- ĐẠI CƯƠNG:
1.1. Định nghĩa:
Bệnh do virut Marburg và Ebola có đặc điểm lâm sàng là sốt cao,đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm hầu họng, xuất huyết và có tỉ lệ tử vong cao . Bệnh có thể tái phát do lây nhiễm giữa người với người
1.2. Mầm bệnh:
Virut Marburg và Ebola thuộc họ Filoviridae. Virut Marburg chỉ có 1 subtype. Virut Ebola có 3 subtype là Zaire, Sudan và Reston. Giữa hai virut này có khác nhau về cấu trúc kháng nguyên bề mặt.
Cả 2 loại virut này đều có thể được phân lập bằng nuôi cấy tế bào, kể cả tế bào thận khỉ sống. Virut có 1 sợi mảnh RNA với chuỗi nucleocapsid hình xoắn, có vỏ lipid. Hạt virion có đường kính 80 nm; chiều dài của virut Marburg là 790 nm, của virut Ebola là 970 nm.
Trong các tế bào bị lây nhiễm, virut Marburg và Ebola tạo ra các glycoprotein có vai trò ngăn chặn đáp ứng miễn dịch của cơ thể vật chủ.
Virut tồn tại khá lâu ở nhiệt độ phòng. Chúng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600C trong 30 phút.
1.3. Dịch tễ học:
– Virut Marburg được phân lập lần đầu ở Đức năm 1967, từ những nhân viên phòng thí nghiệm có tiếp xúc với loài khỉ xanh châu Phi Cercopithecus aethiops, loài khỉ này được mang về từ Uganda. virut đã được phân lập từ máu và tổ chức của khỉ và những nhân viên trên. Trong số 25 trường hợp nhiễm virut Marburg tiên phát có 7 người tử vong. 6 trường hợp nhiễm virut thứ phát có liên quan đến tiêm truyền và vết xây xát ở da. 1 bệnh nhân được tìm thấy virut trong tinh dịch và lây truyền cho vợ.
Năm 1976, một vụ sốt xuất huyết nặng xảy ra ở Zaire và Sudan. Hơn 470 người tử vong trong số 550 ca được phát hiện. Tại cả 2 nơi đã phân lập được virut Ebola. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người và qua tiêm truyền. Năm 1989, virut Ebola(chủng Reston) được phân lập từ 1 loài khỉ ở Philippin và Indonesia. Tháng 5-1995, một vụ dịch sốt xuất huyết khác do virut Ebola lại xảy ra ở một địa phương thuộc Zaire với 250 người mắc bệnh và 80% tử vong.
– Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ về các virut này. Những đặc điểm tương tự với virut Lassa cho phép gợi ý loại virut này có vật chủ là động vật có vú.
– Lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tổ chức trong cơ thể bệnh nhân bị bệnh. Đặc biệt trong tinh dịch, virut tồn tại và lây bệnh rất lâu. Người ta đã phân lập được virut Ebola ở một bệnh nhân vào ngày thứ 61 của bệnh và 7 tuần sau khi bệnh nhân khỏi vẫn có khả năng lây bệnh.
- SINH BỆNH HỌC – GIẢI PHẪU BÊNH LÝ:
Virut Marburg và Ebola đều nhân lên ở hầu hết các mô như mô lympho, gan, lách, tuỵ, tuyến thượng thận, tuyến ức, thận, tinh hoàn, da và não. Chủ yếu gặp tình trạng hoại tử ở gan, tổ chức Lympho, thận, tinh hoàn và buồng trứng. Có thể gặp viêm phổi hoặc tổn thương các mao mạch phổi.
Cơ chế của hiện tượng xuất huyết chưa được biết rõ. - LÂM SÀNG:
3.1. Thời kỳ nung bệnh: 3 – 9 ngày.
3.2. Thời kỳ khởi phát: đột ngột với biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, đau mỏi cơ (đặc biệt cơ lưng), nôn và buồn nôn. Sốt cao 39 – 400C.
3.3. Thời kỳ toàn phát:
3.3.1.Tuần đầu của bệnh:
– Hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc: Nhiệt độ thường quanh 40 0C. Trong 1-3 ngày đầu có ỉa chảy(đôi khi rất nặng). Bệnh nhân có thể thờ ơ, rối loạn tâm thần. 1/2 trường hợp có viêm kết mạc
– Ban và xuất huyết: Xuất hiện nội ban ở vòm họng và Amydal kèm theo hạch cổ sưng đau. Ban dát sần, không ngứa, mọc từ ngày thứ 5-7, bắt đầu từ mặt, cổ, lan xuống tứ chi. Sau 4-5 ngày ban bay, để lại những nốt bong vảy da. Xuất huyết ở đường tiêu hoá, thận, âm đạo, kết mạc xuất hiện từ ngày thứ 5-7 của bệnh.
3.3.2. Tuần thứ 2 của bệnh:
– Nhiệt độ giảm dần nhưng lại có thể tăng lên từ ngày thứ 12-14.
– Các triệu chứng khác : gan to, lách to, phù nề ở mặt, tấy đỏ ở bìu (nam giới) hoặc ở âm hộ (nữ giới). Nếu nặng có thể viêm tinh hoàn dẫn tới teo tinh hoàn, viêm cơ tim, viêm tụy. Bệnh nhân nặng có thể tử vong vào ngày thứ 8 – 16
3.4. Thời kỳ hồi phục:
– Bệnh nhân hồi phục sau 3-4 tuần, để lại di chứng rụng tóc, đôi khi đau bụng, chán ăn, rối loạn tâm thần.
– Một số di chứng muộn: viêm tủy ngang, viêm màng não-tủy. Có trường hợp sau 3 tháng còn phân lập được virut Marburg từ tiền phòng mắt và tinh dịch
3.5. Xét nghiệm:
– Bạch cầu giảm ngay từ ngày đầu của bệnh (có khi < 1000/mm3). Từ ngày thứ 4 bạch cầu đa nhân trung tính (N) tăng. Về sau xuất hiện các bạch cầu lympho và N dị dạng gọi là dấu hiệu Pelger – Huet.
– Tiểu cầu giảm trong khoảng ngày thứ 6 – 12.
– Hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch( DIC ) gặp ở một số ca tử vong
– Protein máu giảm, Protein niệu (+), Nitơ máu tăng. Men SGOT và SGPT tăng nhẹ.
– Dịch não tủy bình thường hoặc tế bào lympho tăng nhẹ.
- CHẨN ĐOÁN:
– Dựa vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ.
– Chẩn đoán xác định dựa vào phân lập virut hoặc phản ứng huyết thanh. Có thể phân lập virut từ nước tiểu, tinh dịch, dịch nhầy họng. Việc phân lập virut phải được tiến hành ở những phòng xét nghiệm đặc biệt có độ an toàn cao. Ngoài ra có thể sử dụng kỹ thuật PCR( Polymerase Chain Reaction) hoặc kỹ thuật nhuộm màu để phát hiện kháng nguyên virut. - ĐIỀU TRỊ:
Ribavirin có tác dụng invitro với cả virut Marburg và virut Ebola nhưng chưa thấy có hiệu quả trên lâm sàng. Chủ yếu điều trị triệu chứng.
nguồn: benhhoc.com
Doctor SAMAN