Tư duy là một phạm trù triết học, nó là lĩnh vực rộng và có tính bao quát rất cao

Tư duy là một phạm trù triết học, nó là lĩnh vực rộng và có tính bao quát rất cao, liên quan đến đối tượng là con người

Lòng người từ xưa đến nay người ta bảo không thể “dò” được, không thể đo đếm được. Nhưng tư duy liệu có đo đếm được không? Tư duy là gì? Muốn có tư duy tốt phải làm gì? Mối liên quan giữa chất lượng tư duy và tâm – đức, muốn trở thành người có ích phải làm thế nào ???... Bài này chúng tôi muốn trao đổi với các bạn xung quanh các câu hỏi đó.

Tư duy là một phạm trù triết học, nó là lĩnh vực rộng và có tính bao quát rất cao, liên quan đến đối tượng là con người. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng tư duy là một trong các đặc tính vật chất phát triển đến trình độ tổ chức cao; Theo Bách khoa thư Việt Nam (2005) "Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt là bộ não con người".

Tâm lý học cho rằng: Tư duy được hình thành trên cơ sở quá trình tri giác, tư duy đi sâu phản ánh những thuộc tính bản chất bên trong, những mối liên hệ có tính quy luật của sự vật trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Do vậy, tư duy là quá trình nhận thức cao hơn tri giác. Tư duy có khả năng phản ánh gián tiếp, khái quát các thuộc tính, các mối liên hệ bản chất của sự vật và hiện tượng. (Ví dụ: Tri giác cho ta biết Mặt trời mọc hướng Đông và lặn ở hướng Tây, tư duy cho ta nhận biết được Trái đất quay xung quanh Mặt trời).

Về y học, theo Tâm thần học, tư duy mặc dù ta không thể nhìn và sờ thấy, nhưng ta có thể biết và đánh giá được nó thông qua lời nói và chữ viết, khi xem xét về một người có tư duy bình thường hay bị rối loạn người ta nghiên cứu chủ yếu lời nói và chữ viết của người đó... Ví dụ: khi rối loạn tư duy có thể biểu hiện ra bên ngoài là chứng hoang tưởng là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.

Từ xưa đến nay, nhà nước phong kiến, nhà nước tư bản, nhà nước xã hội chủ nghĩa... đều lấy thi cử để chọn người tài giỏi để giúp họ cai quản đất nước. Những đề thi để đánh giá chất lượng tư duy đều ra dưới dạng viết (chữ viết) hoặc vấn đáp (lời nói). Muốn có kiến thức để thi, điều hiển nhiên là người đó phải học, phải “dùi mài kinh sử”, phải trải qua vô vàn khó khăn gian khổ.

Tư duy có chất lượng tốt hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:  gen di truyền (mà ta vẫn quen gọi là dòng giống, như có dòng giống thông minh, dòng giống bình thường, dòng giống không được thông minh lắm...), tuổi tác (tuổi trẻ, tuổi trưởng thành, trung niên, cao tuổi...) có quan điểm cho rằng người trẻ tư duy tốt nếu họ được hội tụ đủ các điều kiện (học giỏi, rèn luyện từ nhỏ...), có người nói người già có thể tư duy vẫn có chất lượng nếu quá trình lão hóa của các tế bào thần kinh não bộ chưa đến mức trầm trọng, nó còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, có bệnh hay không bệnh tật (người khỏe mạnh tất nhiên tư duy sẽ tốt hơn người có bệnh...), chế độ dinh dưỡng (ăn uống có đủ lượng và chất hay không?), sự học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức v.v của từng người.

Tư duy của một người muốn có được chất lượng người đó cần phải học tập. Tầm quan trọng của việc học thì cổ nhân đã nói rồi: "Nhân vô học bất bất tri lý", nghĩa là đạo làm người không học không biết lý lẽ. Còn ngày nay, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) khi nói về mục tiêu việc học đã viết : "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình", mà hiện nay ở các nhà trường của nước ta thường đưa thành khẩu hiệu, thường đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong trường cùng các khẩu hiệu khác như "Tiên học lễ, hậu học văn", hoặc "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", đều là lời của các danh nhân người Việt Nam nhắn nhủ cho hậu thế.

Suy cho cùng chỉ có học mới có được tri thức. Học ở đây có thể là học từ thực tế, học từ bạn bè, học từ cuộc sống và lao động hàng ngày, tự học, học trong sách vở... chứ không nhất thiết cứ phải học ở nhà trường. Phải có học mới có kiến thức, kiến thức bao gồm cả kiến thức sách vở (lý thuyết) và thực hành, người có kiến thức và được trải qua kinh nghiệm thực tế mới có tầm nhìn xa trông rộng; mới trở nên người tài giỏi. Thực tế, có những người giỏi lý thuyết nhưng không giỏi thực hành, thực tế ít kinh nghiệm nên khi làm việc hiệu quả công việc sẽ không cao, những người như vậy không thể xếp vào có tài được.

