Thời gian năm 1972-1973 trong hoàn cảnh chiến tranh và bao cấp việc có thuốc đặc hiệu chữa bệnh như ngày nay là rất khó.
Do sinh hoạt ăn uống kham khổ bệnh kiết lỵ sảy ra rất nhiều trong trường đại học. Đã có câu vè rằng sinh viên và giáo viên đại học sư phạm “ăn như sư, ở như phạm”. Trong điều kiện khó khăn đó giáo sư Hóa hữu cơ Lưu Đức Sùng (Tu nghiệp ở Liên xô cũ- thày giáo của tôi) và cộng sự lấy rễ cây đơn châu chấu nghiên cứu thành phần hóa học, thấy tính khả thi cao ông bèn cho nghiên cứu bào chế chất chiết của rễ thành viên nén.
Thử nghiệm lâm sàng trong cộng đồng cho thấy hàng trăm trường hợp bị kiết lỵ cấp, mạn tính đã kháng thuốc vẫn được chữa khỏi bởi viên châu chấu. Rất tiếc ngày đó không có điều kiện nuôi cấy phân lập được là viên châu chấu có tác dụng với lỵ amip (Entamoeba histolytica) hay lỵ trực trùng.
Đơn châu chấu, Cuồng hay Đinh lăng gai – Aralia armata (Wall), Seem, thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae.
Đơn châu chấu là cây nhỏ, cao 1-2m, có thân mảnh, mang nhiều gai cong quắp. Cành mọc loà xoà. Lá lớn, kép lông chim, nhẵn hai mặt, nhưng trên gân có những gai nhỏ như sợi tơ; cuống lá có bẹ. Hoa nhỏ, màu lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen. Cây mọc hoang trên các nương rẫy hay ven rừng chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên…
Ngoài được dùng làm rau ăn (người dân ở vùng núi thường lấy lá non, chồi non về luộc hay xào ăn như các loại rau khác) đơn châu chấu còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Chuyên gia hóa thực vật Hứa Văn Thao
Bộ phận dùng được làm thuốc là rễ đơn châu chấu, phơi hay sấy khô. Theo Đông y rễ đơn châu chấu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khư phong trừ thấp. Dùng để chữa viêm amiđan, viêm khớp, vú sưng đau…
Về thành phần hoá học có tài liệu cho là: Trong lá có protid , glucid , caroten , vitamin C , Rễ chứa saponin triterpen.
Theo một số tài liệu: Vỏ rễ, rễ thường dùng chữa các chứng viêm như viêm gan cấp, viêm họng, viêm amygdal, viêm bạch hầu, viêm khớp, viêm thận phù thũng, viêm sưng vú, chữa phong thấp tê bại, dao chém thương tích, sốt rét cơn và rắn cắn. Lõi thân dùng làm thuốc bổ. Lá dùng đắp mụn nhọt. Nhựa của nõn non dùng chấm làm tan chắp leo ở mắt. Quả sao khô, tán bột thổi vào mũi chống ngạt mũi.
Hứa Văn Thao
Phó Viện trưởng Viện Y học bản địa Việt Nam
Doctor SAMAN