VĂN BẢN GÓP Ý
DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN,
KẾT HỢP Y DƯỢC CỔ TRUYỀN  VỚI Y HỌC HIỆN ĐẠI

Căn cứ Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về y tế trong tình hình mới và văn bản 116/BYT-YDCT. Thay mặt Viện Y học bản địa Việt Nam, chúng tôi xin góp ý dự thảo chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề phát triển Y dược học cổ truyền và kết hợp y dược học cổ truyền với y học hiện đại như sau:

  1. Thành lập Cục Y dược học cổ truyền Việt Nam thay thế cho Cục Đông y.
  2. Đưa Y dược học cổ truyền vào chương trình đào tạo, vào chương trình thi tốt nghiệp cho các cấp học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp của mọi chương trình đào tạo về y học Việt Nam; đưa y dược học cổ truyền vào chương trình thi tốt nghiệp bắt buộc như trước đây Bộ y tế đã thực hiện, theo đó tăng thời lượng cho các học trình, học phần của y dược học cổ truyền để đưa vào chương trình Y4 và Y6 với khoảng tổng thời gian 4 đến 5 tháng trong 6 năm học Đại học Y, tối thiểu 6 tháng trong 2 năm của chương trình trung cấp, cao đẳng y dược, các trường quản lý y tế, kỹ thuật y sinh, y tế công cộng cũng không phải là ngoại lệ - để đủ tương tác với y dược học cổ truyền. Trong toàn ngành y tế dành cho ngành y dược học cổ truyền 15% – 18% kinh phí ngân sách Nhà nước.
  3. Có cơ chế dưới dạng văn bản chuyển thuốc tễ, thuốc bôi, thuốc sắc, thuốc hoàn, thuốc tán, thuốc thang, thuốc ngửi, thuốc ngâm… thành dạng bào chế hiện đại như viên nén, viên nang cứng, viên nang mềm, dạng dung dịch, dạng gel, dạng phun sương… như các kỹ năng bào chế mà y học hiện đại có thể thực hiện được và thừa nhận nó là sản phẩm của y dược học cổ truyền.
  4. Nhà nước chuẩn hóa các cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc đưa ra các chỉ định theo phác đồ để thuận tiện cho việc ứng dụng y dược học cổ truyền trong tất cả các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương với tất cả các chuyên khoa không ngoại trừ chuyên khoa nào, trong đó hồi sức cấp cứu không phải là ngoại lệ, bệnh tim mạch cũng không ngoại lệ.
  5. Đầu tư dạng thuê khoán cho các Viện công lập, tư nhân thực hiện chứng minh lâm sàng, thử nghiệm độc tính với các bài thuốc mới, các phát kiến mới, các nghiên cứu mới; các nghiên cứu của Viện tư nhân được đánh giá độc lập bởi các  tổ chức khoa học độc lập được thừa nhận  và ưu tiên đăng ký dưới dạng thuốc.
  6. Được phép đưa dược học cổ truyền, dược học dân gian, dược học dân tộc, dược học phương đông nếu sau khi phối ngũ có tác dụng mới được phép công bố tác dụng chính, tác dụng kèm theo (tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn) để đăng ký thành thực phẩm từ nông sản, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng để dược học cổ truyền không phải mua bán câu từ trong quá trình công bố tại Cục An toàn thực phẩm như hiện nay, vì nó tạo ra tiêu cực, tham nhũng, tham nhũng vặt.
  7. Công bố dược phẩm, công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng từ dược học cổ truyền, từ kinh nghiệm dân gian có chứng minh, từ nghiên cứu khoa học đã có báo cáo khoa học của các cơ sở y tế huyện, tỉnh, Trung ương và các viện nghiên cứu tư nhân, viện nghiên cứu công lập được ưu tiên đăng ký, công bố, đơn vị công bố phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền chuyên môn Nhà nước về tính xác thực.
  8. Bác sỹ tây y, bác sỹ đông y, y sỹ đông tây y có được thẩm quyền kê đơn y dược học cổ truyền mức độ cao hơn tây y cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược học cổ truyền.
  9. Các sản phẩm từ dược học cổ truyền đã công bố dưới dạng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng được phép bán trong quầy dược phẩm có địa vị pháp lý như dược phẩm.
  10. Khẩn trương tổ chức thẩm định cấp chứng chỉ nghề, giấy phép hành nghề, bài thuốc gia truyền, công nhận lương y cấp tỉnh, lương y quốc gia cho tất cả mọi đối tượng đủ điều kiện hiện đang hành nghề y dược học cổ truyền nhưng chưa có giấy phép hành nghề.
