Tóm tắt: Quy trình, thủ tục khám chữa bệnh (KCB) ngoại trú bảo hiểm y tế (BHYT) trong các bệnh viện ở nước ta đã triển khai từ lâu, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Nghiên cứu này nhằm mô tả quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp Hà Nội (BVĐKNN) đầu năm 2019 và tìm hiểu một số thuận lợi, khó khăn của người bệnh (NB) trong thực hiện quy trình, thủ tục trên đây, góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện. Phương pháp: mô tả cắt ngang, điều tra 400 NB đã hoàn thành KCB BHYT ngoại trú và quan sát trực tiếp quy trình và thủ tục KCB ngoại trú tại Khoa khám bệnh từ 12/ 2018 - 5/2019.  Kết quả: quy trình gồm các bước: a) Tiếp đón; b) Khám lâm sàng, cận lâm sàng (CLS), chẩn đoán, kê đơn, điều trị; c) Thanh toán viện phí; d) Lĩnh thuốc, ra về. Quy trình này có đôi chút khác biệt với quy trình do Bộ Y tế ban hành vì tính đặc thù của Bệnh viện. Thuận lợi: Các khâu của quy trình được đại đa số NB chấp nhận (>83,3%), khó khăn là tất cả các phòng khám chuyên khoa đều phải cho NB mua thuốc ngoài danh mục BHYT (Tỉ lệ: >36,3%). Đặc biệt, phòng khám Tai-Mũi-Họng có tỉ lệ này là 80,0%. Cơ quan BHYT cần nghiên cứu lại để mở rộng danh mục thuốc KCB BHYT.

Từ khóa: Bệnh viện Nông nghiệp; Bảo hiểm y tế; Ngoại trú.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay số người tham gia BHYT ở nước ta ngày càng tăng, đến 31/10/2018, cả nước có 82,33 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số [1]. Quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, công tác tổ chức khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT đã được cải thiện; người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm hơn trong tiếp cận, trong thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho người bệnh (NB), tạo được niềm tin trong nhân dân và sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vướng mắc trong việc triển khai và thực hiện KCB, đặc biệt về quy trình thủ tục KCB BHYT. Ước tính có khoảng 44% người khảo sát cho rằng có quá nhiều thủ tục khi đi KCB hoặc thủ tục thanh toán BHYT phức tạp [2].

BVĐKNN là cơ sở KCB BHYT ban đầu của công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và nhân dân Thủ đô. Sáu tháng đầu năm 2018, Khoa khám bệnh cơ sở 1 của Bệnh viện có 80 354 lượt khám  bệnh, trong đó có 89,4% có BHYT, trung bình 711 lượt khám/ ngày [3]. Với số lượng ngoại trú lớn như vậy không tránh khỏi các thiếu sót về kĩ thuật cũng như quản lý KCB BHYT. Bệnh viện rất quan tâm đến việc thực hiện quy trình, thủ tục trên, nhưng tới nay, chưa có nghiên cứu nào đề làm sáng tỏ vấn đề này. Quy trình đó trên thực tế như thế nào? Liệu rằng các đối tượng có thẻ BHYT gặp thuận lợi, khó khăn gì trong thực hiện quy trình, thủ tục trên? Những việc làm được và chưa làm được của Bệnh viện trong việc thực hiện quy trình, thủ tục này là gì? Nghiên cứu sẽ góp phần giải đáp các câu hỏi này và cải tiến quy trình, thủ tục KCB.

Đề tài Quy trình, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp Hà Nội đầu năm 2019 được tiến hành với hai mục tiêu:

    1. Mô tả quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú tại Khoa khám bệnh, BVĐKNN đầu năm 2019.

    2. Mô tả thuận lợi, khó khăn của NB trong thực hiện quy trình, thủ tục trên đây.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính.

2.2. Đối tượng, địa điểm, thời gian nghiên cứu:  Khoa khám bệnh, BVĐKNN Cơ sở 1,  Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội, tiến hành từ tháng 12/ 2018 đến tháng 5/2019.

Đối tượng nghiên cứu: a) Nghiên cứu định tính: Quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú thực tế (Quan sát thực tế thông qua bảng kiểm); b) Nghiên cứu định lượng: NB sử dụng BHYT KCB ngoại trú lấy thuốc ra về. Tiêu chuẩn lựa chọn NB: Đồng ý tham gia nghiên cứu; Tỉnh táo, tiếp xúc tốt; Khả năng nhận thức tốt, Không có vấn đề về tâm thần; Đã sử dụng thẻ BHYT thực hiện khám, (Phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi thiết kế sẵn).

