Tôi (Hoàng Sầm), người dân tộc Dao áo dài, vì dân tộc Dao (Mán) có 3 ngành: Đại bản, trung bản và tiểu bản, mỗi ngành lại có 3 chi nên mới minh bạch ra như vậy. Tuy ở xã bản Péo của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang nhưng tôi được học tập trung tạo nguồn rất sớm (1961) theo ý chỉ của Bác Hồ và ông Chu Văn Tấn (Bí thư khu ủy khu tự trị Việt Bắc).
Trường nằm ngay gần Cầu Châu, khuôn viên Ty giáo dục Hà Giang lúc bấy giờ.
Đến trường mới 7 tuổi, chị gái là Hoàng Xà Gầy theo nuôi, chị Gầy được chế độ nhà nước nuôi luôn để chăm em 1 năm. Trường rẻo cao Hà Giang có khoảng 50 người học sinh, tuổi rất chênh lệch, nhiều bạn đã 19-22 tuổi, bạn 9-15 tuổi, chị Gầy 14 tuổi, tôi nhỏ tuổi nhất. Chị theo nuôi tôi nhưng cũng được học cùng lớp, mấy anh Mèo, Lô Lô, người Hán… lớn tuổi cứ trêu chọc chị, tôi rất ghét họ mà chị tôi lại có vẻ thích.
Chị ngủ cùng giường với tôi ở nhà Nam giới, các thầy bảo không sao. Nhưng cô giáo bảo như thế không được. Chị phải về nhà Nữ ngủ, mỗi tối rửa chân, sáng sớm chạy sang nhà Nam mặc quần áo cho tôi rồi dắt đi tập thể dục sân trường, cứ như thế 1 năm.
Cũng chỉ 1 năm ấy mà tôi biết nói tiếng Kinh (đến tận bây giờ), dường như loại “ngoại ngữ” này của tôi giờ lại càng ngày càng khá.
Trường phát tư trang, thu lại quần áo dân tộc, mỗi người được áo xanh Hòa Bình, quần xanh Xí-Lâm, áo lót, quần đùi, giày, dép lốp, thắt lưng Trung Quốc, bát sắt, bát sứ, đũa, thìa, ba lô, đường, sữa… mỗi tháng thêm tiêu chuẩn 8 bao thuốc lá… Riêng quần áo chỉ có cỡ A,B,C nên khi mặc cỡ C cũng vẫn bị quá rộng dài, nên khi mặc thì phải buộc lạt ngang lưng cho khỏi tuột. Dép dày chỉ đi khi chào cờ sáng thứ 2, thường là đi chân đất đánh khăng cho tiện. Thực ra mặc cái quần đùi cũng che tận mắt cá chân rồi.
Thầy chủ nhiệm lớp vỡ lòng của chúng tôi là Thầy Sùng A Páo, trông thầy mặc áo xanh Hòa Bình,quần xanh Xí-Lâm sơ vin lên giảng dạy rất đẹp và rất ngưỡng mộ, lại thêm thầy đeo kính trắng thì hết chê, trông oai lắm, trí thức lắm, cái gì cũng biết. Từ năm học lớp vỡ lòng đã ngộ rằng cứ người nào đeo kính trắng bất kể nam, phụ, lão, ấu đều thấy họ là trí thức, biết nhiều chữ, và oai nữa, rất đáng kính nể. Nghe họ nói đeo kính còn đọc được cả chữ của Liên Xô nữa, thật là tận cùng của “cao đẳng”.
Một hôm, giờ ra chơi thầy Páo bỏ kính trên bàn giáo viên, đi ra ngoài, tôi chạy lên lấy đeo thử, cả lớp vỗ tay ầm ầm: “oai lắm, oai lắm… mày đi đi, lại lại 1 tý cho giống thầy giáo”. Thân tôi gày gò, tong teo, thấp bé, quần áo buộc lạt lùng nhùng, đeo kính trắng trễ mũi đi đi lại lại trên bục giảng khoảng 2-3 phút… Bỗng thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, buồn nôn và ngồi bệt xuống. Cả lớp cười rũ rượi. Thầy vào lớp thấy tôi ngồi dưới đất, mặt tái mét, nôn ra cái bánh mì ban sáng, lại đang đeo kính của thầy.