  11. Khuyến khích các Hội Nam y, Hội Đông  y, Hội Y dược học cổ truyền… các Viện nghiên cứu y học bản địa, y học cổ truyền, dược học cổ truyền, viện nghiên cứu các bài thuốc nam được phép đào tạo về y dược học cổ truyền theo thẩm quyền và theo năng lực được phép cấp chứng chỉ hành nghề cho các ông lang bà mế, các lương y gia truyền, truyền tay truyền miệng, các lương y tự phát làm tiền đề cho việc cấp bằng lương y cấp quốc gia do Bộ y tế tổ chức thẩm định.
  12. Xây dựng văn bản, xây dựng quy trình tiêu chuẩn thừa nhận, công nhận theo chương trình quốc gia các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc từ các phương pháp dân gian như châm cứu, chích lể, bấm huyệt, giác hút, các phương pháp chống đông máu như đỉa cắn, vắt cắn, ăn đậu xị chống… để đưa vào quản lý.
  13. Tái lập vườn thuốc nam tại các trạm xá, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và các bệnh viện tư nhân, theo đó các cơ sở y tế này được phép tự sản xuất thuốc (xây dựng công thức, định liều, bào chế, chỉ định, chống chỉ định) để phục vụ bệnh nhân và tự chịu trách nhiệm trước người bệnh, trước pháp luật.
  14. Xây dựng nguồn kinh phí của Nhà nước để khẩn trương sưu tầm, thừa kế các cây thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc từ dân gian Việt Nam; tổ chức thẩm định, đánh giá để biến các tài sản phi vật thể này thành tài sản quốc gia.
  15. Khuyến khích các viện nghiên cứu thuộc Bộ, Sở khoa học & công nghệ, các hội liên hiệp khoa học kỹ thuật, các viện nghiên cứu công lập, tư nhân quy về một mối quản lý nếu thuộc lĩnh vực y dược học cổ truyền từ đó xây dựng quy định về nghiên cứu, báo cáo khoa học, thẩm định, thừa nhận nếu là nguồn  gốc của nghiên cứu từ y dược học cổ truyền lấy đó làm cơ sở và bằng chứng để đăng ký thành thuốc hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
  16. Cho phép các cơ sở y tế khám chữa bệnh trong cả nước được quyền lựa chọn, sử dụng sản phẩm từ dược học hiện đại và dược học cổ truyền trong việc điều trị bệnh trên cơ sở hiểu biết nhận thức của các bác sỹ tây y, đông y tránh phân biệt kỳ thị thuốc tây, thuốc nam, thuốc đông y.
  17. Xây dựng lại quy định, quy chế thử nghiệm lâm sàng với các bài thuốc mới có nguồn gốc  theo hướng chỉ cần an toàn và có hiệu quả sau đó được thừa nhận và được Nhà nước công nhận để đưa vào chương trình quốc gia y dược học cổ truyền.
  18. Thành lập Hội đồng y dược học cổ truyền bởi hội đồng gồm: 1/3 là các lương y, 1/3 các nhà khoa học y dược học hiện đại, 1/3 là những người hoạt động có kinh nghiệm, có uy tín trong y dược học cổ truyền để thẩm định tiến tới Bộ Y tế công nhận lương y y dược cổ truyền trong cả nước.
  19. Khuyến khích các hội, các tổ chức có năng lực chuyên môn từ tuyến huyện, tỉnh, TW tổ chức các lớp học về y học cổ truyền, dược học cổ truyền, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc được phép cấp chứng chỉ nghề làm tiền đề cho cơ quan có thẩm quyền chuyên môn là Sở Y tế, Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề.
  20. Loại bỏ khỏi hệ thống quản lý y tế, tham mưu tư vấn y tế của Tổng hội y dược học Việt Nam vì không có đóng góp cụ thể.
  21. Sáp nhập Hội Nam y Việt Nam và Hội đông y Việt Nam thành một Hội chung có chức năng chung để tránh chồng chéo phân biệt đối xử trước pháp luật: Gọi là Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam hoặc Hội Y dược học bản địa Việt Nam có thẩm quyền và nghĩa vụ trách nhiệm tương đương như Hội Nam y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam hiện nay.
  22. Thống nhất thuật ngữ Y học cổ truyền, y học dân tộc, đông y, y học dân gian, y học bản địa thành một tên chung để tiện điều hành và quản lý. Ví dụ đặt tên là y dược học bản địa Việt Nam.
  23. Sáp nhập Cục Quản lý dược và Quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dung dịch làm sạch, dung dịch vệ sinh… về một mối tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, công  bố và lưu hành, không nên bắt chước cách quản lý của nhà nước Âu Mỹ.
  24. Hiệu chỉnh các văn bản có dấu hiệu cản trở sự phát triển của y dược học cổ truyền Việt Nam.

Bác sỹ Hoàng Sầm
Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam
Email: hoangsam@yhocbandia.vn
Điện thoại: 0913256913

[]