I-   Nhận định chung về tri thức bản địa

Tri thức là kinh nghiệm nhân loại, tri thức bản địa kinh nghiệm của 1 vùng, một địa phương, một lãnh thổ. Khái niệm tri thức bản địa thường được sử dụng với nhiều tên gọi khác nhau như: tri thức kỹ thuật bản địa, tri thức địa phương, tri thức dân gian, tri thức truyền thống, hay tri thức của người nông thôn. Dù tên gọi nào thì đối tượng được nhắc đến vẫn chính là một hệ thống các kinh nghiệm có tính truyền thống của một cộng đồng người địa phương nhất định, kinh nghiệm này thể hiện cái cách mà người địa phương đó quan hệ với môi trường xung quanh nơi mà họ sinh sống, đúc kết kinh nghiệm đó là chất liệu lõi của tri thức bản địa. 

Tri thức bản địa là những kinh nghiệm được duy trì và đúc rút qua nhiều thế hệ ở các cộng đồng cư dân từ thực tiễn sản xuất và đời sống nâng lên thành tri thức.

Tri thức bản địa có tính địa phương, thể hiện nét đặc trưng của một địa phương nhất định.

Tri thức bản địa có tính truyền thống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua truyền miệng, văn học dân gian, truyện kể, văn tự, sử ký, trường ca…

Tri thức bản địa là tri thức được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày, được củng cố liên tục bằng các kinh nghiệm, các lần thử, các lỗi khi thử và các thử nghiệm cẩn trọng hơn. Kết quả tổng kết được của những trải nghiệm này là sản phẩm trí tuệ có nguồn từ lao động và tiêu biểu của rất nhiều thế hệ.

Quá trình lao động không ngừng làm cho con người tiến hóa về cơ thể, tích lũy kiến thức và phát triển về trí tuệ. Tập nhiễm của thế hệ sau bởi thế hệ trước là sự thừa kế, thừa kế chọn lọc khiến tri thức ngày càng tinh túy. Nếu khai thác tốt tri thức bản địa dưới ánh sáng khoa học của tri thức có được từ thực nghiệm sẽ làm cho loài người ứng xử hoàn thiện hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn với thiên nhiên.

 

II-  Tri thức bản địa trong xã hội hiện đại

Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, thế giới hiện nay theo xu hướng toàn cầu hóa về thông tin, phụ thuộc nhau về kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa thuận lợi cho nên dần dần toàn cầu hóa về mọi mặt của xã hội. Hơn nữa với khoa học hiện đại, quan điểm kinh tế công nghiệp hóa được áp dụng triệt để, tư tưởng hướng ngoại, coi trọng giá trị tri thức khoa học hiện đại hơn làm cho tri thức bản địa không còn được chú trọng nữa. Sự lãng quên tri thức cổ xưa này diễn ra không riêng lĩnh vực nào mà diễn ra trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Một số khía cạnh điển hình như:

Trong văn hóa

Các nhà sử học đã thống nhất cho rằng: Việt Nam có một cộng đồng văn hóa khá rộng lớn được hình thành vào khoảng nửa đầu những niên kỷ thứ nhất trước công nguyên và được phát triển rực rỡ vào giai đoạn cộng đồng văn hóa Đông Sơn. Đây chính là nhà nước mang tính “phôi thai” ra đời, từ đó các bộ lạc nguyên thủy phát triển thành dân tộc Việt.

Có thể nói rằng: Văn hóa là toàn bộ những gì bắt nguồn từ con người. Nói một cách khác, văn hoá bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra nhằm mục tiêu phục vụ con người. Văn hóa bản địa là các giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu phản ánh diện mạo, cốt cách, phẩm chất và bản lĩnh của mỗi vùng, địa phương nhất định. Đối với Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc Việt thể hiện tập trung ở lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, đạo lý trọng nghĩa tình, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…

Toàn bộ lịch sử của văn hóa bản địa Việt Nam đã tồn tại 3 lớp văn hóa nối tiếp/chồng lên nhau, đó là văn hóa bản địa, văn hóa giao lưu với Phương Bắc (Trung Quốc) và lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Mặc dù giao lưu với các nền văn hóa khác và trải qua biết bao thử thách, nhưng nền văn hóa bản địa Việt Nam không bị văn hóa ngoại lai đồng hóa, nó vẫn tồn tại vững chắc, hơn nữa nó còn biết “Việt hóa” các ảnh hưởng đó để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Chúng ta từng nói, từng nhắc nhở nhau rằng tuy hòa đồng nhưng không được hòa tan.