2.3. Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu:

Nghiên cứu định tính: Toàn bộ quy trình KCB BHYT ngoại trú.

Nghiên cứu định lượng NB (Điều tra thân nhân khi NB là trẻ em < 15 tuổi) cỡ mẫu: [4]

Trong đó: p là tỷ lệ % NB nhận xét bất tiện tại bất kì khâu nào của quy trình KCB BHYT ngoại trú. Vì chưa có nghiên cứu nào tương tự nên lấy p = 0,5 để cỡ mẫu lớn nhất. q = 1-p = 0,5; ε là sai số ước lượng, chọn ε = 0,1; α là mức ý nghĩa thống kê, chọn α = 0,05; ) = 1,96. Thay số vào công thức, tính được cỡ mẫu tối thiểu là 384. Dự phòng một tỷ lệ phiếu bị lỗi/ hỏng, cỡ mẫu sẽ được tăng lên 5% và làm tròn thành 400. Số mẫu này được phân phối cho các phòng khám chuyên khoa của Khoa khám bệnh theo phương pháp phân tầng tỷ lệ dựa vào tỷ lệ NB tới khám 3 tháng đầu năm 2018. Mỗi tầng chọn mẫu thuận tiện theo phương pháp kế tiếp cho đến khi đủ cỡ mẫu.

2.4. Quy trình thu thập số liệu

Giai đoạn 1: Nghiên cứu định lượng và định tính thăm dò: Phỏng vấn thăm dò NB, quan sát quy trình KCB. Chuẩn bị nội dung xây dựng bộ công cụ định lượng và định tính. Giai đoạn 2: Sử dụng bộ công cụ trên để thu thập số liệu và thông tin định tính.

2.5.  Xử lý và phân tích số liệu: Số liệu được nhập bằng phần mềm Epidata, sau đó được làm sạch, xử lý bằng phần mềm Stata 12. Thông tin định tính được sắp xếp theo chủ đề cụ thể.

2.6. Sai số và cách khống chế sai số: Sai số gặp phải: Đối tượng không hiểu bộ câu hỏi; Sai số trong quá trình nhập số liệu. Khống chế sai số: Thiết kế bộ câu hỏi dễ hiểu, tiến hành điều tra thử bộ câu hỏi; Kiểm tra lại phiếu ngay khi điều tra xong; Kiểm tra, đối chiếu lại phiếu sau khi nhập vào máy; Tập huấn kĩ điều tra viên.

2.7. Đạo đức nghiên cứu: BVĐKNN cho phép nghiên cứu; NB tự nguyện tham gia nghiên cứu; Thông tin được bảo mật theo quy định…

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú tại BVĐKNN đầu năm 2019

Bước 1: Tiếp đón người bệnh: NB xếp sổ để làm thủ tục khám bệnh; NB nộp thẻ BHYT (thẻ BHYT mức hưởng 100% chi phí KCB được trả lại cho NB luôn sau khi kiểm tra thông tin), giấy tờ tùy thân có ảnh, hồ sơ chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám; NB nhận phiếu khám bệnh và số thứ tự.

Bước 2: Khám lâm sàng và chẩn đoán 

Bước 2.1: Khám lâm sàng và chỉ định cận lâm sàng (CLS): NB chờ khám theo số thứ tự đã được ghi trên phiếu khám bệnh; NB vào khám khi được thông báo; NB nhận phiếu chỉ định CLS từ bác sĩ khám.

Bước 2.2, 2.3, 2.4: Thực hiện chỉ định cận lâm sàng

Bước 2.2.1: Đối với chỉ định CLS BHYT chi trả: NB đến nơi thực hiện CLS, nộp phiếu chỉ định xét nghiệm và chờ đến lượt ⇒(Bước 2.3, 2.4: NB phối hợp với CBYT để thực hiện CLS; NB chờ nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng).

Bước 2.2.2: Thu phí chỉ định CLS BHYT không chi trả và tiền chênh lệch chỉ định CLS BHYT chi phí cao (Nếu có).

Bước 2.2.3: Thực hiện CLS và chờ lấy kết quả: NB đến nơi thực hiện CLS, nộp phiếu chỉ định CLS và chờ đến lượt ⇒(bước 2.3, 2.4: NB phối hợp với CBYT để thực hiện CLS;  NB chờ nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng).

Bước 2.5: Quay lại phòng khám lâm sàng ban đầu: NB quay lại buồng khám và nộp kết quả CLS cho buồng khám, chờ bác sĩ khám chẩn đoán và chỉ định điều trị.

