B. Quá trình tự miễn hủy hoại tế bào beta ĐTĐ-T1A

Giai đoạn 1: Nhạy cảm gen:

Các gen gây bệnh ĐTĐ-T1 ở kháng nguyên bạch cầu người (HLA-Human leukocyte antigen) có liên quan chặt chẽ với bệnh sinh ĐTĐ-T1. Kháng nguyên bạch cầu người  HLA có liên quan chặt chẽ với bệnh sinh ĐTĐ-T1. HLA có bản chất là một glucoprotein được tìm thấy trên bề mặt tế bào bạch cầu. Người ta nhận thấy ở người có  HLA-DR3, HLA-DR4 có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao hơn các nhóm khác từ 4-10 lần.

Kháng nguyên bạch cầu người HLA lớp I ở nhân tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, đặc biệt là các virus. Kháng nguyên bạch cầu người HLA lớp II có chức năng điều hòa hệ thống tế bào lympho T (hỗ trợ, ức chế). Phân tử lớp II của HLA đóng góp làm khởi động tính nhạy cảm đối với bệnh. Cơ chế của chúng là làm thay đổi tế bào T hoặc các peptid của tiểu đảo được trình diện cho các thụ thể tế bào T (ví dụ peptid insulin). Ngoài ra, phân tử lớp II của HLA có tác động làm thay đổi nguồn vốn của thụ thể tế bào T mà việc sử dụng nguồn vốn thụ thể này liên quan đến tiến triển ĐTĐ-T1.

Yếu tố gen là tiền đề để gây bệnh ĐTĐ-T1 nhưng yếu tố môi trường lại là yếu tố có vai trò quan trọng trong khởi phát bệnh. 

Giai đoạn 2: Khởi phát quá trình tự miễn dịch:

Các yếu tố môi trường có ảnh hưởng khởi phát tự miễn dịch; sự khởi phát có thể từ các loại virus như virus: sởi, viêm gan, Rubella, Coxackin B,vv. Các stress, các độc tố, chất dinh dưỡng cũng có vai trò khởi phát bệnh.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hoạt động miễn dịch:

Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn biểu lộ các tự kháng thể. Ở giai đoạn này hàng loạt các phản ứng miễn dịch đã xảy ra. Đáp ứng miễn dịch chống tế bào beta dẫn đến thâm nhiễm tiểu đảo gây tổn thương rồi hủy hoại tế bào beta. Như vậy, ở giai đoạn này một đáp ứng miễn dịch thể dịch được coi là thứ phát xảy ra, với sự xuất hiện các tự kháng thể.

Ở giai đoạn này có vai trò của các tự kháng thể mà kháng nguyên là các protein tiểu đảo bao gồm insulin, enzyme thần kinh nội tiết – Glutamic acid Decaboxylase (GAD), các protein của các hạt màng với đồng đẳng của các Tyrosin phosphatase ICAS12/IA-2, một phân tử liên quan gọi là Phogrin ( ICA512β/IA-2β) và một loại kháng nguyên khác nữa là các Gangliosid thần kinh nội tiết. Chưa rõ kháng nguyên nào đóng vai trò chủ yếu nhưng có nhiều giả thuyết là insulin. Đó là do phần lớn các dòng tế bào T-CD4+  được phân lập từ tiểu đảo chuột ĐTĐ không béo được hoạt hóa bởi insulin và một vùng đặc hiệu ở chuỗi B của insulin. Ngoài ra, sự tổn thương đa hình thái của gen insulin luôn kết hợp với nguy cơ đái tháo đường.

Quá trình tự miễn dịch chủ yếu là qua trung gian tế bào T. Ở giai đoạn này, tế bào T-CD8+ phản ứng với các phân tử HLA lớp I, trong khi đó tế bào T-CD4+ là kháng thể dịch thể nhận diện kháng nguyên được trình diện ở các phân tử HLA lớp II.

Các tế bào T-CD4+ kích thích tế bào B sản sinh các kháng thể tiêu diệt tế bào beta. Trong khi đó tế bào T-CD8+ trực tiếp tiêu diệt tế bào beta.

Các phân tử HLA lớp II cũng làm cho đại thực bào trực tiếp tiêu diệt tế bào beta (trong trường hợp tế bào beta bị nhiễm virus) hoặc làm cho đại thực bào kích thích tế bào B sản sinh kháng thể tiêu diệt tế bào beta.

Giai đoạn 4: Giảm, mất khả năng bài tiết insulin:

Đến giai đoạn này do tổn thương chức năng của tế bào beta đã đủ mức dẫn đến mất khả năng đáp ứng insulin pha đầu ( FPIR).

Giai đoạn này thường có biểu hiện rối loạn dung nạp glucose (IGT) và/hoặc suy giảm dung nạp glucose lúc đói (IFG) nhưng chưa có các triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng.

Giai đoạn 5: Đái tháo đường lâm sàng, xuất hiện các biến chứng

Ở thời kỳ đầu giai đoạn này người ta ước tính trên 80% chức năng và/hoặc lượng tế bào beta bị mất. Nhưng phần còn lại của tế bào beta vẫn bảo đảm chức năng bài tiết (bằng chứng là sản xuất C-peptid). Sau một thời gian, lượng tế bào beta bị phá hủy đến mức không còn khả năng duy trì chuyển hóa bình thường (được khẳng định là không có đáp ứng C-peptid nào đối với kích thích) và ĐTĐ trở nên khó kiểm soát hơn (bước sang giai đoạn 6). Vì vậy, xét theo khía cạnh điều trị cần phải duy trì được một lượng tế bào beta nhất định (được theo dõi bằng bài tiết C-peptid) để không để bệnh tiến triển sang giai đoạn 6.

Doctor SAMAN
TS. Đỗ Văn Lộc & BS. Hoàng Sầm

[]