Stress là một trong những vấn đề quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực tâm thần học và trong đời sống xã hội hàng ngày mà chúng ta gặp phải. Vì trong cuộc đời mỗi một con người không thể không gặp phải những lo lắng, buồn phiền, những việc không như ý,… xảy ra đối với mình.

Các rối loạn liên quan đến stress rất đa dạng và thường gặp ở mọi lứa tuổi, ở mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt hiện nay bệnh có liên quan đến stress có xu hướng gia tăng, trong nền kinh tế thị trường, mặt trái của nó đã làm phát sinh nhiều stress.

Các rối loạn phân ly (trước đây gọi là bệnh Hysteria) có tỷ lệ mắc chiếm đến 0,3- 0,5% dân số, bệnh có thể phát triển thành dịch gọi là “Trạng thái Hysteria tập thể; rối loạn sau sang chấn có tỷ lệ gặp là 0,2% dân số v.v.

Stress được coi như là một nguyên nhân gây bệnh, nhưng đôi khi nó lại chỉ hậu quả của tác nhân công kích đối với cá thể chịu stress.

Các rối loạn liên quan đến stress bao gồm các rối loạn tâm căn, các rối loạn dạng cơ thể và các rối loạn do stress trực tiếp gây ra như : Phản ứng với stress cấp tính, rối loạn stress sau sang chấn và các rối loạn thích nghi,…được chẩn đoán trong chương F4, một phần trong chương F5 và F9 của bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10). Một điểm chú ý là theo ICD-10 (1992) dùng từ “rối loạn” chứ không dùng từ “bệnh” để tránh sự gán ghép vấn đề trầm trọng và phức tạp vào trong từ  “bệnh”. Giữa bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 9 (ICD-9) và ICD-10 có một số điểm khác nhau: ICD-9 phân loại trên cơ sở phân biệt giữa bệnh tâm căn (Neurosis) và bệnh loạn thần (Psychosis), còn ICD-10 phân loại theo từng nhóm rối loạn có chung một chủ đề lớn hoặc có những nét mô tả lâm sàng gần nhau.

Thuật ngữ stress được xuất hiện lần đầu ở thế kỷ 15. Ban đầu được dùng trong vật lý học để chỉ sức nén mà vật liệu phải chịu. Đến thế kỷ 17, thuật ngữ này được dùng để chỉ sức ép trên tâm lý con người, chỉ con người phải trải qua thử thách gay go, tai họa hoặc nỗi đau buồn,… Sau đó, năm 1914, Walter Cannon sử dụng thuật ngữ stress trong sinh lý học, năm 1935, trong một công trình nghiên cứu về duy trì cân bằng nội môi ở động vật có vú trong các tình huống bị gò bó, ông đã mô tả stress là một phản ứng sinh lý tấn công hoặc bỏ chạy trước hoàn cảnh khẩn cấp có liên quan đến tăng tiết Adrenalin của tủy thượng thận.

Từ hàng loạt các kích thích cấp tính tiến hành trên súc vật, năm 1936, Hans Sylye đã nhận thấy các đáp ứng không đặc hiệu mà ông gọi là hội chứng thích nghi với 3 giai đoạn (giai đoạn báo động, giai đoạn chống đỡ và giai đoạn suy kiệt) có liên quan đến tăng bài tiết Glucocorticoid ở vỏ thượng thận.

Stress liên quan đến tăng bài tiết Glucocorticoid ở vỏ thượng thận

Stress tâm lý trong tâm thần học với ý nghĩa là sang chấn tâm thần, đó là tất cả những sự việc, những hoàn cảnh trong các điều kiện sinh hoạt xã hội, trong mối liên quan phức tạp giữa người với người, tác động vào tâm thần, gây ra những cảm xúc mạnh, phần lớn là tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, buồn rầu, tức giận, ghen tuông, thất vọng,…

Các loại tình huống gây stress

Các tình huống gây stress là những tình huống gây ra sự mất cân bằng và đe dọa về cơ thể và tâm lý con người. Trong môi trường tự nhiên các hoàn cảnh như quá nóng, quá lạnh hoặc thiên tai,…Các tình huống trong tâm lý cá nhân như xâm phạm quyền lợi, xung đột với người yêu, sự mất mát, chia ly, mâu thuẫn vợ chồng…thường gây bệnh nhiều nhất. Trong tâm lý xã hội như sự bùng nổ dân số, xung đột (thế hệ, văn hóa, tôn giáo, sắc tộc…), tệ nạn xã hội, di cư, chiến tranh…

Nền văn minh công nghiệp: Nhịp sống và lao động khẩn trương, nguồn thông tin đến dồn dập, quá tải, cạnh tranh khốc liệt, khoa học - kỹ thuật luôn đổi mới, quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa,…cũng là các tình huống gây stress đối với các cá thể phải đối mặt với các hoàn cảnh đó.

