Vàng da

Vàng da là một hội chứng hay gặp trong các bệnh về gan mật, nó liên quan đến chức phận cấu tạo và bài tiết mật của gan. Mỗi khi chức phận này bị rối loạn thì sẽ có vàng da.

  1. Chuyển hoá  sắc tố mật

Hồng cầu có đời sống trung bình ở trong máu khoảng 120 ngày sau đó đến lách để bị phân hủy. Người ta ví lách là nghĩa địa chôn cất hồng cầu. Tại lách hồng cầu bị làm tan ra thành các chất đã tạo nên hồng cầu. Một số chất sẽ được giữ lại đưa đến gan để lại tái tạo hồng cầu đặc biệt đó là sắt… Sắc tố mật chính là từ hemoglobin giáng hoá và một phần do nhân porphyrin đổ vào máu với tên gọi là Bilirubin có màu vàng, lúc này là bilirubin tự do có 2 tính chất không tan trong nước và độc.

Sau đó tới gan kết hợp với acid uridin diphospho – glucuronic, nhờ men glucuronyl – transferase để hình thành bilirubin kết hợp và uridin – diphosphat. Bilirubin kết hợp có hai tính chất là tan trong nước và không độc được bài tiết qua đường mật xuống ruột. Ở ruột bilirubin kết hợp được khử oxy thành urobilinogen hay mạnh hơn nữa thành stercobilinogen bởi vi khuẩn đường ruột.

Tại ruột khoảng 1/10 urobilinogen tái hấp thu vào máu để rồi lại được gan lọc tiếp. Bình thường nó được gan giữ lại và được tái bài tiết. Đó là chu trình gan ruột của sắc tố mật. Khi gan bị tổn thương urobilinogen không được giữ lại và sẽ xuất hiện ở nước tiểu. Urobilinogen và stercobilinogen ở ruột tiếp tục oxy hoá để thành urobilin và stercobilin của phân.

Mật được đổ xuống tá tràng. Trong mật người gồm có nhiều chất khác nhau. Acid mật để tạo muối mật nhằm nhũ tương hóa lipid và đặc biệt có sắc tố mật. Sắc tố mật như trên đã lý giải chỉ là chất thải của sự thoái hoái hemoglobin nó có màu nên không tan trong nước đã được gắn với một protein để vận chuyển đến gan khử độc và tan trong nước rồi tống ra qua đường mật. Chính màu vàng của sắc tố mật mà các nhà chẩn đoán bệnh dựa vào đó để chẩn đoán các bệnh liên quan đến vàng da

2. Rối loạn chuyển hoá sắc tố mật

Khi rối loạn chuyển hoá sắc tố mật sẽ xuất hiện vàng da. Vậy vàng da được hiểu như thế nào? Vàng da là tình trạng bệnh lý xảy ra khi sắc tố mật trong máu cao hơn bình thường ngấm vào da và niêm mạc.

2.1. Có vàng da tại chỗ, loại này không liên quan tới gan gặp trong các bệnh như: bầm dập cơ, phần mềm có máu chảy ra ngoài mạch nhưng không ra ngoài da. Bệnh  do Leptospira. Bệnh xuất huyết ở phụ nữ trước giai đoạn hành kinh…

2.2. Có vàng da toàn thân mà nguyên nhân là do sắc tố mật không được gan liên hợp kịp vì quá nhiều hoặc do bị tắc các đường dẫn mật.

Có nhiều cách xếp loại vàng da toàn thân nhưng xếp loại theo cơ chế bệnh sinh là hợp lý hơn cả.

2.2.1.Vàng da do nguyên nhân trước gan

+ Nguyên nhân: Có thể do nhiễm trùng như liên cầu trùng tan huyết, ký sinh trùng sốt rét đây là loại vàng da hay gặp nhất ở các nước nhiệt đới đặc biệt vùng rừng núi ở nước ta. Nhiễm độc như  nhiễm phenylhydrazin, sunfamit… Truyền nhầm nhóm máu trong hệ nhóm máu ABO, bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con. Có vàng da do sinh lý gặp trong vàng da ở trẻ sơ sinh.

