Ngộ độc hải sản nói chung và cá biển nói riêng thường xuyên xảy ra tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhân dân các tỉnh ven biển và thành phố lớn ăn nhiều hải sản, đặc biệt hải sản tươi sống có khả năng gây ngộ độc cao. Nhưng ở các địa phương miền núi, xa biển, vẫn có thể bị ngộ độc do ăn cá biển mang độc tố.

Nguyên nhân phổ biến nhất của cá biển mang độc tố là do độc tố từ môi trường bên ngoài nhiễm vào cơ thể của cá. Theo Tiến sĩ Đào Việt Hà (Viện Hải dương học tại TP Nha Trang, Khánh Hòa), độc tính này gây ra bởi nhóm độc tố ciguatoxin (CTX) có tính bền nhiệt, không bị phá hủy trong quá trình chế biến. CTXs được xác định có nguồn gốc từ một số loài vi tảo, thường sống bám trên các loài tảo lớn hay rong biển ở khu vực rạn san hô. Các loài cá ăn thực vật có thể bị tích lũy độc tố này khi ăn các loài rong tảo nói trên. Các loài cá hoặc sinh vật khác trong chuỗi thức ăn biển sẽ tiếp tục tích lũy độc tố khi ăn những loài cá đã tích lũy độc tố CTXs. Cứ như vậy, độc tố này sẽ tích lũy lên thang bậc cao hơn của chuỗi thức ăn biển. Cá càng có kích cỡ lớn, tập tính ăn động vật sẽ có nguy cơ tích lũy hàm lượng độc tố càng cao, càng nguy hiểm. Cá hồng (Red Snapper) thường sống xung quanh khu vực các rạn san hô nên có nguy cơ cao bị tích lũy độc tố CTXs. Ngoài ra, nhiều loài động vật biển khác như cá mú, cá ngừ, chình biển... cũng không loại trừ khả năng bị nhiễm độc tố tự nhiên này [1]. Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay môi trường biển càng bị ô nhiễm nhiều thì các sinh vật biển nói chung cũng như cá biển nói riêng có tính độc càng cao [2]. Hiện nay rất khó cảnh báo, dự đoán được loài cá nào, thời điểm nào tích lũy độc tố gây ngộ độc cho con người. Mặt khác, rất khó xác định nguồn gốc các loài cá trên đại dương do tập tính bơi, di chuyển xa và rộng của chúng. Vì vậy, chúng ta cần rất thận trọng với những loài cá có nguồn gốc từ vùng rạn san hô này.

Nguyên nhân thứ hai là cá biển có sẵn độc tố trong cơ thể, do cơ thể sản xuất ra, không phải do tích lũy từ thức ăn bên ngoài. Chất độc có thể ở gai bảo vệ, các gai nhọn, sắc ở vây lưng, vây bụng, ngực và mang, ví dụ như cá Mó còn gọi là cá Chép hoa Trung Quốc, trên vây lưng có 12 chiếc gai. Chất độc có thể ở bộ phận sinh dục như cá nóc báo, các nóc nhím, cá bẹ, cá trích, cá chình, cá mòi đường. Chất độc ở trứng cá nóc, cá nhám rất bền vững với nhiệt độ và các hóa chất. Các chất độc của trứng lại có khả năng lưu thông trong máu cá, vì vậy huyết thanh của máu cá cũng rất độc [2].

Nguyên nhân thứ ba là cá biển không còn tươi, sống. Bản thân cá không có độc tố nhưng do để quá lâu, cá chết và các vi khuẩn thâm nhập gây độc tố. Ví dụ, cá Ngừ gây ngộ độc là do người tiêu dùng mua phải cá bị ươn, bắt đầu hư hỏng. Một số vi khuẩn sản sinh ra men Decarboxylase chuyển hóa Histidine thành Histamine trong thịt cá, thường tồn tại ở mang, ruột cá nước mặn và không gây hại cho cá. Nhưng khi cá chết, hàng rào bảo vệ của cá không thể ức chế vi sinh vật được nữa và chúng sinh trưởng, nhân lên trong cơ thể cá, sản xuất ra men chuyển hóa tạo thành histamine gây cho người ăn bị ngộ độc. Một số loại cá khác cũng có thể gây ngộ độc do histamine như: Cá thu, cá xanh, cá cơm, cá mòi, cá trích... Đó là chưa kể người buôn, bán cá đã ướp tẩm hóa chất không được phép sử dụng trong bảo quản thực phẩm như urê, hàn the…gây ngộ độc [3].

  Hình 1. Ảnh chụp cá gây ngộ độc (do người bệnh cung cấp).

Năm 2019, tại TP. Hồ Chí Minh có trường hợp cả gia đình 8 người cùng ăn một con cá (Hình 1), do người nhà đánh bắt được ở vùng biển đảo Trường Sa và cả 8 người đều bị ngộ độc. Trong đó, 5 người nhập Bệnh viện Quận 2 và 3 người còn lại gồm (bố, mẹ, con nhỏ) vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế Tân Cảng.

Bệnh cảnh lâm sàng

11h ngày 17/2/2019 cả gia đình 8 người cùng ăn cá, sau khi ăn từ 3- 5h cả 8 người thấy xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau nhức các chi, không nôn, đau bụng âm ỉ, tiêu lỏng 3-5 lần. 7h00 sáng ngày hôm sau, xuất hiện triệu chứng tê vùng mặt. Cả gia đình được đưa đến cơ sở y tế.