Hiện nay với tác động của ngoại cảnh và do một vài yếu tố nội sinh mà bản sắc văn hóa Việt nam đã dần có dấu hiệu biến dạng, suy thoái. Việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là một chủ trương hết sức đúng đắn được nhiều Đại hội Đảng khẳng định. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam chính là truyền thống văn hóa, mất văn hóa là mất dân tộc, mất tổ quốc. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang là nhiệm vụ cấp bách trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Cần có một môi trường để bản sắc văn hóa dân tộc có một sức sống mãnh liệt bất chấp không gian và thời gian. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng, tạo nên cốt cách của nền văn hóa mới, để Việt Nam hòa nhập mà không hòa tan. Hòa nhập mà vẫn phát huy được niềm tự hào của dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa bạn trên thế giới.

Trong Khoa học

Thật khó để nói hết được những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, nhưng sẽ là thiếu sót lớn trong mọi hoạt động nghiên cứu khoa học khi chúng ta chỉ quan tâm đến khoa học hiên đại mà không đề cập đến vấn đề kiến thức khoa học bản địa.

Kiến thức bản địa hiện không nhận được sự quan tâm đúng mức, trong khi đó nền khoa học hiện đại lại có những giả thuyết và hạn chế ngăn cản việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức của sự phát triển.

Quá trình điều tra nghiên cứu của khoa học hiện đại không  hợp lý như nhiều người đã nghĩ. Khi tiến hành các thí nghiệm, mọi người, bao gồm những nhà khoa học và những nhà nghiên cứu…vẫn chỉ lựa chọn những kết quả mà họ cho là đáng tin cậy.

Thực nghiệm hiện đại là những sản phẩm nghiên cứu theo thiết đồ lát cắt ngang, thực nghiệm của kiến thức bản địa là những thử nghiệm thuần tập kéo dài hằng nghìn năm.

Thế giới có thể được hưởng lợi khi hệ thống khoa học hiện đại khai thác và sử dụng nhuần nhuyễn hệ thống kiến thức bản địa. Tính lịch sử, tính logic, tính chọn lọc để lượng đổi dẫn tới chất đổi là sự kế tục của khoa học hiện đại với khoa học cổ xưa để tiến tới chân lý khách quan mà Enghen đã chỉ ra. Theo lịch cổ cứ ngày rằm là trăng tròn, ngày và đêm, thủy triều với chu kỳ ngày, tháng, năm trong vũ trụ… đã được người xưa quan sát và tổng kết chính xác.

Trong y học

Từ thủa mông sơ tổ tiên loài người trái đất đã biết chữa lành bệnh tật bằng  thảo dược, khoáng vật, động vật và giá trị sử dụng này  được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ở châu Phi và châu Á, 80% dân số vẫn sử dụng các phương pháp chữa bệnh truyền thống hơn là y học hiện đại cho chính nền y tế của mình.

Ở các quốc gia phát triển, y học bản địa đang được khuyến khích phát triển. Điều tra cho thấy có tới 80% dân số các Quốc gia phát triển vẫn thử một số liệu pháp chữa bệnh của y học bản địa như châm cứu, dưỡng sinh, yoga, án ma, thiền… Một cuộc khảo sát tiến hành trong sinh viên y khoa Mỹ cho thấy rằng 74% sinh viên y khoa Mỹ tin rằng y học phương Tây sẽ được hưởng lợi bằng cách tích hợp các phương pháp điều trị truyền thống hoặc thay thế và thực hành. 

Lựa chọn phương pháp chữa bệnh bằng y học hiện đại nhanh khỏi bệnh nhưng  tốn kém do mất nhiều thời gian nghiên cứu, tốn nhiều kinh phí thì mới sản xuất được một loại thuốc hiệu quả. Khi sử dụng thuốc từ nền y học hiện đại một số loại thuốc thường gặp hiên tượng kháng thuốc.

Từ hai hạn chế này nên các nhà khoa học, các công ty dược phẩm đang khẩn trương tìm kiếm nguồn thuốc mới và đang ngày càng chuyển hướng tới nền y học bản địa nhằm hiện đại nó. Thực vậy: spactein sunphat trợ tim vốn được chiết từ rễ cây kim tước; Uabain sunphat là chế phẩm tiêm chống suy tim từ cây sừng dê; colchicin chữa cơn gút cấp từ tỏi độc Colchinum autumnan, Cerbrolysin cải thiện bệnh tai biến mạch não có nguồn từ não bò…

Tuy nhiên khai thác sử dụng tri thức y học bản địa cần được chọn lọc, kiểm chứng và hơn nhất là sử dụng lâu dài nhưng bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của y học bản địa chúng ta sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát triển bền vững . Y học bản địa kết hợp với y học hiện đại đang là yêu cầu phát triển của thời đại. Thực hiện tốt công việc này sẽ góp phần đưa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người lên tầm cao mới.

Cử nhân Triệu Thị Chinh

Ban sưu tầm và thừa kế Viện Y học bản địa Việt Nam.

Doctor SAMAN

[]