Đây là ca lâm sàng được chẩn đoán mắc hội chứng đau cân cơ, bệnh nhân là bác sỹ, đã qua nhiều nơi khám và chữa bệnh nhưng không đỡ, có lúc hoảng loạn, bệnh nhân (BN) được chẩn đoán và điều trị thành công... bởi GS.TS Nguyễn Văn Chương, chuyên khoa thần kinh ở bệnh viện 103.

Hội chứng đau cân cơ (Myofascial pain syndrome -MPS) là một bệnh lý đau mạn tính

Hội chứng đau cân cơ (Myofascial pain syndrome -MPS) là một bệnh lý đau mạn tính

- Họ và tên BN : Nguyễn Văn Th, 40 tuổi, trú quán tại Hà Nội.
- Tiền sử: khỏe mạnh.
- Nghề nghiệp: Bác sỹ, quản lý một phòng khám đa khoa ở Hà Nội, tính chất công việc đòi hỏi phải đi bộ nhiều và liên tục.
- Bệnh sử: Bệnh khởi phát năm 2011, sau khi BN phải đi lại nhiều để tổ chức khám sức khỏe cho hơn 2000 công nhân tại một nhà máy ở xa thành phố Hà Nội, kế đó là chuyến du lịch mà BN phải trèo leo rất nhiều. Đầu tiên BN thấy căng sức, đau mỏi ở vùng bắp cơ cẳng chân 2 bên, BN tự điều trị bằng chườm nóng, ngâm chân thì dễ chịu được một lúc. BN vẫn đi làm bình thường. Nhưng theo thời gian 2 bắp chân ngày càng đau mà không có bất kỳ dấu hiệu thuyên giảm nào, khiến cho BN lo lắng. Tại chỗ bắp chân không thấy sưng, nóng, đỏ mà chỉ thấy đau sâu ở một điểm giữa bụng cơ dép 2 bên, đau như kim châm, đau cả ngày lẫn đêm, đau tăng lên khi BN đi bộ nhiều, đôi lúc hai bắp chân BN có cảm thấy căng tức, cảm giác bỏng buốt khiến cho BN không đi lại được, BN bắt buộc phải nghỉ việc. Đau có tính chất khu trú, không lan xuyên, khi ấn, sờ nắn vào vùng bắp chân làm đau tăng lên và bệnh nhân hay bị chuột rút về ban đêm.
- Hành trình chữa bệnh: Trong suốt 05 năm, BN đã đi khám và điều trị nhiều bệnh viện lớn, từ những chuyên khoa sâu ở các bệnh viện trung ương, cho đến các thày thuốc dân gian, ở bất kỳ đâu mà BN được các đồng nghiệp giới thiệu, nhưng đều không mang lại kết quả. Qua quá trình khám và điều trị, BN được chẩn đoán rất nhiều bệnh. Đó là:

  • Đầu tiên: Được chẩn đoán là đau thần kinh hông to, theo dõi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) nhưng không có hình ảnh thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép rễ thần kinh, điều trị sử dụng các thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ, giảm đau, vật lý trị liệu nhưng không có kết quả.
  • Lần thứ hai: Được chẩn đoán là suy tĩnh mạch chi dưới với các biểu hiện lâm sàng như: Đau nhức chân, nặng chân, mỏi chân, chuột rút ban đêm, cảm giác kim châm. BN được siêu âm Doppler màu mạch máu 2 chi dưới nhưng không thấy hình ảnh đoạn tĩnh mạch bị giãn, không thấy các van tĩnh mạch bị suy, không có cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch. BN được điều trị 01 tháng nhưng không có tiến triển gì.
  • Lần 3: BN được chẩn đoán theo dõi ung thư xương, lần này BN mới thực sự lo lắng, BN được chỉ định làm hầu hết các xét nghiệm để sàng lọc bệnh ung thư, được xạ hình xương toàn thân và kết quả tất cả các xét nghiệm này đều bình thường. 

BN còn tiếp tục đi khám nhiều nơi, tới các bác sỹ nổi tiếng của các chuyên ngành, và tiếp tục BN được chẩn đoán các bệnh sau: Viêm đa dây thần kinh, rối loạn trương lực cơ, Gout, ấu trùng sán trong cơ, hoang tưởng nghi bệnh...
Cuối năm 2015 BN đến khám GS Nguyễn Văn Chương ở Bệnh viện quân đội 103, khi đó tôi (Trúc) có mặt tại đó nên biết ca này. 

  • Sau khi hỏi bệnh rất kỹ lưỡng. BN cung cấp thông tin về sự xuất hiện và tiến triển bệnh rất chính xác và có độ tin cậy. Những câu hỏi bệnh được GS Chương rất chú trọng là hoàn cảnh xuất hiện bệnh, các triệu chứng đầu tiên và sự tiến triển của bệnh cũng như tiền sử và các bệnh mạn tính của BN.
  • Qua khám bệnh, GS Chương phát hiện hai bên cơ dép có một điểm đau khu trú tại chính giữa cơ. Khi ấn vào BN thấy tức và đau tăng dữ dội, đồng thời BN cảm nhận thấy cả điểm đau ở gót và khoeo chân 2 bên. Cho vận động chủ động tại chỗ đau tăng nhanh và cường độ đau gia tăng rõ rệt. Ngoài ra không thấy sưng, nóng, đỏ ở vùng bắp chân, không thay đổi màu sắc da, tĩnh mạch chi dưới không giãn, khám không thấy các triệu chứng bệnh lý của cột sống thắt lưng hay hội chứng rễ thần kinh...
  • BN được chẩn đoán bị hội chứng đau cân cơ dép hai bên
  • BN rất thoải mái với chẩn đoán này và có niềm tin khỏi bệnh.
  • Điều trị: Liệu pháp phong bế điểm đau, điểm kích hoạt, dùng thuốc giãn cơ đường uống, chống gốc tự do, thuốc giãn mạch ngoại vi và đi bít tất chân.
  • Kết quả: Ngay ngày điều trị đầu tiên BN thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt. Sau 2 tuần điều trị liên tục các triệu chứng lâm sàng được cải thiện đáng kể, bệnh giảm 90% và BN ra viện.

Sau 3 tháng GS Chương liên hệ lại BN thấy bệnh tiến triển tốt, hầu như không còn cảm giác đau như trước nữa. BN đã hoàn toàn trở lại cuộc sống và công việc của mình.

TS.BS cao cấp Ngô Quang Trúc

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/08.2020\/dau-can-co.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/08.2020\/dau-can-co.jpg","subHtml":"H\u1ed9i ch\u1ee9ng \u0111au c\u00e2n c\u01a1 (Myofascial pain syndrome -MPS) l\u00e0 m\u1ed9t b\u1ec7nh l\u00fd \u0111au m\u1ea1n t\u00ednh"}]