Bước 3: Thanh toán viện phí: NB nộp phiếu thanh toán; Xếp hàng chờ đến lượt thanh toán; Nộp tiền cùng chi trả và nhận lại thẻ BHYT (trừ thẻ BHYT mức hưởng 100% chi phí KCB).

Bước 4: Lĩnh thuốc: Nộp đơn thuốc tại quầy phát thuốc; Kiểm tra, so sánh thuốc trong đơn và thuốc đã nhận; Nhận đơn thuốc, thuốc và ký nhận (Sơ đồ 1).

Sơ đồ 1. Quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú tại Khoa khám bệnh - Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp

3.2. Khó khăn, thuận lợi của NB trong thực hiện quy trình, thủ tục KCB BHYT tại Khoa khám bệnh

Bảng 1. Thái độ CBYT theo đánh giá của NB

  Đối tượng

Chấp nhận được (SL, %)

Không chấp nhận được (SL, %)

Cộng

(SL, %)

  Bác sĩ

388 (98,4)

6 (1,6)

394 (100,0)

Điều dưỡng

386 (99,9)

4 (0,1)

390 (100,0)

Cán bộ phát thuốc

384 (98,0)

8 (2,0)

389 (100,0)

Bảng 1 cho thấy hầu hết NB đánh giá thái độ của CBYT nói chung là chấp nhận được. Tỉ lệ này đối với điều dưỡng gần như tuyệt đối.

Bảng 2. Thời gian chờ đợi tại một số bước theo đánh giá của NB

  Bước

Chấp nhận được (SL, %)

Không chấp nhận được (SL, %)

Cộng (SL, %)

  Đăng kí khám

329 (83,3)

66 (16,7)

395 (100,0)

Chụp Xquang

134 (96,4)

5 (3,6)

  139 (100,0)

Siêu âm

108 (90,0)

 12(10,0)

120 (100,0)

Nhận thuốc

388 (99,7)

1 (0,3)

389 (100,0)

Bảng 2 cho thấy đa số NB chấp nhận thời gian chờ đợi tại Khoa Khám bệnh. Tỉ lệ này ở khâu nhận thuốc gần như tuyệt đối.

Biểu đồ 1 cho thấy 78%  NB được hỏi, cho rằng mang thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân khi đi khám chữa bệnh là không bất tiện.

 

Biểu đồ 1. Mức độ thuận tiện mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh của NB khi đi khám (n=336)

Biểu đồ 2. NB mua thuốc ngoài danh mục BHYT theo các chuyên khoa (n=164).

Biểu đồ 2 cho thấy, các phòng khám chuyên khoa đều có NB mua thuốc ngoài danh mục BHYT. Phòng khám chuyên khoa TMH có tỷ lệ này cao nhất, Phòng khám chuyên khoa Nội có tỷ lệ này thấp nhất.

4. Bàn luận

4.1. Quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú của BVĐKNN

Bệnh viện đã thực hiện quy trình thủ tục KCB BHYT theo hướng dẫn của Quyết định 1313/BYT-QĐ do Bộ Y tế ban hành năm 2013, tuy nhiên có một vài điểm khác biệt: Theo hướng dẫn Bộ Y tế, bệnh viện giữ thẻ BHYT của NB, nhưng ở đây, thẻ BHYT mức hưởng 100% được trả lại cho NB, chỉ giữ thẻ BHYT mức hưởng khác, do thẻ đồng chi trả cần đựơc giữ lại để thanh toán phần cùng chi trả đồng thời rút ngắn khâu thủ tục BHYT cho NB và CBYT, giảm thời gian chờ đợi cho NB. Mặt khác, theo Quyết định 1313 thì trách nhiệm của bệnh viện là chuyển trả kết quả CLS về buồng khám nơi chỉ định [5], nhưng ở đây NB lại đợi lấy kết quả xét nghiệm mang về phòng khám, nơi chỉ định. Cách làm này giống cách làm của một số bệnh viện trong báo cáo của Lương Ngọc Khuê năm 2017 [6]. Sở dĩ như vậy là do BVĐKNN đang là thời điểm chuẩn bị dịch chuyển cơ sở KCB sang tòa nhà mới. Bệnh viện cũng đã có kế hoạch triển khai phần mềm quản lý mới, liên kết hệ thống quản lý NB với xét nghiệm để khắc phục vấn đề này. Cũng theo quy định của Bộ Y Tế, NB chỉ đóng tiền một lần khi kết thúc khám lâm sàng và CLS, nhưng tại đây, NB  được bác sĩ chỉ định CLS BHYT chi phí cao hoặc BHYT không chi trả sẽ đóng tiền trước khi làm xét nghiệm. Việc làm này giống trong nghiên cứu của Trần Thị Quỳnh Hương tại Đồng Nai, do nếu không thu tiền trước xét nghiệm, NB thực hiện CLS xong có thể bỏ về, không thanh toán và không lấy thuốc, kể cả người có BHYT đã được giữ thẻ [7]. Để tránh tình trạng trên, kiến nghị Bệnh viện nói riêng và ngành BHYT nói chung nên nghiên cứu triển khai thẻ thanh toán BHYT điện tử, chi phí nào cần chi trả sẽ được trừ tự động.