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", để nói lên một điều rất quan trọng của chữ tâm

Khi người nào đó đã trở thành người tài giỏi nhưng cũng chưa đủ để giúp ích cho đời (cho xã hội). Khi bàn về tư duy cũng cần phải nói một điều quan trọng nữa, tư duy có chất lượng phải đi liền với cái tâm tốt, có như thế mới giúp ích được cho "nhân quần", nếu chỉ là người tài giỏi mà không có cái tâm, cái đức thiện thì chưa đủ để trở thành "hiền tài" được. Tư duy tốt, có chất lượng còn liên quan rất nhiều đến cái tâm và cái đức, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", để nói lên một điều rất quan trọng của chữ tâm. Chữ tâm thể hiện đó là tấm lòng, lương tâm của con người, chữ tâm là biểu tượng của tâm tốt đẹp, lương thiện, tâm thiện thì tốt cho xã hội, và ngược lại cái tâm ác ngược với tâm lương thiện sẽ không có ích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy rằng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy rằng: "Có tài mà không có đức là vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó"

Còn bàn về đức, đức chính là đạo đức của con người, người xưa cũng nói: "Tiên tích đức, hậu tầm long" nghĩa là trước phải có đức, phải tu nhân tích đức trước, sau mới tìm sự giàu sang (tầm long nghĩa là tìm long mạch tốt để tạo sự giàu sang, phú quý). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy rằng: "Có tài mà không có đức là vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó" (người vô dụng ở đây là người không có ích cho dân, cho nước). Nhưng đức không phải như cái gì là biệt lập, mà nó ở trong sự thống nhất, chặt chẽ, không tách rời khỏi tri thức, tài năng. Nên ta nói tài đức là như vậy.

Thực tế cho ta thấy người có tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa nổi trội thì người đó nghĩ gì, ăn gì, nói gì, làm gì... đều lấy lợi ích bản thân là căn bản, họ chỉ sống vì mình, họ chọn miếng ăn ngon để ăn, chọn việc nhàn hạ nhưng nhiều tiền để làm, đẩy việc khó khăn nguy hiểm cho người khác v.v, với muôn hình vạn trạng không thể kể hết được, tiến xa hơn họ còn có thể có hành vi ăn cắp, ăn trộm, tham ô, tham nhũng, giết người cướp tài sản, buôn bán ma túy... những người như thế là người tâm ác, bất lương, không có lợi cho cộng đồng, bị xã hội phê phán, pháp luật trừng trị, rất may cho xã hội là số lượng đó không có nhiều. Ngược lại tâm ác là tâm thiện, tâm thiện là những người sống có đạo đức, sống vì mọi người, "đau trước cái đau của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ", sống "vì mọi người", những người có tâm tốt như vậy thì chắc chắn là "thiên hạ được nhờ", họ còn của quý cho người thân và gia đình họ.

Tâm - Đức - Tài muốn trọn vẹn suy cho cùng cũng phải có quá trình rèn luyện, học tập, tu dưỡng... không ngừng mới có, vì vậy mỗi người cần "học, học nữa, học mãi" như Lê Nin đã nói, ngay từ khi chúng ta còn nhỏ và kéo dài suốt cả đời.

TS.BS cao cấp Ngô Quang Trúc

Tài liệu tham khảo

Trường Giang, Chất lượng tư duy không phụ thuộc tuổi tác, Sức khỏe và đời sống 4/2005.

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/09.2020\/tu-duy.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/09.2020\/tu-duy.png","subHtml":"T\u01b0 duy l\u00e0 m\u1ed9t ph\u1ea1m tr\u00f9 tri\u1ebft h\u1ecdc, n\u00f3 l\u00e0 l\u0129nh v\u1ef1c r\u1ed9ng v\u00e0 c\u00f3 t\u00ednh bao qu\u00e1t r\u1ea5t cao"},{"src":"\/resources\/upload\/images\/09.2020\/chu-tam.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/09.2020\/chu-tam.jpg","subHtml":"Truy\u1ec7n Ki\u1ec1u c\u1ee7a Nguy\u1ec5n Du c\u00f3 c\u00e2u: "},{"src":"\/resources\/upload\/images\/09.2020\/chu-duc.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/09.2020\/chu-duc.jpg","subHtml":"Ch\u1ee7 t\u1ecbch H\u1ed3 Ch\u00ed Minh c\u0169ng d\u1ea1y r\u1eb1ng: "}]