“Kính này em đeo làm gì, không đeo được đâu, thầy bị bệnh cận thị 4 đi-ốp mới phải đeo đấy”. Từ đấy biết rằng, à, đeo kính ấy rất khó chịu, bệnh mới phải đeo chứ không có phải để oai, để đáng kính trọng đâu, chắc thầy cũng chóng mặt, buồn nôn lắm…
Tháng 9 năm 1964, máy bay Mỹ đánh phá ra miền bắc, chúng tôi phải đi sơ tán ở rừng già xã Việt Lâm, tận nguồn suối Quảng Ngần, chân núi Tây Côn Lĩnh. Bắt đầu sống, ăn, ngủ, học, đi lại, vệ sinh… đều dưới giao thông hào, luôn đội mũ rơm chống bom bi… trong nhà hầm chữ A nửa chìm nửa nổi trong rừng già. Hết tiêu chuẩn đường sữa, thuốc lá. Học sáng, chiều, tối đều thiếu ánh sáng, đêm phải che đèn dầu bằng chụp đèn, đèn bão… chuyển chỗ sơ tán liên miên. Mãi 1967 tôi mới học xong lớp 4, tức lớp 5 bây giờ, 12 tuổi thì bị cận thị rồi, kèm theo nghiện thuốc lá nữa.
Nhà hầm chữ A (minh họa)
Mũ rơm đi học
Đến lớp dưới giao thông hàovới mũ rơm (minh họa)
Đèn bão (minh họa)
Bố tôi, ông Hoàng Văn Hiều, vốn là Thầy lang, nhà nho, thầy cúng nữa nhưng lại làm trong ngành tòa án, cũng gọi có chút vai vế. Thế nhưng Ổng không hề biết chữa cận thị, cũng chả biết cận thị là gì, tra cứu sách Tàu thì ra là loại bệnh nhìn gần mới rõ, nhìn xa mỏi mắt và sau đó ảnh bị mờ nhòe.
Bố đưa tôi đi khám bệnh với một ông bạn là người Tàu, tên Túng, ở dốc sân Xê mười, đầu xã Ngọc Đường, trên đường đi huyện Bắc Mê. Họ nói với nhau toàn những tiếng khó hiểu “hảo sư cù lung lẳng trẻo”, cuối cùng nghe thấy mấy từ “hảo lớ, hảo lớ, tuề, tuề” nghĩa là “tốt tốt, đồng ý” thì cũng yên tâm. Bố đưa ông Lang Tàu 3 đồng bạc trắng hoa xòe, ông này bốc cho 7 thang thuốc dặn uống 21 ngày; còn dặn day huyệt sau gáy, huyệt quanh mắt, tay… lấy bút lông mực tàu đánh dấu huyệt, biên ra giấy cho rõ ràng; còn dặn buổi sáng mặt trời chưa mọc thì chạy chân đất khoảng 1km, khi mặt trời mới ló thì nheo mắt nhìn vào đó mỗi bên mắt 99 lần, mỗi lần mồm lẩm nhẩm đếm đến 3.
Về giở thuốc ra xem bố nhận ra 4 vị là Mật mông hoa, Kỉ tử, Hoàng tinh đỏ và lá Tầm gửi cây nghiến; Còn 3 vị khác là những loại hoa đều màu đỏ thẫm không nhận diện được; Tôi uống đủ 21 ngày, làm theo các chỉ dẫn thì một tháng sau mắt trở lại bình thường.
Những năm 1968, học cấp II, III ở trường Vùng cao khu tự trị Việt Bắc, mắt lại có hơi khó chịu, tôi liền lấy dây vải chằng vào cổ, buộc có chừng mực ra sau ghế, để khi quên cũng không thể cúi gần sách; cùng với chạy sáng chân đất; nhìn mặt trời mọc.
Đến khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội hoàn toàn không có triệu chứng bị cận thị. Suốt 37 năm làm Bác sỹ châm cứu, châm tê cho phẫu thuật, đòi hỏi huyệt châm phải rất chính xác tới từng mi-li-mét nhưng không hề phải đeo kính.
Trở lại năm 1983, theo lời bố dặn, về Hà Giang tìm ông lang Túng hiệu “Tiểu Đan khê dược sư”. Nghe nói, 1980, ông ấy bị Nhà nước đưa về vùng Chiêm Hóa để quản thúc rồi. Tìm hỏi một người Hán, anh Sìn Thìn Quẩy, bạn vong niên cùng học ngày ấy cũng bị đi quản thúc do sự kiện chiến tranh năm 1979, anh ấy nói, hình như Công an mời hoặc đã đưa ông Túng về Hà Nội chữa bệnh cho lãnh đạo rồi thì phải. Từ đó không còn tin tức gì về “Tiểu Đan khê dược sư” nữa.