4.2. Khó khăn, thuận lợi của NB thực hiện quy trình, thủ tục KCB BHYT ngoại trú

Bảng 1 cho thấy hầu hết NB (98-99%) đánh giá thái độ của CBYT nói chung là chấp nhận được. Có kết quả này là do trong những năm qua BVĐKNN đã không ngừng chỉnh đốn, thay đổi tác phong, thái độ phục vụ của CBYT. Từ năm 2015, Công đoàn Bệnh viện phát động toàn thể đoàn viên thực hiện văn hóa giao tiếp với NB theo nguyên tắc “Năm xin” (Xin chào- Xin mời- Xin lỗi- Xin cảm ơn- Xin phép) và “Năm luôn” (Luôn mỉm cười- Luôn nhẹ nhàng- Luôn lắng nghe- Luôn thấu hiểu- Luôn giúp đỡ) [8]. Qua đó tạo được sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động của CBYT hàng ngày.

Bảng 2 cho thấy đa số NB chấp nhận thời gian chờ đợi tại Khoa Khám bệnh. Tỉ lệ này ở khâu nhận thuốc gần như tuyệt đối. Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Huỳnh Mai (2017) tại Bệnh viện đa khoa huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp với tỷ lệ NB nhận xét thời gian chờ nhận thuốc nhanh chiếm 33,8% [9], cho thấy BVĐKNN đã giảm được nhiều thời gian chờ đợi nói chung cho NB.

Biểu đồ 1 cho thấy 78% NB cho rằng mang thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh khi KCB là thuận tiện và bình thường. Có thể NB BHYT (chiếm gần 70% ) đã quen với việc mang các giấy tờ này. NB còn cho rằng mang theo giấy tờ tùy thân là cần thiết, để tránh được các trường hợp tiêu cực như mượn thẻ BHYT…

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trong thực hiện quy trình, thủ tục KCB BHYT thì còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như 16,7% NB nhận xét thời gian chờ đợi đăng kí khám chưa hợp lý, 10% NB chờ làm siêu âm lâu (Bảng 2); 22,0% NB cho rằng bất tiện khi phải mang theo thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân (Biểu đồ 1). Đặc biệt, NB của tất cả các phòng khám chuyên khoa đều phải mua thuốc ngoài danh mục BHYT: Thấp nhất là Phòng khám Nội, tỉ lệ này là 36,3% (hơn 1/3), cao nhất là Phòng khám Tai-mũi-họng, tỉ lệ này là 80% (Biểu đồ 2). Phải chăng, danh mục thuốc BHYT còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế KCB của người dân. Cơ quan BHYT cần có nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

5. Kết luận

5.1.Quy trình thủ tục KCB BHYT ngoại trú tại BVĐKNN

Mô tả quy trình:

Quy trình có sự khác biệt so với hướng dẫn của Bộ Y tế:

Thẻ BHYT mức hưởng 100% trả lại cho NB, chỉ giữ thẻ mức hưởng khác.

NB tự đi lấy kết quả CLS mang về bác sĩ phòng khám ban đầu và NB phải thanh toán chi phí CLS BHYT không chi trả trước khi làm xét nghiệm.

Thuận lợi, khó khăn của NB thực hiện quy trình thủ tục trên

Hầu hết NB (98-99%) đánh giá thái độ của CBYT nói chung là chấp nhận được.

Đa số NB (> 83,3%) chấp nhận thời gian chờ đợi tại Khoa Khám bệnh. Tỉ lệ này ở khâu nhận thuốc gần như tuyệt đối.

78% NB cho rằng mang thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh khi KCB là thuận tiện và bình thường.

NB- BHYT của tất cả các phòng khám chuyên khoa đều phải mua thuốc ngoài danh mục BHYT: Thấp nhất là Phòng khám Nội với tỉ lệ 36,3%, cao nhất là Phòng khám Tai-mũi-họng với tỉ lệ 80%.

Khuyến nghị.

Đối với BVĐKNN: Cần nghiên cứu và cải tiến khâu đăng kí khám và chờ siêu âm để giảm thời gian NB chờ đợi ở hai khâu này.

Cơ quan BHYT: Nghiên cứu và triển khai thẻ BHYT điện tử để giảm thủ tục, thời gian và công sức của NB khi thực hiện KCB.

Summary: Process and procedures for outpatient Health insurance at Hanoi Agriculture Hospital in early 2019

Outpatient procedures of health insurance (HI) in hospitals have been implemented for a long time, but there are still many shortcomings. This study aims to describe the procedure of outpatient’s examination and treatment of HI at Hanoi Agriculture Hospital (HAH) in early 2019 and explore some advantages and disadvantages for these patients in order to improve the quality of hospital services. Method: A cross-sectional description study was used and an investigation of 400 outpatients of HI was conducted, directly observed procedure for outpatient care at the Hospital from December/2018 - May/2019. Results: The process includes steps: a) Reception; b) Clinical examination, laboratory testing, diagnosis, prescribing and treatment; c) Payment of hospital fees; d) Medication, leaving. This process is slightly different from the procedure issued by the Ministry of Health for the specificity of the Hospital. Advantages: The stages of the process are accepted by the majority of outpatient (> 83.3%), the disadvantage is that all specialized clinics must require their outpatients to buy drugs outside the HI list (> 36, 3%). In particular, the Otolaryngology clinic has this rate of 80.0%. HI agencies need to re-research to expand the list of drugs for outpatient’s examination and treatment.

Keywords: Hanoi Agriculture Hospital; Health Insurance; Outpatient.

Doctor SAMAN

PGS.TS Y học Vũ Khắc Lương

Tài liệu tham khảo

1.Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng Đồng (2017), Đánh giá thực trạng việc triển khai chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng Đồng, số 240 Mai Anh Tuấn, Hà Nội.

2.Thủy Hà (2018), Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,62%  dân số cả nước, http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/ty-le-bao-phu-bhyt-dat-87-62-dan-so-ca-nuoc-20189, cập nhật ngày 24/5/2019.

3.Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp Hà Nội (2018), Báo cáo hoạt động chuyên môn 6 tháng đầu năm 2018, http://benhviendakhoanongnghiep.vn/hoat-dong-chuyen-mon-6-thang-dau-nam-2018/, cập nhật ngày 15/10/2018.

4. Trương Việt Dũng, Đào Ngọc Phong, Dương Đình Thiện (2011) “Phương pháp nghiên cứu định lượng ứng dụng trong lĩnh vực Y học dự phòng và Y tế công cộng” Y học dự phòng và Y tế công cộng- Thực trạng và định hướng ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Y học, Hà Nội, trang 250.

5. Bộ Y tế (2013) Quyết định về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện, Số: 1313/QĐ-BYT, ngày 22 tháng 4 năm 2013.

6. Lương Ngọc Khuê (2017), Những giải pháp tiếp tục cải tiến thời gian chờ khám bệnh và thực trạng nhà vệ sinh Bệnh viện và đề xuất giải pháp tiếp tục cải tiến, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, 138 Giảng Võ, Hà Nội.

 7.Trần Thị Quỳnh Hương, Đỗ Minh Quang và cộng sự (2014), Khảo sát thời gian và chi phí khám bệnh Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Thống nhất Đồng Nai năm 2014,http://qpsolutions.vn/cgi-bin/Document/Khao%20sat%20thoi%20gian%20va%20chi%20phi%20kham%202014%20BV%20Thong%20Nhat%20Dong%20Nai%20%20BS%20TRAN%20THI%20QUYNH%20HUONG.pdf, cập nhật ngày 24/5/2019.

 8. Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp Hà Nội (2015), Chào mừng đại hội công đoàn Bện viện đa khoa Nông Nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020,http://benhviendakhoanongnghiep.vn/chao-mung-dai-hoi-cong-doan-benh-vien-da-khoa-nong-nghiep-lan-thu-nhiem-ky-2015-2020, cập nhật ngày 24/5/2019.

9. Huỳnh Mai (2017), Thực trạng khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế tại bệnh viện đa khoa huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp năm 2017, Khóa luận tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ.

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/S%C6%A1%20%C4%91%E1%BB%93%20quy%20tr%C3%ACnh%20BHYT.PNG","thumb":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/S%C6%A1%20%C4%91%E1%BB%93%20quy%20tr%C3%ACnh%20BHYT.PNG","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/s%C6%A1%20%C4%91%E1%BB%93%20BHYT.PNG","thumb":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/s%C6%A1%20%C4%91%E1%BB%93%20BHYT.PNG","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/PK.PNG","thumb":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/PK.PNG","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/quy%20tr%C3%ACnh.PNG","thumb":"\/resources\/upload\/images\/07.2019\/quy%20tr%C3%ACnh.PNG","subHtml":""}]