Vấn đề Ung thư hiện nay theo tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Ung thư là thuật ngữ chung cho một nhóm lớn các bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Các thuật ngữ khác cũng được sử dụng là khối u ác tính và khối u. Một đặc điểm nổi bật của bệnh ung thư là sự tái tạo nhanh chóng của các tế bào bất thường và phát triển vượt ra ngoài ranh giới thông thường của chúng, sau đó có thể xâm lấn các bộ phận liền kề của cơ thể và di căn sang các cơ quan khác, quá trình sau này được gọi là di căn. Di căn trên diện rộng là nguyên nhân chính gây tử vong do bệnh ung thư.
Ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong trong năm 2020 trên thế giới. Các bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột kết và trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt. Khoảng 1/3 số ca tử vong do ung thư là do sử dụng thuốc lá, chỉ khối cơ thể cao, uống rượu, ăn ít trái cây và rau quả, thiếu hoạt động. Các bệnh nhiễm trùng gây ung thư như do Virus u nhú ở người (HPV), viêm gan là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp ung thư ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Nhiều bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
*Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư
Ung thư phát sinh từ sự biến đổi của các tế bào bình thường thành các tế bào khối u trong một quá trình có nhiều giai đoạn, thường tiến triển từ một tổn thương tiền ung thư thành một khối u ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền của một người và ba loại tác nhân bên ngoài, bao gồm:
– Chất gây ung thư vật lý: Như tia cực tím, bức xạ ion hóa…
– Chất gây ung thư hóa học: Như Amiăng, các thành phần của khói thuốc lá, rượu, các chất gây ô nhiễm thực phẩm, Asen…
– Chất gây ung thư sinh học: Nhiễm trùng từ một số Virus, Vi khuẩn, Ký sinh trùng…
Tỷ lệ bệnh ung thư tăng đột biến theo tuổi tác, điều này rất có thể là do sự tích tụ của các nguy cơ đối với các bệnh ung thư cụ thể tăng lên theo tuổi tác. Sự tích tụ rủi ro tổng thể được kết hợp với xu hướng các cơ chế sửa chữa tế bào kém hiệu quả hơn khi một người già đi.
*Các yếu tố nguy cơ gây ung thư
Sử dụng thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động và ô nhiễm không khí là những yếu tố nguy cơ gây ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác
Một số bệnh nhiễm trùng mạn tính là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Đây là một vấn đề đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 13% trường hợp ung thư được chẩn đoán năm 2018 trên toàn cầu là do Helicobacter Pylori, virus HPV, virus viêm gan B, virus viêm gan C và virus Epstein – Barr.
Virus viêm gan B và C và một số loại HPV làm tăng nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung gấp 6 lần và về cơ bản làm tăng nguy cơ phát sinh một số ung thư khác như Kaposi Sarcoma.
*Gánh nặng ung thư
Khoảng 30 – 50% các trường hợp ung thư hiên có thể ngăn ngừa bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ và thực hiện các chiến lược phòng ngừa dựa trên bằng chứng hiện có.
Gánh nặng ung thư cũng có thể được giảm bớt thông qua việc phát hiện ung thư sớm và điều trị, cũng như chăm sóc thích hợp cho những bênh nhân bị ung thư. Nhiều bệnh ung thư có cơ hội chữa khỏi cao nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp.
*Ngăn ngừa ung thư
Ung thư có thể được giảm thiểu bằng cách:
– Không sử dụng thuốc lá;
– Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh;
– Ăn một chế độ lành mạnh bao gồm trái cây và rau quả;
– Hoạt động thể chất một cách thường xuyên;
– Chủng ngừa HPV và viêm gan B nếu thuộc nhóm khuyến cáo cần tiêm chủng;
– Tránh tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (chủ yếu do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các thiết bị thuộc da nhân tạo) và/ hoặc sử dụng các biện pháp bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.
– Đảm bảo sử dụng bức xạ an toàn và thích hợp trong chăm sóc sức khỏe (cho các mục đích chẩn đoán và điều trị bệnh);
– Giảm thiểu tiếp xúc nghề nghiệp với bức xạ ion hóa.
– Giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà, bao gồm Radon (một loại khí phóng xạ sinh ra từ sự phân hủy tự nhiên của Uranium, có thể tích tụ trong các tòa nhà – nhà ở, trường học và nơi làm việc).
*Phát hiện sớm
Tỷ lệ tử vong do ung thư giảm khi các ca bệnh được phát hiện sớm và điều trị sớm. Có hai thành phần của phát hiện sớm: Chẩn đoán và sàng lọc sớm ung thư.
+ Chẩn đoán sớm: Khi được xác định sớm, ung thư có nhiều khả năng đáp ứng với điều trị hiệu quả hơn và có khả năng sống sót cao hơn, điều trị cũng ít tốn kém hơn. Chẩn đoán sớm gồm: a) Nhận thức được các triệu chứng của các dạng ung thư khác nhau và tầm quan trọng của các tìm kiếm lời khuyên y tế khi quan sát thấy các phát hiện bất thường; b) Tiếp cận các dịch vụ đánh giá và chẩn đoán lâm sàng; c) Chuyển tuyến kịp thời đến các dịch vụ điều trị.
+ Sàng lọc:
Việc khám sàng lọc nhằm xác định những cá nhân có những phát hiện gợi ý đến một bệnh ung thư cụ thể hoặc tiền ung thư trước khi họ phát triển các triệu chứng. Khi các bất thường được xác định trong quá trình tầm soát, cần thực hiện các xét nghiệm thêm để xác định chẩn đoán xác định, cũng như chuyển tuyến trên điều trị nếu chứng minh là bị ung thư.
Các chương trình tầm soát có hiệu quả đối với một số ung thư nhưng không phải tất cả các loại ung thư, và nói chung là phức tạp và tốn nhiều nguồn lực hơn nhiều so với chẩn đoán sớm vì chúng đòi hỏi thiết bị đặc biệt và nhân viên chuyên dụng. Ngay cả khi các chương trình sàng lọc được thiết lập, các chương trình chẩn đoán sớm vẫn cần thiết để xác định những trường hợp ung thư xảy ra ở những người không đáp ứng các tiêu chí về tuổi hoặc yếu tố nguy cơ để sàng lọc.
Việc lựa chọn bệnh nhân cho các chương trình sàng lọc dựa trên độ tuổi và các yếu tố nguy cơ để tránh các trường hợp dương tính giả quá mức. Ví dụ về các phương pháp sàng lọc là: a) Xét nghiệm HPV (bao gồm xét nghiệm HPV DNA và mRNA) , là phương pháp được ưu tiên để tầm soát ung thư cổ tử cung; b) Chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú cho phụ nữ từ 50 – 60 tuổi sống ở những nơi có hệ thống y tế mạnh hoặc tương đối mạnh.
*Cách “đối đãi” với ung thư
Việc chẩn đoán ung thư chính xác là điều cần thiết để có phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả vì mỗi loại ung thư đều cần một phác đồ điều trị cụ thể. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật, xạ trị và/ hoặc liệu pháp toàn thân (hóa trị, điều trị nội tiết tố, liệu pháp sinh học nhắm mục tiêu). Việc lựa chọn một phác đồ điều trị thích hợp sẽ cân nhắc đến cả bệnh ung thư và cá nhân bệnh nhân được điều trị. Việc hoàn thành phác đồ điều trị trong một khoảng thời gian xác định là rất quan trọng để đạt được kết quả như dự đoán.
Xác định mục tiêu điều trị là bước đầu tiên quan trọng. Mục tiêu chính thường là chữa khỏi bệnh ung thư hoặc kéo dài tuổi thọ đáng kể. Nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng là một mục tiêu quan trọng. Điều này có thể đạt được bằng cách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất, tâm lý xã hội và tinh thần cho bệnh nhân và chăm sóc giảm nhẹ trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
Một số loại ung thư phổ biến nhất như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư miệng và ung thư đại trực tràng có khả năng chữa khỏi cao khi được phát hiện sớm và được điều trị theo các phương pháp tốt nhất. Một số loại ung thư như u biểu mô tinh hoàn và các loại bệnh bạch cầu và ung thư hạch ở trẻ em, cũng có tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được điều trị thích hợp, ngay cả khi các tế bào ung thư đã xuất hiện ở các khu vực khác của cơ thể. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về khả năng điều trị giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau. Điều trị ung thư toàn diện được báo cáo là có sẵn ở hơn 90% ở các quốc gia có thu nhập cao, nhưng lại dưới 15% ở các quốc gia có thu nhập thấp.
*Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là điều trị để làm giảm, thay vì chữa bệnh, các triệu chứng và đau khổ do ung thư gây ra và để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình của họ. Chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp cho bệnh nhân ung thư sống thoải mái hơn. Nó đặc biệt cần thiết ở những nơi có tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối cao, nơi có rất ít cơ hội để chữa khỏi bệnh này. Hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng có thể giảm bớt các vấn đề về thể chất, tâm lý xã hội và tinh thần thông qua chăm sóc giảm nhẹ.
Các chiến lược sức khỏe cộng đồng hiệu quả, bao gồm chăm sóc tại cộng đồng và tại nhà, là điều cần thiết để cung cấp dịch vụ giảm đau và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân và gia đình của họ.
Cải thiện khả năng tiếp cận với Morphine đường uống được khuyến khích mạnh mẽ, để điều trị các cơn đau do ung thư từ trung bình đến nặng, mà hơn 80% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải chịu đựng.
(Dịch và biên soạn theo thông báo của WHO ngày 03 tháng 2 năm 2022)
- Ngô Quang Trúc