Giảng dạy trong trường Đại học, đến 2008 tôi bỏ nhà nước ra làm ngoài; đến 2012 chúng tôi cùng 1 số giáo sư, Tiến sỹ Bác sỹ đã về hưu thành lập Viện nghiên cứu tư nhân, tên là Viện Y học bản địa Việt Nam. Ưu tiên của chúng tôi là nghiên cứu về cải thiện trí nhớ cho người cao tuổi và cận thị trẻ em đang tuổi đi học. Đến năm 2014 đề tài cải thiện trí nhớ đã được chuyển giao – nay gọi tên là Lohha Trí Não; thế nhưng đề tài cận thị học đường thì có hiệu quả nhưng hiệu quả không cao. Bài thuốc trong đề tài đã có dùng bài bổ hư minh mục thang gia thêm 3 vị Mật mông hoa, Kỉ tử, Hoàng tinh đỏ, riêng lá Tầm gửi cây nghiến thì không kiếm được; 3 vị là hoa đỏ thẫm trong thang thuốc Ông lang Túng là gì thì không ai có thể biết được.
Mấu chốt của cận thị đơn thuần: hai cơ vận nội nhãn là
1) Cơ chi phối thể mi gọi là cơ thể mi, nó thoát ra thành dây chằng Zinn sẽ làm cho thủy tinh thể của mắt phồng lên hay dẹt đi khiến điểm hội tụ của khúc xạ luôn vào đúng võng mạc trong mọi trường hợp;
2) Cơ co đồng tử ở mống mắt làm cho đường kính lỗ đồng tử to hay nhỏ; hai cơ này liên quan chính đến khả năng hội tụ và điều tiết khúc xạ và lượng ánh sáng tới buồng tối đáy mắt.
Nếu có thuốc gì can thiệp bình ổn được 2 cơ này có nghĩa là ta can thiệp được cận thị trẻ em. Mà đã là cơ thì phải chịu sự điều tiết của tấm vận động thần kinh cơ, trong đó bao gồm hoạt động của khớp sinap thần kinh và chất dẫn truyền giao cảm – phó giao cảm.
Vận may: đầu năm 2019 tôi được 1 tiến sỹ là học trò cũ công tác tại Iran biếu 1 lọ nhỏ chứa 2g loại hoa nhụy nghệ tây, nghe nói đắt lắm, những khoảng 400 triệu/kg. Lên trang thông tin công nghệ sinh học quốc gia Hoa kỳ (www.ncbi.nlm.nih.gov) xem thì vô tình tìm được mấy bài báo đem lược dịch như sau:
- Uống crocetin có trong nhụy nghệ tây đã ngăn chặn sự thay đổi khúc xạ và sự kéo dài trục trong một mô hình chuột cận thị do thấu kính mắt gây ra
Bài báo xuất bản trực tuyến ngày 22 tháng 1 năm 2019 bởi các tác giả: Kiwako Mori,Toshihide Kurihara,Maki Miyauchi, Ayako Ishida, Xiaoyan Jiang, Shin-ichi Ikeda, Hidemasa Torii, và Kazuo Tsubota.
Tóm tắt đề tài báo cáo: nhóm nghiên cứu gây cận thị trên chuột, sau đó dùng Crocetin từ nhụy Nghệ Tây cho uống, sau 8 tuần đo lại thị lực và hoạt động của yếu tố ức chế cận thị là protein phản ứng tăng trưởng sớm 1 (Egr-1) thì thấy chuột uống crocetintăng Egr-1, tình trạng thị lực cải thiện rõ rệt và đáng tin cậy so với nhóm chứng.
Nhụy hoa Nghệ Tây
- Tác dụng Crocetin của nhụy nghệ tây trong chế độ ăn để kiểm soát cận thị ở trẻ em: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên
Bài báo xuất bản trực tuyến ngày 07 tháng 8 năm 2019 bởi các tác giả: Kiwako Mori, Toshihide Kurihara,Maki Miyauchi, Ayako Ishida, Xiaoyan Jiang, Shin-ichi Ikeda, Hidemasa Torii,Satoko Fujimoto, Kohji Nishida, và Kazuo Tsubota.
Tóm tắt: Carotenoid crocetin từ cây Nghệ Tây tự nhiên đã được báo cáo có tác dụng ngăn chặn chứng cận thị thực nghiệm ở chuột. Chúng tôi đã đánh giá tác động của crocetin đối với việc ngăn chặn cận thị ở trẻ em. Một thử nghiệm lâm sàng mù đôi ngẫu nhiên có đối chứng giả dược. Quản lý đề tài kiểu phi tập trung được thực hiện với 69 cháu từ 6 đến 12 tuổi, có độ khúc xạ cycloplegic (SER) nằm trong khoảng -1,5 đến -4,5 diopter (D). Những cháu tham gia được chọn ngẫu nhiên để nhận giả dược hoặc crocetin và theo dõi trong 24 tuần. Nghiên cứu này được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ. Thử nghiệm này đã được thông qua bởi các hội đồng thể chế và đạo đức. Hai cháu đã bỏ chương trình và 67 cháu còn lại đã hoàn thành thử nghiệm này. Sự kéo dài AL – trục nhìn sinh lý ở nhóm giả dược so với nhóm dùng crocetin là 0,21±0,02mm / 0,18 ± 0,02 mm ( p = 0,046). Độ tin cậy của nghiên cứu là rất đáng kể.
