Vào những năm 1980, dưới chể độ bao cấp, đời sống cán bộ công nhân viên trông chờ vào tiêu chuẩn tem phiếu Nhà nước quy định. Thu nhập gọi là tiền lương hàng tháng chỉ đủ mua những mặt hàng tem phiếu theo tiêu chuẩn của mỗi người, phần còn lại chỉ mua sắm thêm một vài nhu yếu phẩm tối thiểu như xà phòng, thuốc đánh răng, đồ dùng phụ nữ, trẻ em.
Thấm thía trong điều kiện ấy, không may cho bản thân, con cái bị ốm đău bệnh tật. Tôi nhớ như in hình ảnh thằng con trai thứ hai của tôi, năm 1980 nó được 24 tháng tuổi, mỗi ngày tôi đưa cháu đến nhà trẻ, cứ gần đến cổng nhà trẻ là cháu lại khóc thét lên và toàn thân sởn gai cóc.
Tôi cố tìm nguyên nhân, thực ra không khó hiểu: Nhà trẻ lợp ngói piroximăng, nhà và trần nhà thấp làm bằng cót ép, nền láng vữa xi măng dội nước cho tăng độ ẩm, bốn đến sáu cháu một cũi, phía trên là quạt trần xả hơi nóng từ mái nhà xuống, tôi bước vào cảm thấy như bị say nắng, vậy trẻ nhỏ làm sao không sởn gai cóc. Nhìn cả số trẻ gần trăm cháu có vẻ toàn suy dinh dưỡng, nét mặt xanh sao, mũi dãi nhệch nhạc.
Điển hình là thằng con trai thứ hai của tôi, cháu mắc thêm chứng bệnh từ lúc một tuổi, theo y tá cơ quan gọi là hen phế quản. cc. Mỗi khi như vậy lập tức chị Y tá cơ quan tiêm cho một ống thuốc ephedrin vào huyệt phổi một hai phút sau mới thở được.
Mặc dù khó khăn nhưng vì cháu bệnh tật nên gia đình cũng phải nhờ vả mua bằng được loại thuốc trên, nhưng là thuốc viên để dự trữ. Khi nào thấy cháu bị biểu hiện hen khò khử là cho nó uống luôn, tuy vậy vẫn nhiều lần phải mời Y tá cơ quan đến tiêm huyệt phổi mới thở được. Quả là nan giải chồng lên nan giải, kinh tế khó khăn, bệnh của cháu theo Y tế cơ quan thì thuộc loại bệnh nan y. Nhiều lúc vợ chồng tôi thấy bi quan, chảy nước mắt mà thương chứ không thể làm gì thêm được nữa.
Căn bệnh đeo đẳng thằng bé mãi đến năm 8 tuổi vẫn không có dấu hiệu đỡ. Hôm trên đường đi công tác, trời nắng dừng chân nghỉ dưới bóng cây tình cờ tôi gặp bà cụ mặc quần áo người dân tộc cũng đang ngồi nghỉ tránh nắng, bà mang theo một túi khoác trên lưng toàn là các loại cây và củ gì đó. Tôi tò mò hỏi cụ mang những thứ này để làm gì đấy, bà cụ bảo thuốc chữa bệnh đấy cháu ạ. Tôi nghĩ là mình gặp may rồi, liền hỏi thế cụ có thuốc chữa cái bệnh mà trẻ con nó ho hen rồi không thở được tím tái cả mặt mũi không. Bà cụ không nói gì, tôi nài nỉ cụ xem giúp cháu đi thằng con cháu nó cứ mấy hôm lại bị như thế, không biết có sống được không.
Một lát sau Bà cụ nói bệnh thì Bá chữa được đấy, nhưng đây toàn là thuốc đau xương đau cốt thôi. Bá cho bài thuốc này về cháu làm cho nó uống là khỏi ngay mà. Nhanh tay tôi lấy sổ và bút ghi luôn: “ Lấy quả chanh loại to ăn được rồi, vót tăm nhọn châm như ta châm bì lợn để quay khắp xung quanh quả chanh, ngâm vào nước vôi trong đặc hơn nước vôi cho vào bánh đúc khoảng 30 phút, lấy lá chuối bánh tẻ gói 6 đến 7 lượt, dùng đất sét nhào dẻo bọc xung quanh như quả bưởi to, cho vào bếp nướng khoảng 60 phút đến khi bọc đất khô đều, lấy ra để nguội đập vỡ, bóc lá lấy quả chanh vắt kiệt chỉ bỏ vỏ mỏng bên ngoài, nhớ lấy cả hạt và múi chanh vì nó đã chín nát. Sau đem trộn thêm tý mật ong cho đỡ đắng cho nó uống trong ngày, cháu cứ làm cho nó uống ba bảy hai mốt ngày, không phải tìm Bá nữa đâu”.
Hôm sau về đến nhà, thằng bé cũng đang bắt đầu khò khứ, tôi làm ngay, quả là đắng lắm nhưng cháu vì khó thở nên vẫn cứ ăn ngon, hôm sau cháu đi học bình thường, duy trì liên tục hai mươi ngày với hai mươi quả chanh- vì chỉ mua được như vậy chứ không được hai mốt ngày như Bà cụ bảo. Thật là thần dược từ đó trở đi thằng bé không bị khò khứ lần nào nữa, năm nay nó đã hơn ba mươi tuổi rồi, khỏe mạnh không còn biểu hiện bị hen gì.
Như vậy mới thấy quả chanh không chỉ làm gia vị trong mỗi bữa ăn, làm nước giải khát bổ dưỡng hàng ngày mà nó còn là một bài thuốc quý trong cuộc sống.
Kỹ sư Đặng Huy Thành
Doctor SAMAN