 + Stress bình thường: Là sự đáp ứng thích hợp và giúp cho cá thể có được những phản ứng đúng, nhằm tạo ra một cân bằng mới sau khi chịu tác động từ bên ngoài. Đối tượng được đặt vào những tình huống stress liên tiếp có mức độ vừa phải, khả năng thích nghi được nâng lên, nhân cách được rèn luyện trưởng thành hơn, kiềm chế cảm xúc dễ hơn, nhằm có tính thích nghi mềm dẻo trước các tình huống trong cuộc sống. Đây là ý nghĩa tích cực của stress.

 + Stress bệnh lý: Phản ứng stress trở thành bệnh lý khi tình huống gây stress hoặc bất ngờ, quá dữ dội; hoặc ngược lại stress nhẹ nhàng nhưng lặp lại, vượt quá khả năng dàn xếp của chủ thể, đáp ứng của cơ thể không đầy đủ và không thể tạo ra ngay lập tức một cân bằng mới khi cảm thấy bị tràn ngập. Giai đoạn kiệt sức tiếp sau giai đoạn báo động và chống đỡ biểu hiện các biến đổi của cơ thể mất khả năng bù trừ, mất khả năng thích nghi. Vì vậy, xuất hiện nhiều rối loạn bệnh lý biểu lộ qua các dấu hiệu tâm thần, cơ thể, tập tính, các triệu chứng tiến triển cấp diễn, tạm thời hoặc nhẹ hơn và kéo dài.

Các nhân tố gây ra các stress bệnh lý

Stress gây bệnh phụ thuộc nhiều yếu tố như cường độ stress mạnh hay yếu, một stress hay nhiều tình huống kết hợp với nhau gây ra, thời gian tác động của stress tức thời hay âm ỉ theo cơ chế ngấm dần và ý nghĩa thông tin của stress với một cá thể nhất định.

Nhân cách của cá thể có vai trò quan trọng trong quá trình thích nghi. Phản ứng chống đỡ của nhân cách bao gồm nhận thức stress (đúng hay quá mức), biểu hiện cảm xúc (thích hợp hay quá đáng), huy động tiềm năng chống đỡ (nhiều hay ít) và phản ứng theo chức năng tâm sinh lý quen thuộc (trầm cảm, lo âu, khó thở, tăng huyết áp, đại tiện phân lỏng, tiểu tiện nhiều lần,…).

Môi trường xung quanh có vai trò là các nhân tố bảo vệ giúp các cá thể đương đầu với stress, đặc biệt hiện tượng chia sẻ gánh nặng của sang chấn cho mỗi cá thể trong tập thể có thể làm giảm nhẹ tính gây bệnh của stress. Ngược lại, khi môi trường xung quanh không thuận lợi sẽ là những nhân tố khó khăn thêm cho cá thể đang phải đối phó với một tình huống stress khác. Khi cảm ứng những nét tiêu cực có thể gây ra một trạng thái bệnh lý tập thể (rối loạn phân ly tập thể).

Cơ thể khỏe mạnh là một lực lượng hỗ trợ tốt cho nhân cách chống đỡ với sang chấn tâm thần. Ngược lại, một sang chấn tâm thần dù nhẹ cũng có khả năng gây bệnh trong những điều kiện cơ thể suy yếu do chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, kiệt sức, thiếu ngủ v.v. Chính vì thế mà bệnh tâm căn thường xuất hiện vào những thời kỳ khủng hoảng của cơ thể và tâm thần như ở tuổi dậy thì, thời kỳ sinh đẻ, thời kỳ mãn kinh, thời kỳ về hưu…

Doctor SAMAN
TS.BS cao cấp
Ngô Quang Trúc

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Việt – Tâm thần học, nhà xuất bản y học,1984.
  2. Nguyễn Đình Xiêm – Tâm thần học, trường đại học y dược TPHCM,1990.
  3. Tổ chức y tế thế giới –ICD 10, Geneva, 1992.
  4. Trường đại học y dược Thái Nguyên, giáo trình Tâm thần học, nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, 2010.
[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/stress%20li%C3%AAn%20quan%20%C4%91%E1%BA%BFn%20t%C4%83ng%20b%C3%A0i%20ti%E1%BA%BFt%20Glucocorticoid%20%E1%BB%9F%20v%E1%BB%8F%20th%C6%B0%E1%BB%A3ng%20th%E1%BA%ADn.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/stress%20li%C3%AAn%20quan%20%C4%91%E1%BA%BFn%20t%C4%83ng%20b%C3%A0i%20ti%E1%BA%BFt%20Glucocorticoid%20%E1%BB%9F%20v%E1%BB%8F%20th%C6%B0%E1%BB%A3ng%20th%E1%BA%ADn.png","subHtml":""}]