Hiện nay, chúng ta đã bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, có thể nói rằng, loài người có rất nhiều phát minh để cải tạo thế giới, bắt giới tự nhiên phải phục vụ lợi ích của con người, người ta thường nói con người có rất nhiều phát minh nhưng có hai phát minh có thể nổi tiếng nhất và ảnh hưởng đến nhân loại nhiều nhất là phát minh ra rượu (không biết có từ khi nào) và năng lượng nguyên tử (vào thế kỷ 18 – 19) bởi thuyết tương đối của Ensteine.
Phát minh ra năng lượng nguyên tử để phục vụ lợi ích con người, lợi ích hoà bình là rất vĩ đại… vì chỉ có năng lượng này chúng ta mới chinh phục được vũ trụ, đưa người lên mặt trăng… biến những chuyện cổ tích, viễn tưởng thành sự thật. Đấy là mặt lợi, còn mặt hại, đó là từ năng lượng nguyên tử, người ta có thể chế tạo bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân… có thể huỷ hoại toàn bộ trái đất và sự sống của chúng ta. Đây là sự thật hiển nhiên, ai cũng biết không phải bàn cãi. Nhưng còn rượu thì sao?
Người ta không biết ai là người phát minh ra nó và bắt đầu khi nào, có nhiều phỏng đoán, nhưng người ta đoán rượu được loài người tìm ra lâu lắm rồi, biết đâu từ thời nguyên thuỷ? Rượu xét cho cùng cũng tương tự như năng lượng nguyên tử, cũng có mặt lợi và mặt hại, về mặt lợi trong bài này tôi chỉ dám đề cập rất sơ bộ là rượu có thể làm cho con người sảng khoái, phấn chấn, rượu làm cho con người tự tin hơn, có thể giải nỗi buồn nỗi sầu nỗi khổ đau… và rượu cũng có thể làm cho niềm vui cũng có phần tăng lên, nên lúc vui buồn người ta vẫn dùng rượu, cả trên thế giới cũng như Việt nam. Nhưng mặt hại của rượu cũng rất “ vĩ đại” và nhiều có thể kể không hết: rượu gây rất nhiều bệnh cho cơ thể con người, đặc biệt là gan, xuất huyết tiêu hoá, các rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo âu do rượu, tổn hại về kinh tế (nợ nần, mất việc…), gây mất trật tự an ninh xã hội như tai nạn giao thông, đánh chém giết nhau vì rượu, tai hại hơn nó đã trở thành phong tục tập quán… vì thế ở nước ta mới có câu “nam vô tửu như cờ vô phong” không biết có từ đời nào, nên đã là nam giới ở Việt nam có lẽ ai cũng tham gia uống rượu, có nhiều người uống rượu hàng ngày, nhưng khi hỏi “nửa đùa nửa thật” là … đã nghiện chưa? Hoặc đã lạm dụng rượu chưa?… họ thường chỉ cười và nói không bao giờ nghiện hoặc lạm dụng rượu cả… Ngay cả khi người ta uống rượu đến mức độ bị loạn thần phải đưa nằm viện điều trị nội trú người ta cũng không thừa nhận mình đã nghiện rượu (mà trong tiền sử và bệnh sử đã khẳng định là nghiện rượu).
Theo điều tra dịch tễ của ngành Tâm thần, Việt nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 350 triệu lít rượu trong đó rượu nấu bằng phương pháp thủ công chiếm tới 90%, loại rượu này được sử dụng ở mọi nơi, giá rẻ, không có sự kiểm soát, độc tính cao. Năm 1994 nghiên cứu ở 20 địa phương trong cả nước tỷ lệ lạm dụng rượu ở thành thị là 5 – 10% dân số,ở miền núi 7 – 9,8% dân số, nông thôn 0,5 – 1,2 dân số. Tỷ lệ nghiện rượu: ở thành thị là 1,16 -3,61% dân số, miền núi 2,34 dân số, nông thôn 0,14 – 0,42 dân số.
Một nghiên cứu nghiện rượu tại một phường ở Hà nội cho thấy số người bị xơ gan là 10,7%, loét dạ dày 14,2%, rối loạn tiêu hoá 28,5%, run tay chân 14,2%, đau đầu 78,5%, ít ngủ 39,2%, mệt mỏi 78,5%, lo âu trầm cảm 87,5%, ảo giác 10,7%, hoang tưởng 14,2%, quên 64,3%…
Vậy thế nào được gọi là lạm dụng rượu và nghiện rượu?
