BỆNH PARKINSON VÀ GIẤC NGỦ
Bệnh Parkinson là một bệnh có rối loạn phức tạp, được cho là ảnh hưởng đến một triệu người ở Hoa Kỳ. Nó phổ biến ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến 10% người trên 80 tuổi. Mặc dù hầu hết các triệu chứng có thể được quản lý về mặt y tế, nhưng hiện tại vẫn chưa có cách chữa đặc hiệu.
Người ta ước tính có khoảng 2/3 trong số những người bị Parkinson phấn đấu để có được một giấc ngủ chất lượng. Trên thực tế, các vấn đề về giấc ngủ ngày càng được công nhận là một dấu hiệu ban đầu tiềm ẩn của bệnh Parkinson.
Mất ngủ ở bệnh nhân Parkinson là yếu tố gây nguy cơ làm suy giảm nhận thức; Và suy giảm nhận thức chính nó được biết là làm trầm trọng thêm rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ ở bệnh Parkinson tác động tiêu cực đến sự tỉnh táo vào ban ngày và chất lượng cuộc cuộc sống, không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả những người chăm sóc bệnh nhân.
Hiểu được mối tương tác phức tạp giữa bệnh Parkinson và giấc ngủ là một bước quan trọng để đạt được chất lượng giấc ngủ tốt hơn cho bệnh nhân Parkinson.
*Tại sao bệnh nhân Parkinson lại khó ngủ ?
Mặc dù bị run ban ngày (tức là run lúc thức); Nhưng bệnh nhân Parkinson không bị run khi ngủ. Tuy nhiên, bản thân bệnh Parkinson và các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson có thể làm phát sinh một số vấn đề về giấc ngủ, dẫn đến mất ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
Bệnh nhân có các triệu chứng về rối loạn vận động, có thể gặp khó khăn khi điều chỉnh tư thế ngủ để bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ngủ. Một số bệnh nhân khác có thể gặp phải tình trạng buồn bã về ban đêm khi cố gắng đi vào giấc ngủ. Đây có thể là do tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị bệnh này hoặc do bệnh nhân bị suy giảm nhận thức.
Đổi lại, buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS) có thể gây ra hậu quả của việc ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Nó cũng có thể được kích hoạt bởi thuốc điều trị. Bệnh nhân Parkinson bị EDS có thể có nguy cơ bị tai nạn cao hơn và không thể thực hiện các hoạt động như vận hành xe cơ giới một cách an toàn.
Thường mất ngủ đi liền với lo lắng và trầm cảm, nó có thể là một yếu tố góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ ở những người bị bệnh Parkinson. Vì lý do đó, các bác sĩ thường tìm kiếm các rối loạn sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân Parkinson, những người có vấn đề về giấc ngủ.
*Mối quan hệ giữa bệnh Parkinson và giấc ngủ
Hiện nay, vẫn còn chưa rõ giấc ngủ kém có làm cho các triệu chứng bệnh Parkinson trầm trọng hơn hay không ?; Hay các triệu chứng bệnh Parkinson trầm trọng hơn có gây ra sự ngủ kém hay không ?. Trong nhiều trường hợp, nó có thể là một trường hợp hai chiều, với mỗi cái lại làm trầm trọng thêm cái kia.
Giấc ngủ rời rạc và thiếu ngủ dường như khiến não dễ bị tổn thương hơn bởi stress oxy hóa (Stress O xy hóa hiểu theo nghĩa đơn giản là các chất O xy hóa chiếm ưu thế hơn so với các chất chống O xy hóa bảo vệ cơ thể – do cơ thể sinh ra), có liên quan đến sự phát triển của bệnh Parkinson. Bệnh Parkinson thường không được chẩn đoán cho đến khi bệnh nhân đã phát triển triệu chứng về rối loạn vận động đầy đủ, lúc đó một phần đáng kể tế bào não đã bị tổn thương. Nếu chất lượng giấc ngủ kém; Hoặc bị rối loạn giấc ngủ sẽ báo trước sự phát triển của các triệu chứng Parkinson, những điều này có thể hữu ích trong việc chẩn đoán sớm bệnh.
Cần có thêm nhiều thời gian để nghiên cứu làm rõ mối quan hệ nhiều mặt giữa bệnh Parkinson và giấc ngủ. Hiểu rõ hơn về mối quan hệ này có thể cung cấp cho các chuyên gia y tế có cơ hội duy nhất để sàng lọc những cá nhân có nguy cơ và có thể làm trì hoãn sự phát triển của bệnh.
*Rối loạn giấc ngủ liên quan đến bệnh Parkinson
Ngoài các vấn đề về giấc ngủ khác, các bệnh nhân Parkinson dường như dễ mắc một số trạng thái giấc ngủ nhất định.
– Gián đoạn nhịp điệu : Dopamin giảm có thể làm thay đổi đáng kể chu kỳ ngủ – thức của cơ thể. Sự gián đoạn nhịp sinh học này có thể làm mất lịch trình ngủ của họ, dẫn đến chứng mất ngủ và buồn ngủ ban ngày.
– Rối loạn hành vi giấc ngủ REM : Rối loạn hành vi giấc ngủ REM là một trong những rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất ở bệnh nhân Parkinson (ảnh hưởng khoảng 50% số bệnh nhân). Rối loạn này khiến bệnh nhân Parkinson thực hiện “ước mơ” của họ, mặc dầu bệnh nhân không nhận thức được hành vi này. Các rối loạn về hành vi tác phong của họ có thể chuyển thành các hành động bạo lực như đánh bạn tình khi đang ngủ.. Không giống như mộng du, những người bị rối loạn hành vi giấc ngủ REM thường nhớ những giấc mơ của họ và mô tả chúng một cách sống động. Rối loạn hành vi giấc ngủ REM thường bắt đầu nhiều năm trước khi bệnh Parkinson được chẩn đoán, và dường như là một yếu tố nguy cơ làm suy giảm nhận thức nghiêm trọng hơn.
– Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn : Những người bị chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) phải thở gấp nhiều lần làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ, thường kèm theo ngủ ngáy và thở hổn hển. Những người bị Parkinson thường có biểu hiện tắc nghẽn đường hô hấp trên, bệnh phổi hạn chế và các yếu tố khác góp phần làm tăng nguy cơ phát triển OSA.
– Hội chứng chân bồn chồn: Hội chứng chân bồn chồn được đặc trưng bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại để di chuyển chân, đặc biệt là khi nghỉ ngơi. Rối loạn giấc ngủ này làm ảnh hưởng đến từ 30% – 80% những người bị bệnh Parkinson và thường xuất hiện rất sớm khi bệnh. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự đồng xuất hiện của bệnh Parkinson và hội chứng chân không yên có thể liên quan đến việc cơ thể thiếu Dopamin.
– Tiểu đêm : Thường xuyên đi tiểu đêm hoặc tiểu đêm ảnh hưởng đến đa số bệnh nhân Parkinson ở một mức độ nào đó. Mặc dù về mặt kỹ thuật không phải là những rối loạn giấc ngủ; Nhưng việc đi tiểu đêm thường xuyên sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ và có thể dẫn đến giấc ngủ rời rạc, ít phục hồi hơn.
( Dịch và soạn theo Sleep Foundation; Được viết bởi Danielle Pacheco; Đánh giá y tế bởi Tiến sĩ John DeBanto, ngày 23 tháng 10 năm 2020)
Ngô Quang Trúc
TS – BSCC chuyên khoa Tâm thần- Thần kinh