Thủy đậu đang vào mùa dịch, lây lan rất nhanh, đặc biệt hay gặp ở đối tượng trẻ em. Nhiều quan điểm cho rằng Thủy đậu không mắc lại lần 2 do khả năng miễn dịch tự nhiên sau thủy đậu (nhờ các kháng thể còn sót lại do nhiễm trùng trước đó), nhưng điều này là hoàn toàn không đúng, một nghiên cứu từ Nhật Bản vào năm 2002 đã báo cáo rằng 13% trẻ em bị thủy đậu mặc dù đã từng bị trước đó.

Nguyên nhân

Thủy đậu (hay bệnh Trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do Virus Varicella zoster (VZV) gây ra – loại virus này đặc hiệu ở người và hầu như không hoặc rất ít xảy ra ở các loài khác. Sự lây lan VZV có thể thông qua việc hít phải những giọt nước bọt có chứa các hạt truyền nhiễm từ người bệnh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với virus trong tổn thương da do Thủy đậu. Sau đó, VZV trải qua quá trình sao chép ban đầu bên trong các tế bào biểu mô niêm mạc tại vị trí xâm nhập và các hạch bạch huyết, amidan nhờ xâm nhập vào tế bào T tới hệ tuần hoàn; cuối cùng di chuyển vào da và bắt đầu hình thành tổn thương ở da.

Ngoài ra, sự tái hoạt nhiễm VZV thể ẩn nội sinh bên trong các hạch cảm giác được biết đến là nguyên nhân gây ra bệnh Zona thần kinh.

Hình ảnh VZV tấn công hạch thần kinh

Dấu hiệu – triệu chứng

Thời gian ủ bệnh của nhiễm trùng là 10 - 14 ngày; sau đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện toàn thân như chán ăn, mệt mỏi và sốt, có thể xuất hiện cả khó thở (khởi phát của viêm phổi do thủy đậu, do bội nhiễm). Tiếp theo là sự xuất hiện đột ngột của mụn nước ngứa ở vùng đầu mặt, chi, lan nhanh ra toàn thân trong vài giờ. Mụn nước chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hoặc khi nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Khoảng 24 giờ sau mụn nước bắt đầu vỡ ra gây ngứa rát và để lại tổn thương trên da, khoảng một tuần mụn sẽ se lại và bắt đầu bong (nếu không có bội nhiễm).

Biến chứng

Các biến chứng phổ biến:

  • Ở trẻ em: Nhiễm khuẩn da và mô mềm
  • Ở người lớn: Viêm phổi

Các biến chứng nặng nề:

mất điều hòa tiểu não, viêm não, viêm phổi do virus và các tình trạng xuất huyết. 

Các biến chứng nặng nề khác do nhiễm vi khuẩn:

  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Viêm mô hoại tử
  • Viêm tủy xương
  • Viêm phổi do vi khuẩn
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn.

Chẩn đoán

Chẩn đoán nhiễm VZV thường dựa trên cơ sở các phát hiện lâm sàng đơn thuần. Tuy nhiên, trong các trường hợp có vấn đề, cần phải thực hiện các xét nghiệm. Một số xét nghiệm phổ biến:

Xét nghiệm huyết thanh: Bệnh nhân thường có kháng thể IgM dương tính (có nghĩa vừa là đã nhiễm VZV, vừa là có sự bảo vệ chống nhiễm sau này) và kháng thể IgG âm tính.

Xét nghiệm DFA (Direct fluorescent antibody) – Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: Chẩn đoán nhanh nhiễm VZV bằng DFA trên bệnh phẩm cạo từ các tổn thương da mụn nước đang hoạt động mà chưa đóng vảy.

Xét nghiệm PCR (Polymerase chain reaction) – Phản ứng chuỗi Polymerase: Mẫu bệnh phẩm lấy từ các tổn thương da và các chất dịch cơ thể chọn lọc như dịch não tủy, dịch rửa phế quản nhằm tìm ra AND của VZV.

Doctor SAMAN
DS.NCV Nguyễn Thị Thức

 

 

 

 

 

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/virus%20thuy%20dau%20tan%20cong%20hach%20than%20kinh%20yhbd.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/virus%20thuy%20dau%20tan%20cong%20hach%20than%20kinh%20yhbd.jpg","subHtml":""}]