D. Đặc điểm đái tháo đường type 2

Đặc điểm cơ bản của ĐTĐ-T2 là có hiện diện kháng thể kháng insulin cùng với tổn thương, suy kiệt chức năng của tế bào beta tuyến tụy. Kháng insulin  xảy ra khi tế bào của cảm thụ quan mô đích không đáp ứng hoặc bản thân các tế bào này chống lại sự tăng insulin máu. Kháng insulin xảy ra ở mô đích, mô cơ, mô mỡ và gan.  Rối loạn chức năng tế bào beta gây ra mất cân bằng giữa insulin và glucagon. Tổng hợp cả hai tác động nêu trên dẫn đến tăng glucose máu. Glucose máu tăng đến một mức nhất định gây ra bệnh ĐTĐ-T2. Trong điều kiện sinh lý bình thường khi xuất hiện kháng thể kháng insulin làm glucose máu tăng nhưng do tế bào beta vẫn còn khả năng bài tiết insulin để đáp ứng yêu cầu nên bệnh ĐTĐ-T2 chưa tiến triển. Bệnh chỉ tiến triển khi chức năng tế bào beta yếu dần, teo rụng bớt đi. Ở những người bị tiền đái tháo đường thì ngay từ đầu khi ở tình trạng dung nạp glucose bình thường đã thấy có rối loạn chức năng tế bào beta. Đối với bệnh nhân ĐTĐ-T2, kháng insulin làm tăng glucose máu và sự tăng glucose máu lại làm tổn thương tế bào beta, tạo vòng xoắn bệnh lý bán hở. Cứ như vậy, tác động qua lại thành một vòng xoáy tăng glucose máu.

Khởi đầu vòng xoắn bệnh lý trong Đái tháo đường type 2

Kháng insulin sớm nhất ở gan, cơ vân và mô mỡ làm tăng glucose trong máu và  sự tăng glucose máu gây nhiễm độc tế bào beta, đây là chưa kể tới gây độc mạch máu. Tăng glucose máu ở mô mỡ gây phân giải mỡ dẫn đến làm tăng acid béo tự do và chính  acid béo tự do trong máu là tác nhân gây tổn hại tế bào beta – nhiễm độc lipid. Kháng insulin cũng làm cho tế bào beta phải luôn làm việc quá mức để tăng tiết insulin gây suy kiệt cho chính tế bào. Rối loạn chức năng và/hoặc suy kiệt tế bào beta chắc chắn làm giảm hoặc không bài tiết insulin  dẫn đến làm tăng glucose máu theo đó tăng acid béo tự do ở gan và các mô ngoại vi, một thành phần quan trọng làm rối loạn dung nạp glucose gây kháng inslulin ở gan, mô mỡ và cơ vân.

Điểm khác của ĐTĐ-1A,B là tế bào beta tụy bị hủy hoại và chết ngay, còn ĐTĐ-2 thì beta tụy chỉ suy yếu và suy kiệt dần.

Các giai đoạn tiến triển bệnh ĐTĐ-T2:

Giai đoạn 1: Bắt đầu từ thời điểm xuất hiện kháng insulin và kháng insulin tăng dần đến điểm kháng insulin còn bù. Tế bào beta vẫn còn bài tiết insulin bù trừ nên insulin trong máu tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với kháng insulin để duy trì mức glucose máu đáp ứng nhu cầu cơ thể, đôi khi mới có cảm giác thèm ăn ngọt.

Giai đoạn 2: Từ thời điểm kháng insulin còn bù cho đến khi tế bào beta mất bù, tình trạng kháng insulin tiếp tục tăng và xuất hiện thêm khiếm khuyết tế bào beta nên có rối loạn bài tiết insulin máu. Mức insulin máu bước đầu có dấu hiệu suy giảm làm cho glucose máu thay đổi theo nhịp với mức thấp. Biểu hiện lâm sàng giai đoạn này chỉ là mệt mỏi và thi thoảng có cơn hạ đường huyết.

Giai đoạn 3: Từ thời điểm tế bào beta mất bù đến thời điểm bắt đầu suy tế bào beta, đây là giai đoạn khởi phát ĐTĐ-T2. Kháng insulin tiếp tục tăng, insulin huyết thanh giảm mạnh dẫn đến tăng glucose máu lúc đói. Tăng đường máu  làm khởi phát bài tiết insulin pha sớm là một yếu tố làm rối loạn dung nạp glucose. Ở giai đoạn này, xuất hiện tăng glucose từ gan - HGP. Bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng lâm sàng: khát nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều và mệt mỏi, xét nghiệm glucose máu lúc đói thấy tăng rõ.

Giai đoạn 4: Sau khi suy kiệt tế bào beta, cùng với kháng insulin vẫn tiếp tục tăng và insulin huyết thanh giảm mạnh. Hai tác động trên làm cho glucose máu tăng mạnh. Ở giai đoạn này cần phải điều trị bằng liệu pháp thay thế: tiêm insulin.

ĐTĐ-T2, với giảm độ nhạy insulin ở mô và suy tế bào beta đều xuất hiện trước khi đường máu tăng trên tiêu chuẩn. Kháng insulin là yếu tố nguy cơ phổ biến của ĐTĐ-T2, trừ khi tế bào beta đã bị tổn thương, nếu không nguy cơ mắc ĐTĐ vẫn thấp. Ngược lại có tế bào beta bị tổn thương thì nguy cơ bị ĐTĐ còn tùy thuộc vào môi trường hoặc phụ thuộc vào chuyển hóa khác. Các nguy cơ này góp phần làm cho nhu cầu insulin của cơ thể tăng lên đến mức không thể đáp ứng được. Lúc ấy sự hợp nhất của kháng insulin và rối loạn chức năng tế bào beta thúc đẩy bệnh ĐTĐ-T2, theo sau là sự giảm từ từ chức năng tế bào beta làm cho đường máu tăng dần và bệnh nhân không đáp ứng dần với điều trị.

Như vậy, trong bệnh ĐTĐ-T2 kháng insulin và rối loạn tế bào beta tụy thường luôn đi kèm nhau, phối hợp với nhau làm tăng tiến triển bệnh.

Vì vậy các nghiên cứu chủ yếu tập trung 2 vấn đề: 1) nguyên nhân gây kháng insulin; 2) nguyên nhân gây suy giảm, teo chết dần tế bào beta tụy.

Doctor SAMAN
TS. Đỗ Văn Lộc & BS. Hoàng Sầm

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/v%C3%B2ng%20xo%E1%BA%AFn%20b%E1%BB%87nh%20l%C3%BD(1).gif","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/v%C3%B2ng%20xo%E1%BA%AFn%20b%E1%BB%87nh%20l%C3%BD(1).gif","subHtml":""}]