+ Cơ chế: Do tan huyết nên hemoglobin được chuyển thành bilirubin tự do tăng nên gan không kết hợp kịp vì vậy bilirubin tự do tăng trong máu ngấm vào da và niêm mạc.

+ Đặc điểm

• Xét nghiệm máu: bilirubin tự do tăng do ứ đọng vì gan không kết hợp kịp nhưng loại bilirubin kết hợp vẫn bình thường.

• Xét nghiệm nước tiểu không có sắc tố mật và muối mật tuy bilirubin tự do tăng nhưng  vì nó không tan trong nước nên không xuất hiện trong nước tiểu được.

• Xét nghiệm phân có rất nhiều urobilin, phân vàng sẫm.

• Da và niêm mạc vàng. 

+ Vàng da do nguyên nhân tại gan

Loại này rất phức tạp có thể chia làm 3 nhóm

• Nhóm thứ nhất do rối loạn vận chuyển bilirubin tự do qua màng tế bào gan, bệnh có tính chất di truyền.

• Nhóm thứ hai do rối loạn kết hợp bilirubin tự do vì thiếu men transferase.

• Nhóm thứ ba tế bào gan mất khả năng lọc mật từ máu vào trong ống mật.

+ Nguyên nhân

• Do di truyền (nhóm 1, nhóm 2).

• Do nhiễm vi sinh vật (nhóm 3) là nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam. Chủ yếu là do nhiễm virus viêm gan A, B, C…Ở Việt Nam chiếm trên 20%.

+ Cơ chế:

Do viêm nhiễm, tế bào gan bị sưng to chèn ép gây phù nề ngoài ra còn có viêm những ống mật nhỏ trong gan dẫn đến tắc mật. Do đó vàng da loại này vừa có tổn thương tế bào gan vừa có rối loạn bài tiết mật.

+ Đặc điểm

• Xét nghiệm máu bilirubin tự do bình thường nhưng bilirubin kết hợp tăng cao do tắc mật trong gan làm cho sắc tố mật đọng trong ống gan thấm trở lại vào máu.

• Xét nghiệm nước tiểu có sắc tố mật và muối mật vì bilirubin kết hợp tăng cao trong máu, tan trong nước nên xuất hiện trong nước tiểu.

• Trong phân có urobilin hoặc không, phân  nhạt màu hoặc có thể trắng nếu mật không xuống ruột được.

• Da và niêm mạc vàng sẫm.

– Vàng da do nguyên nhân sau gan

– Nguyên nhân  

• Cơ học như sỏi mật, giun chui ống mật, u đầu tuỵ, hạch to.

• Tổn thương: viêm, sẹo, dây chằng…

• Rối loạn thăng bằng thần kinh thực vật gây co bóp cơ Oddi.

+ Cơ chế

Do tắc mật, mật không xuống ruột được, trở lại máu ngấm vào da và niêm mạc gây vàng da.

+ Đặc điểm

• Xét nghiệm máu bilirubin tự do bình thường nhưng bilirubin kết hợp tăng cao vì không xuống ruột được.

• Xét nghiệm nước tiểu có sắc tố mật và muối mật.

• Trong phân không có urobilin, phân có màu trắng như phân cò.

• Da và niêm mạc vàng sẫm.    

Vàng da tắc mật diễn biến lâu ngày, nhu mô gan càng ngày càng bị hư hại, dẫn đến chức phận chuyển bilirubin tự do thành bilirubin liên hợp kém đi do đó giai đoạn sau bilirubin tự do tăng cao còn bilirubin liên hợp giảm.

Ths Bs Lâm Văn Tiên

nghiên cứu viên

Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/06\/vang_da-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/06\/vang_da-yhocbandia.jpg","subHtml":"V\u00e0ng da"}]