Tại Trung tâm Y tế Tân Cảng

Cả 03 trường hợp tới Trung tâm sáng ngày 18/2/2019 với lý do: Đau đầu, đau nhức các chi, đau bụng, tiêu lỏng, tê vùng mặt. Lâm sàng: Tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không yếu liệt chi, không khó thở.

- Trường hợp 1: Người bệnh: Nam, 35 tuổi, nhân viên Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Mạch: 84 lần/phút, huyết áp: 123/68 mmHg, nhiệt độ: 37,0 da niêm hồng, bụng mềm không điểm đau khu trú. Cận lâm sàng: Công thức máu, bạch cầu 6,0 K/uL (Neu: 58,1%), hồng cầu 5,72 M/uL (Hb: 168 g/L, Hct: 49,6%), tiểu cầu 225 K/uL; creatinine: 101,7 Umol/L; SGOT: 27,6 U/L, SGPT: 29,6 U/L, GGT: 129,9 U/L; ECG: nhịp xoang đều 85 l/phút.

- Trường hợp 2: Người bệnh: Nữ, 33 tuổi, nhân viên Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Mạch: 82 l/phút, huyết áp: 98/55 mmHg, nhiệt độ: 37,5; da niêm hồng, bụng mềm không điểm đau khu trú. Cận lâm sàng: Công thức máu, bạch cầu 12.3 K/uL (Neu: 81,2%), hồng cầu 4,38 M/uL (Hb: 158 g/L, Hct: 37,9%), tiểu cầu 266 K/uL; creatinine: 71,6 Umol/L; SGOT: 22,7 U/L, SGPT: 13,8 U/L, GGT: 10,9 U/L; ECG: nhịp xoang đều 80 l/phút.

- Trường hợp 3: Người bệnh: Nữ, 08 tuổi (con): Mạch: 110 l/phút, huyết áp: 107/62 mmHg, nhiệt độ: 37,2; da niêm hồng, bụng mềm không điểm đau khu trú. Cận lâm sàng: Công thức máu bạch cầu 11,0 K/uL (Neu: 72%), hồng cầu 4,55 M/uL (Hb: 123 g/L, Hct: 36,4%), tiểu cầu 265 K/uL; creatinine: 56,6 Umol/L; SGOT: 32,6 U/L, SGPT: 15,3 U/L, GGT: 11 U/L; ECG: nhịp nhanh xoang 100 l/phút.

Điều trị: Truyền dịch Ringerlactas, Natriclorua; Tinidazol; Carbogast; Berberin; Smecta; đến 15h hết các triệu chứng đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, tê vùng mặt, còn đau nhẹ 2 chi dưới, ra viện lúc 16h ngày 18/2/2019.

Qua các đề cập trên và đặc biệt qua trường hợp ngộ độc của Gia đình 8 người, cần đưa ra một cảnh báo là rất cẩn thận khi ăn các loài cá biển. Muốn dự phòng các loại cá độc nói chung, người ăn cần:

1. Xác định rõ loại cá trước khi ăn, có nguồn gốc rõ rệt. Tuyệt đối không ăn các loại cá có tiếng là độc như cá nóc…

2. Không nên ăn các loại cá bị ươn, cần chế biến kỹ, không để nguyên con, cần cắt bỏ gan, ruột, mắt, óc, trứng và bộ phận sinh dục, gai… của cá.

3. Rất thận trọng với những loài cá có nguồn gốc từ vùng rạn san hô, như cá hồng, cá mú, cá ngừ, chình biển...Không ăn quá nhiều trong một khẩu phần ăn.

4. Những người có cơ địa dị ứng thuốc (kháng sinh), thức ăn (nhộng ong, tằm…) hoặc dị ứng hải sản thì không nên ăn các loại cá biển.

5. Khi có các dấu hiệu như tê lưỡi, tê môi, đau nhức cơ, đau bụng, buồn nôn, khó thở, nổi mẩn đỏ ngoài da…sau khi ăn cá biển. Xử trí: Nên kích thích nôn càng sớm càng tốt, như uống mùn thớt, móc họng gây nôn, ngoáy lông gà vịt vào họng gây nôn; sau gây nôn có thể uống các protease có trong thảo dược: nước lá dứa, nước mủ quả đu đủ xanh, nước củ gừng trắng (hecdychium conarorium), nước cốt tía tô và than hoạt hoặc hòa nước đất sét trắng (kaolin) ... đồng thời đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh tử vong đáng tiếc.

Doctor SAMAN
BS Cao Thị Lan - Bác sĩ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Tân Cảng Sài Gòn

PGS.TS Vũ Khắc Lương - Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1. Đào Việt Hà (2014) Nguy cơ ngộ độc từ một số loài cá rạn san hô, Tuổi trẻ điện tử, https://tuoitre.vn/nguy-co-ngo-doc-tu-mot-so-loai-ca-ran-san-ho-631954.htm, cập nhật 26-7-2019.

2.Wikipedia-Bách khoa toàn thư mở, Cá độc, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_%C4%91%E1%BB%99c, cập nhật 27-7-2019.

3. Nguyên Hà (2019) Vì sao cá ngừ dễ gây ngộ độc khi ăn?, Pháp luật điển tử, https://plo.vn/an-sach-song-khoe/vi-sao-ca-ngu-de-gay-ngo-doc-khi-an-843462.html, cập nhật 26-7-2019.

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/08.2019\/ngo%20doc%20ca(1).jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/08.2019\/ngo%20doc%20ca(1).jpg","subHtml":""}]