Flavonoit là một nhóm lớn những hợp chất polyphenol rất phổ biến trong thực vật,thường mang lại các màu sắc khác nhau cho hoa, lá, quả của các loài thực vật.

Như hầu hết các vitamin và khoáng chất, flavonoit là một dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể chúng ta.

Đứng trên quan điểm sinh hóa học các hợp chất flavonoit có thể coi là dẫn xuất phenol propan (loại dãy hợp chất C15). Nhóm flavonoit là nhóm hợp chất C6-C3-C6 khá phổ biến trong thực vật. Dựa vào cấu tạo mạch propan người ta chia nó thành các nhóm chính sau: flavan, flavon, flavonol, flavanon, flavanonol, chancon, dihidrochancon, antoxianidin, auron, isoflavon… Chúng thường tồn tại ở hai dạng: dạng tự do (aglycon), dạng glycozit (O-glycozit và C-glycozit). Trong đó, dạng aglycon thưòng tan trong các dung môi hữu cơ như ete, aceton, cồn nhưng hầu như không tan trong nước, còn dạng glycozit thì tan trong nước nhưng không tan trong các dung môi không phân cực như aceton, benzen, cloroform.

Về mặt cấu tạo, flavonoit là các polyphenol có tính axit, đính nhóm hydroxi tự do ở các vòng. Ví dụ như:

flavon

Flavonoit là dẫn xuất của phenol có hầu hết ở người, động vật, thực vật và vi sinh vật do đưa trực tiếp vào từ nguồn thức ăn. Bản thân con người không có khả năng tự tổng hợp được.  Flavonoit tham gia vào tất cả các quá trình trao đổi chất, các quá trình sinh tổng hợp và quá trình enzym.

  Hoạt tính sinh học của flavonoit

– Flavonoit có tác dụng chống oxy hóa, dập tắt các gốc tự do được xem như là nguyên nhân của nhiều bệnh chứng khác nhau.

– Các hợp chất flavanonol phân bố khá rộng  trong thế giới thực vật, từ các loài dương xỉ đến thực vật hạt trần, thực vật hạt kín. Phần lớn tồn tại dạng aglycon.Từ quả của cây Silybum marianum Gaertn họ Asteraceae(hoặc cây kế sữa) người ta tách ra được cả 4 đồng phân lập thể của taxifolin-3-ramnozit, trong đó chỉ có đồng phân 2S, 3S (neoastilbin) có vị ngọt. Hỗn hợp 4 chất này được gọi tên chung là silymarin là những chất có tác dụng bảo vệ tế bào gan rất tốt.

cong thuc

 – Nhóm isoflavon (phytoestrogens) rất hay gặp trong bộ Đậu,có nhiều giá trị về tác dụng chữa bệnh. Vì nó có cấu trúc tương tự như chất kích thích tố sinh dục của phái nữ và sự vận hành giống như estrogen. Vì thế các nhà khoa học còn gọi nó là estrogen thảo mộc. Sau khi nghiên cứu, họ đều cho rằng isoflavon có khả năng mãnh liệt chống lại các tác dụng gây nên chứng ung thư liên hệ đến hormon. Vì tác dụng cân bằng hormon trong cơ thể, isoflavon có thể ứng dụng cho phái nữ không phân biệt tuổi, trước hay sau khi dứt kinh. Hiện nay các nhà khoa học đã tìm thấy trong isoflavon đậu nành hai chất genistein (5,7,4’-trihidroxiisoflavon), daidzein (7,4’-dihidroxiisoflavon) có các tác dụngestrogen.Chất genistein còn được tìm thấy trongSắn dây (Pueraria lobataWilld.).

   – Một số isoflavonoit khác thuộc nhóm rotenoit như rotenon có trong dây mật (dây thuốc cá)-Derris elliptica Benth có tác dụng diệt côn trùng phá hoại thực vật, diệt bọ cho súc vật.

– Các hợp chất nhóm flavonol nâng cao tính bền của thành mạch máu như rutin (có trong hoa hòe, mạch ba góc,…) là dạng o-glycozit của các hợp chất quecxetin và kemferol có tác dụng chống xơ vữa mạch, các trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, phụ nữ băng huyết.Có tác dụng estrogen như glycozit quecxetin và kempferol- 3-3-ramnogalacto-7-ramnozit.

– Flavonoit còn có hoạt tính vitamin P, làm bền những mao mạch và giảm tính giòn của thành mạch. Những chất có hoạt tính vitamin P có thể thuộc các nhóm như flavon, flavonol, flavanon, catechin, antoxianidin. Người ta cho rằng hoạt tính vitamin P của chúng là do chúng kéo dài tác dụng co mạch của  adrenalin bằng cách làm mất hoạt tính của O-metyl transferaza. Các hợp chất flavan có ứng dụng làm thuốc chống xơ cứng mao mạch, cùng với vitamin C tham gia các quá trình oxi hóa ở tế bào.Hoạt tính vitamin P của catechin cao hơn cả (catechin có nhiều trong lá chè xanh).

– Một số được dùng điều trị trong các bệnh suy yếu thành mạch, dễ chảy máu như các chứng sung huyết, bệnh trĩ v.v…

– Một số dẫn chất của flavonoit có tác dụng thông tiểu như quecxitrin (quecxetin-3-ramnozit) có trong lá diếp cá, scopanozit trong Sarothamnus scoparius Koch.

   – Một số có tác dụng kháng khuẩn như avicularin(Quecxetin 3-α-L-arabinofuranozit), guajaverin (Quecxetin 3-α-L-arabinopyranozit) có tác dụng kháng tụ cầu.

– Một số hợp chất có tác dụng với khối u và một số dạng ung thư như:

enpatin (3,5,3′-trihydroxi-6,7,4′-trimetoxyflavon), enpatoretin (3,3′-dihydroxi -5,6,7,4′-tetrametoxyflavon).

– Một số flavonoit được dùng phối hợp trong điều trị các chứng cao huyết áp, scorbut (scurvy) là một bệnh do thiếu hụt vitamin C.

– Các flavonoit trong cam thảo có tác dụng chống loét dạ dày và tá tràng.

– Một số flavonoit có tác dụng dùng chữa ho, viêm phế quản, thương hàn, tả, lỵ.

    – Một số flavonoit có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, chống co giật, giãn phế quản, giãn mạch, giảm đau và có tác dụng diệt nấm…

    – Các flavonoit còn được dùng để chữa các bệnh về gan và túi mật.

GS. Hứa Văn Thao

Phó Viện Trưởng Viện Y học bản địa Việt Nam

Biên soạn

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/03\/flavon-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/03\/flavon-yhocbandia.jpg","subHtml":"flavon"},{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/03\/cong_thuc-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/03\/cong_thuc-yhocbandia.jpg","subHtml":"cong thuc "}]