-Lạm dụng rượu: là sử dụng gây hại cho sức khoẻ, tâm thần và cơ thể con người, nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng về cơ thể và tâm thần, nó chưa bao hàm tiêu chuẩn (c) là khi ngừng uống rượu sẽ xuất hiện hội chứng cai và tiêu chuẩn (d) nghĩa là cũng chưa có dung nạp rượu tức là uống rượu có xu hướng tăng dần theo năm tháng (Theo bảng phân loại quốc tế lần thứ 10: ICD X của Tổ chức y tế thế giới).
– Nghiện rượu: các khái niệm về nghiện rượu và lạm dụng rượu cũng như các chất tác động tâm thần đã có nhiều thay đổi trong vòng 50 – 60 năm qua. Từ năm 1950 Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa nghiện chất như sau: “Nghiện chất là một tình trạng nghiện định kỳ hoặc mạn tính có hại cho cá nhân và xã hội gây nên bởi sử dụng lặp đi lặp lại một chất tự nhiên hoặc tổng hợp”.
-Các khái niệm về nghiện rượu sau đó đã liên tục được thay đổi bởi WHO từ những năm 1957, 1964, 1977, 1980. Đến năm 1992 WHO cho ra đời bảng phân loại bệnh quốc tế ICD X, mục từ F10 – F19 là các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần,F10.2: (Hội chứng nghiện) đã nói rõ tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện chất.
-Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu theo tiêu chuẩn ICD X:
+ Thèm rượu mạnh mẽ.
+ Khó kiểm tra tập tính sử dụng.
+ Khi không sử dụng rượu sẽ xuất hiện hội chứng cai.
+ Có hiện tượng dung nạp rượu.
+ Sao nhãng các thích thú cũ.
+ Tiếp tục sử dụng rượu mặc dù biết rõ tác hại.
-Ngoài ra các nhà khoa học còn đề cập một số khái niệm khác về rượu gồm sử dụng mạo hiểm và sử dụng có hại.
+ Sử dụng mạo hiểm (tiêu thụ rượu mạo hiểm): là uống rượu một cách đều đặn, hàng ngày, mỗi ngày > 40 gam rượu đối với nam và 20 gam đối với nữ. Mạo hiểm cũng có thể định nghĩa là các hành vi nguy cơ, như nhậu nhẹt đến mức độ nhiễm độc nặng, hoặc sử dụng trong các trường hợp không được an toàn như lái xe, vận hành máy móc…
+ Sử dụng có hại: là sử dụng rượu gây thiệt hại thật sự về thể chất và tâm lý, và sử dụng rượu đều đặn hàng ngày > 60 gam rượu với nam và 40 gam với nữ.
– Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng cai rượu:
+ Thường xuất hiện sau khi ngừng uống rượu vài giờ, vài ngày hoặc khi giảm lượng rượu đưa vào cơ thể.
+ Mất ngủ.
+ Có nhiều rối loạn về thần kinh thực vật: run tay chân, vã mồ hôi, nôn, buồn nôn…
+ Lo âu, bất an, bồn chồn, đứng ngồi không yên.
+ Xuất hiện ảo giác, hoang tưởng.
+ Có thể có cơn co giật động kinh.
+ Rối loạn ý thức, mê sảng.
Ở đây chúng ta phải phân biệt hội chứng này với các chứng bệnh khác như trầm cảm, trạng thái lo âu – trầm cảm, bệnh động kinh, tâm thần phân liệt v.v.
Kết luận: trên đây là một số khái niệm cơ bản: sử dụng rượu mạo hiểm, sử dụng rượu có hại, lạm dụng rượu, nghiện rượu… mà Tổ chức y tế thế giới và các nhà khoa học đã tổng kết và đưa ra những định nghĩa và kết luận, qua đó mục đích của chúng tôi để góp phần truyền thông làm giảm mức độ tiêu thụ rượu bia như hiện nay, đẩy lùi những tác hại của rượu, góp phần nâng cao sức khoẻ con người và trật tự an toàn xã hội.
Về phần mình, các nhà nghiên cứu của Viện y học Việt Nam đã nghiên cứu thành công và đã đưa vào sử dụng các thảo dược nguồn gốc thiên nhiên để phòng ngừa và điều trị những chứng bệnh không mong muốn mà do quá trình sử dụng rượu gây nên, trong số đó phải kể đến Cardorido Saman, GTP Saman, Khởi dương Saman, TRC Saman, Neo 19…
Doctor SAMAN
Ngô Quang Trúc
Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh