; có cơn sợ hãi với sự hiếu động, cười hoặc la hét đột ngột không có liên quan đến môi trường.
  8. Rối loạn hành vi tâm trí: Có “nghi thức” của riêng mình trong việc ngủ, kiểm tra, sờ mó, dọn dẹp, lau chùi...bị hoang tưởng, có những tưởng tượng ngoài thực tế (không phải là giấc mơ  và điều trẻ nói dối). Trẻ có thể bị ảo giác, cảm nhận giác quan không đối tượng về thính giác, thị giác...
  9. Rối loạn tâm thể: Trẻ thường bị rối loạn giấc ngủ, có thể là khó ngủ yên tĩnh, không ngủ nhưng không đòi mẹ, hoặc khó ngủ hiếu động, trẻ giãy giụa, la hét trong nhiều giờ.
  10. Trẻ có thể rối loạn ăn uống sớm như khó mút, biếng ăn, không chịu bú bình hoặc bú mẹ, nôn mửa nhiều lần, không biết nhai thức ăn đặc.
  11. Ngoài ra, trẻ có thể bị rối loạn cơ vòng làm tiểu dầm, ỉa đùn.

Tuy nhiên, sự hiện diện của một vài hành vi nêu trên chưa hẳn có ý nghĩa là loạn tâm. Bác sĩ và nhà tâm lý học có vai trò quan trọng trong sự hỗ trợ và nâng đỡ khi báo cho phụ huynh biết vì chẩn đoán này thường làm cho họ đau lòng và khó chấp nhận.

3. Điều trị

Trong điều trị cần có sự phối hợp liên ngành giữa bác sĩ nhi tâm thần, nhà tâm lý, giáo dục viên chuyên biệt, nhà ngôn ngữ trị liệu, phục hồi chức năng, tâm vận động và phụ huynh.

Đặc biệt, hai ngành y tế và giáo dục cần phối hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc và điều trị loạn tâm. Hiện thành phố Hồ Chí Minh chưa có trung tâm chuyên ngành này. Tuy nhiên, đang có sự phối hợp giữa các khoa tâm lý (bệnh viện nhi đồng 1,2) và các trường chuyên biệt để cùng phụ huynh hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ bị loạn tâm.

( Nguồn sưu tầm).

Ngô Quang Trúc

Tiến sỹ, bác sỹ cao cấp, Chuyên ngành Tâm thần và Thần kinh

[]