Kết luận: crocetin trong chế độ ăn uống có thể có tác dụng ngăn chặn sự tiến triển cận thị ở trẻ em, cần có nghiên cứu cỡ mẫu lớn hơn để khẳng định tác dụng này.
Nhớ lại 3 vị thuốc bố tôi không nhận diện được có loại hoa màu đỏ thẫm liệu có phải nhụy Nghệ Tây hay không. Nếu ngụy Nghệ Tây được dùng trong cận thị cũng là quá đắt. Tuy vậy 7 thang thuốc bố tôi mua cho uống với 3 đồng bạc trắng hoa xòe của Pháp lưu hành ở Đông Dương cũng không hoàn toàn vô lý. Vì đồng bạc này đúng nguyên chất, nếu in từ năm 1862 giá bây giờ cũng khoảng 900.000đ – 1.200.000đ, như vậy 7 thang thuốc khoảng trên dưới 3 triệu theo thời giá hiện nay là hợp lý.
Vấn đề là nhụy Nghệ Tây quá đắt, cần chất Crocetin chứ không cần nhụy nghệ tây, vậy cây nào hoa màu đỏ, quả màu đỏ có thể có chứa Crocetin chăng?
Chúng tôi đã tìm gom hàng mấy chục loại hoa và quả màu đỏ kiểu carotenoit hy vọng là chúng chứa crocetin: như cà chua, thanh long, vỏ quả vải, hoa dâm bụt, hoa bụp dấm, mật mông hoa, chi tử, hồng hoa, quả gấc, cây cơm xôi đỏ, linh chi đỏ, quả đùm đũm… yêu cầu Tiến sỹ Hồng & Tiến sỹ Lâm thử kiểm tra định tính, nếu có thì định lượng trên máy sắc ký hiệu năng cao (HPLC – hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao – loại máy chromaster, đầu dò DAD, hãng Hitachi, Xuất xứ Nhật Bản, năm sản xuất 2018).
May thay, chúng tôi đã tìm được 6 loại thực vật có chứa Crocetin (kỵ nước) và crocin (ưa nước). Nhờ đó ngay sau tết, dịp Covid 19, nhóm nghiên cứu đã thiết kế lại công thức và thử nghiệm lâm sàng 20 cháu, độ tuổi từ 6-12, thời gian 8 tuần, dưới sự kiểm soát của các bác sỹ chuyên khoa mắt và giám hộ. Kết quả các cháu bị cận thị đơn thuần được cải thiện thị lực rõ rệt, sau 8 tuần 1 số cháu có thị lực dưới 3 Điốp trở xuống đã bỏ kính, thị lực trở lại bình thường.
Tên đề tài: “Bước đầu đánh giá hiệu quả của Myopic SAMAN với cận thị đơn thuần (simple myopia), trên đối tượng trẻ em 6-12 tuổi”; mã số đề tài: E15-001/YHBD. Trong thời gian gần nhất hy vọng đề tài sẽ được bảo vệ trước hội đồng khoa học để có một cái nhìn nghiêm túc, khách quan.
Hơn hết, đây là một đề tài đặt hàng nghiên cứu bởi con trai út của tôi, Bác sỹ Hoàng Đôn Hòa (0889999466) – Chủ tịch Công ty TNHH dược phẩm SAMAN từ năm 2012, nhưng sau 7 năm thất bại, nay mới thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Thế mới nói đầu tư nghiên cứu khoa học chính là loại hình đầu tư rủi ro nhất.
Chú ý: loại cận thị đơn thuần này chiếm 75-90% cận thị gặp ở học sinh tiểu học, thường có độ cận nhỏ hơn 6 Điốp và cũng có thể đi kèm với loạn thị.
Các loại cận thị khác như Cận thị thứ phát (induced myopia hay acquiredmyopia) do: a) xơ hóa thủy tinh thể (nuclear sclerosis); b) tác dụng phụ do một số loại thuốc kê đơn; c) do tiểu đường; Cận thị ban đêm (nocturnalmyopia); Cận thị giả (pseudomyopia) xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết; Cận thị thoái hóa (degenerative myopia hay pathological myopia) là cận thị rất nặng, mắt thường cận hơn 6 Điốp và kèm theo thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu; và một số nguyên nhân cận thị khác không thuộc phạm vi nghiên cứu này.
Bác sỹ Hoàng Sầm
Chủ tịch Hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam