PHẦN 3. VIẾT ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ MỤC TIÊU CHO ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Xem phần 1: CHỌN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Xem phần 2: VIẾT TÊN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Y HỌC

1. Viết đặt vấn đề.

Sau khi có tên đề tài NCKH rồi thì giờ đây người viết hay nghiên cứu viên (NCV) viết tiếp phần đặt vấn đề (ĐVĐ)  hay mở đề (từ tiếng Anh hay dùng là introduction/ reasonable). Để có phần ĐVĐ hay và mang tính khoa học thì không hề dễ dàng. Phần này viết sao cho người đọc bị cuốn hút, tiến tới muốn đọc hết toàn bộ đề tài nghiên cứu, vì vậy đòi hỏi một nghệ thuật viết rất độc đáo.

Độ dài của phần ĐVĐ cũng không có quy định cụ thể, thông thường từ 1,5 trang đến 2 trang, không nên quá 2,5 trang (khổ giấy A4, cách dòng 1,5). Đối với các bài báo khoa học thì phần này chỉ dưới một trang. Tuy ngắn như vậy nhưng phần ĐVĐ lại chuyển tải một lượng thông tin rất lớn, rất quan trọng, đòi hỏi nghệ thuật viết cao.

1.1 Tiêu chí chung cho viết phần đặt vấn đề.

1.1.1. Nêu rõ cơ sở nghiên cứu của đề tài, có hai cơ sở là lý luận và thực tiễn. Nếu đề tài có đủ cả hai cơ sở nghiên cứu thì tính ưu tiên cho nghiên cứu cao, lý do nghiên cứu là rất xác đáng.

a. Cơ sở nghiên cứu về lý luận: Thông thường xuất phát từ đường lối chính sách của Nhà nước, ngành Y tế hay của của địa phương. Chú ý rằng, theo Nghị quyết 46 và Nghị quyết 20, thì định hướng cho ngành Y tế Việt Nam- và cũng là ưu tiên, trong các năm tới (đến năm 2010 và xa hơn là 2015), là:

+ Đảm bảo công bằng (Ưu tiên người nghèo và người bị thiệt thòi; đảm bảo y đức; luật pháp hóa chăm sóc sức khỏe…);

+ Đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe,

+ Chăm sóc toàn diện (Kết hợp phòng và chữa bệnh; phát triển y tế phổ cập; kết hợp đông và tây y…);

+ Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế gắn với việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân (Tự chủ; xã hội hóa công tác Y tế…)

+ Kết hợp hài hòa giữa phát triển y tế công lập với y tế ngoài công lập;

+ Đảm bảo và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe;

+ Tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế…[4, 5].

Ví dụ, năm 1999, Bảo Hiểm Y tế Việt Nam phối hợp với Sở Y tế Hà Nội thực hiện nghiên cứu “Khám chữa bệnh ngoại trú bảo hiểm y tế tại bệnh viện huyện và thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã ở Hà Nội”. Tác giả có đề cập tới hai cơ sở cho nghiên cứu: a) Cơ sở lý luận: Chủ trương đẩy mạnh khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của Chính phủ và chính sách về nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân Thủ đô của Đảng bộ Thành phố Hà Nội; b) Cơ sở thực tiễn: KCB ngoại trú tại bệnh viện huyện ở Hà Nội luôn quá tải, toàn bộ người bệnh có thẻ bảo BHYT KCB ban đầu tại bệnh viện huyện. Ngược lại tại tuyến xã, đều có bác sĩ, lại rất ít người bệnh tới khám và chưa triển khai cho người bệnh có thẻ BHYT về khám ban đầu tại đây [1]. Với hai cơ sở nghiên cứu như vậy (cả lý luận và thực tiễn), việc tiến hành nghiên cứu là rất ưu tiên và xác đáng.

Cũng có thể xuất phát từ lý luận của y học cổ truyền cho rằng khi cơ thể bị bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn, khi bị bệnh hàn thì dùng thuốc nhiệt [7], vì vậy, khi cơ thể bị sốt (tức bệnh nhiệt) chẳng hạn thì NCV cần hướng nghiên cứu của mình vào tìm các phương pháp hay vị thuốc có tính mát, lạnh…để phục vụ điều trị bệnh này. Một ví dụ khác, theo lý luận của y học cổ truyền, tình trạng huyết ứ (là biểu hiện chính của người bị bệnh thoát vị đĩa đệm và là cơ chế chính gây nên đau đớn, hạn chế vận động và co cơ trên lâm sàng), tác giả đã định hướng nghiên cứu của mình đi tìm thuốc hành khí, hoạt huyết, khử ứ, thông lạc, thông tý chỉ thống, để điều trị hội chứng thắt lưng hông trong thoát vị đĩa điệm. Rõ ràng, nhờ có lý luận của y học cỏ truyền soi sáng mà nghiên cứu viên đã quyết định tiến thành đề tài  Nghiên cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lương hông do thoát vị đĩa đệm [8].

b. Cơ sở về thực tiễn cho nghiên cứu đề tài, thông thường chia 2 loại:

+ Loại thứ nhất hay lý do thứ nhất: Có thể là đề tài chưa được nghiên cứu ở bất kì nơi nào, hoặc đã nghiên cứu rồi nhưng còn nhiều điểm bỏ ngỏ hay chưa rõ [3]. Nếu là đề tài ứng dụng kĩ thuật thì nêu rõ kĩ thuật đó chưa được áp dụng tại địa phương nghiên cứu, nơi có tính đặc thù về xã hội, y tế, sức khỏe…Tức nhấn mạnh tới tính mới của đề tài.

+ Lý do thứ hai, vấn đề trong đề tài còn nổi cộm (ưu tiên) tại địa phương hay cơ sở y tế, tức tỉ lệ âm tính cao, đòi hỏi giải quyết sớm. Ví dụ, năm 2017, tác giả Nguyễn Thị Hải Hà nhận thấy mấy năm qua, số sản phụ chọn Nhà Hộ sinh A (ở Thành phố Hà Nội) để thực hiện sinh đẻ rất ít (có tháng chỉ có 1 sản phụ), các dịch vụ khác cũng thưa thớt, ý kiến của một số lãnh đạo ngành Y tế Hà Nội là nên giải thể nhà hộ sinh trên phạm vi toàn Thành phố. Tác giả lấy lý do (thực trạng đó) để tiến hành đề tài nghiên cứu “Tổ chức, nguồn lực, hoạt động của Nhà hộ sinh A quận Hoàn Kiếm, Hà Nội giai đoạn 2011 - 2016 và nguyện vọng của khách hàng”. Qua nghiên cứu, tác giả đã phát hiện nhiều bất cập về tổ chức, nguồn lực, hoạt động của Nhà Hộ sinh A cũng như các nguyện vọng mới của khách hàng, từ đó nêu ra những kiến nghị phù hợp để duy trì và phát triển Nhà hộ sinh A [6].

+ Các lý do khác: Do cấp trên giao hay do bên đối tác giao trong các hợp đồng/hợp tác về NCKH.

Nếu ĐVĐ mà nêu được đủ các lý do lớn trên thì cho thấy tính “ưu tiên” của đề tài nghiên cứu cao, lý do nghiên cứu là rất xác đáng. Lưu ý rằng, tất cả các lý do đưa ra đều phải có bằng chứng minh họa. Người viết cần chọn lọc những thông tin, số liệu điển hình làm bằng chứng minh họa cho các lý do nghiên cứu trên.

1.1.2. Nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghiên cứu trong ĐVĐ: Hay nói cách khác, cần nêu rõ các lợi ích mà nghiên cứu mang lại: Cho đơn vị làm nghiên cứu, cho cộng đồng- nơi thực hiện nghiên cứu, cho các bên liên quan khác [2, 3]. Ví dụ, trong Nghiên cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lương hông do thoát vị đĩa đệm, tác giả đã chỉ rõ ý nghĩa của nghiên cứu là xác định rõ được tính an toàn, khả năng giảm viêm, chống đau của bài thuốc trên thực nghiệm. Kết hợp sử dụng bài thuốc này với điện châm và kéo dãn cột sống mang lại hiệu quả điều trị bệnh. Đề tài còn mang tính ứng dụng cao, thúc đẩy việc sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, tạo cầu nối giữa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và sử dụng thuốc trên lâm sàng…[8].

1.1.3. Nêu rõ các giả thuyết nghiên cứu dưới dạng các câu hỏi nghiên cứu trong ĐVĐ: Đây là một mục rất quan trọng trong viết ĐVĐ cho đề tài NCKH. Như các phần trước, chúng ta đã biết, tên của để tài mới chỉ đề cập đến vấn đề nghiên cứu thôi - có tính chất rất khái quát và chung chung, hoàn toàn chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Trong vấn đề nghiên cứu có nhiều nội dung khác nhau và giờ đây phải làm rõ nội dung nào cần nghiên cứu. Dựa vào phần dẫn dắt trên đây của ĐVĐ (lý do nghiên cứu, ý nghĩa, tác dụng, các bằng chứng…) sẽ giúp làm rõ dần các nội dung nghiên cứu này, và đó chính là giả thuyết nghiên cứu. Ví dụ, trong Nghiên cứu cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lương hông do thoát vị đĩa đệm [8], ta có thể đưa ra các giả thuyết sau:

- Bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” an toàn cho người bệnh bị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm.

- Bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” giảm đau và viêm cho người bệnh bị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm.

- Bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” kết hợp với điện châm và kéo dãn cột sống dùng điều trị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm là có hiệu quả.

Dựa vào các giả thuyết trên ta có thể đưa ra các câu hỏi nghiên cứu sau:

- Bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” có an toàn cho người bệnh bị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm không? Có tác dụng phụ gì? Mức độ nào?

- Bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” có giảm đau và chống viêm cho người bệnh bị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm không? Mức độ nào?

- Bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” kết hợp với điện châm và kéo dãn cột sống dùng điều trị hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm có hiệu quả không? Mức độ nào?

Dựa vào các câu hỏi nghiên cứu trên, đương nhiên giúp ta dễ dàng xác định mục tiêu của nghiên cứu sau này. Luôn chú ý rằng tính khả thi của nghiên cứu là rất quan trọng, nên sau khi hình thành giả thuyết, nêu câu hỏi nghiên cứu, nhất là viết xong mục tiêu thì phải xem lại tính khả thi của chúng. Nếu nội dung nghiên cứu nào/ mục tiêu nào không có tính khả thi phải được loại ra.

2. Viết mục tiêu trong nghiên cứu khoa học.

Mục tiêu nghiên cứu  (MTNC) đơn giản là việc trả lời câu hỏi: Bạn đang làm cái gì, bạn tìm hiểu về cái gì, nghiên cứu giúp giải quyết điều gì. MTNC vô cùng quan trọng vì việc đưa ra và nắm rõ MTNC sẽ giúp NCV không bị mơ hồ về cái mà mình đang làm, để từ đó có các dẫn dắt định hướng cho hoàn thành mục tiêu đó. Khi có được mục tiêu rõ ràng sẽ định hướng cho các bước sau: Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu phù hợp cho đề tài [9]. Các phần khác của nghiên cứu như: Tổng quan, kết quả nghiên cứu, bàn luận và kết luận đều phải đi theo các MTNC đặt ra. MTNC còn giúp cho chủ đề nghiên cứu được tập trung và tránh việc thu thập các thông tin không cần thiết.

Bất kì một nghiên cứu nào cũng dựa vào một cơ sở vững chắc là những điều đã biết rồi, nó không phải là bản sao chép lại cái đã biết, nhưng những điều đã biết là rất quan trọng và được sử dụng vào phát triển một đề tài nghiên cứu mới thông qua việc trả lời các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra- mà các câu hỏi này thường dựa trên các lý do nghiên cứu có tính lô-gic và được biểu diễn dưới dạng các giả thuyết nghiên cứu (hypothesis). Chúng ta có giả thuyết tốt, thì sẽ có câu hỏi nghiên cứu tốt và từ đây, có mục tiêu và nội dung nghiên cứu tốt [3]. Đó là tính chất lô-gic tất yếu của đề tài NCKH.

Một số lưu ý có tính chất nguyên tắc khi viết mục tiêu cho đề tài NCKH như sau:  

+ Mở đầu bằng động từ, tránh dùng động từ có tính chất mơ hồ, không rõ ràng như: Nhận biết, tìm hiểu, nghiên cứu... Với nghiên cứu cứu mô tả ngang thường hay dùng các động từ như: Mô tả, phân tích, xác định, đánh giá, thăm dò, so sánh…Với các nghiên cứu hồi cứu hay thuần tập tương lai thì hay dùng các động từ: Đánh giá, phân tích, so sánh…

+ MTNC phải lô-gic với tên đề tài NCKH, mỗi MTNC phải thể hiện được một ý/nội dung của tên đề tài. Tất cả các mục tiêu phải là bao quát tất cả các nội dung của tên đề tài.

+ MTNC phải giải đáp được các câu hỏi nghiên cứu viết trong phần ĐVĐ, nói cách khác phải góp phần lý giải cho các giả thuyết nghiên cứu đã nêu trên đây. Nếu đưa giả thuyết không phù hợp, đương nhiên sẽ nêu câu hỏi nghiên cứu không tương thích và vì vậy viết mục tiêu sẽ không lô-gic. Chúng ta quay lại với Luận án tiến sĩ Y học Nghiên cứu cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lương hông do thoát vị đĩa đệm. Trên đây đã cho thấy các giả thuyết và các câu hỏi nghiên cứu của nghiên cứu này, và từ đó tác giả luận án đã xây dựng hai mục tiêu nghiên cứu sau:

* “Xác định tính an toàn và chống viêm, giảm đau của bài thuốc thân thống trục ứ thang trên thực nghiệm.

* Đánh giá hiệu quả của bài thuốc thân thống trục ứ thang kết hợp điện châm và kéo dãn cột sống trên bệnh nhân có hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm” [8].

Nói về tính khoa học thì ta thấy hai MTNC trên đây hoàn toàn lô-gic với tên đề tài, chi tiết hóa dần các nội dung nghiên cứu, phù hợp với giả thuyết đã nêu và giải đáp được cho các câu hỏi nghiên cứu. Nếu có góp ý sửa chữa thì: a) Bỏ cụm từ “bệnh nhân”, thay vào đó là cụm từ “người bệnh” và bỏ hẳn tên bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” ở mục tiêu hai, thay vào đó là cụm từ “trên đây”.

+ Nhiều MTNC cần phải rõ về không gian: Nếu đặc tính nghiên cứu mà thay đổi theo không gian thì MTNC bắt buộc phải đề cập đến nơi hay địa phương cụ thể mà đề tài được tiến hành. Giả dụ, nghiên cứu tìm dược chất trong cây dong riềng đỏ chữa bệnh mạch vành của Viện Y học Bản địa Việt Nam [10], nếu dược chất đó chỉ có ở cây dong giềng đỏ mọc tại Miền Bắc Việt Nam chẳng hạn thì mốc không gian nhất thiết phải được đề cập trong MTNC.

+ Một số tác giả cho rằng MTNC phải đảm bảo 5 tính chất: S.M.A.R.T như sau [11]:

* S (Specific): MTNC phải viết cụ thể, rõ ràng, có tính logic với tên đề tài và nội dung nghiên cứu. Mục tiêu phải được bắt đầu bằng một động từ, như trên đã trình bày, theo sau là tân ngữ (đối tượng là ai, cái gì) và trạng ngữ (thời gian, địa điểm) được viết gọn gàng, súc tích thể hiện được tính đặc thù của nghiên cứu. 

* M (Measurable): MTNC phải thể hiện đo lường, ước lượng được thông qua những chỉ số đo lường được.

* A (Achievable): MTNC phải có tính khả thi. NCV phải xây dựng mục tiêu có tính khả thi dựa trên nguồn lực thực tế như kinh phí, nhân lực, phương tiện kỹ thuật, thời gian…Lỗi xây dựng mục tiêu quá hẹp, không cụ thể hóa được tên đề tài, không bao phủ được hết các nội dung nghiên cứu hay mục tiêu quá tham vọng trong khi nội dung và kết quả nghiên cứu chỉ có giới hạn hay đặt mục tiêu quá lớn so với nguồn lực và khả năng thực tế là những lỗi cần phải tránh.

* R (Reasonable): MTNC phải hợp lý và hợp pháp. Mục tiêu chỉ được đặt ra trong phạm vi đề tài nghiên cứu. Mục tiêu cũng có cơ sở pháp lý đó là phải theo các quy chế chuyên môn đã quy định, đúng thẩm quyền chuyên môn hoặc đúng phân tuyến kỹ thuật. Bên cạnh đó, đạo đức trong nghiên cứu cũng là một tiêu chí cần phải chú ý. Có rất nhiều tiêu chí để thẩm định tính hợp lý của một đề tài nghiên cứu, song tiêu chí về đạo đức thì không được phép sai phạm, dù chỉ là  rất nhỏ.

* T (Timely): MTNC nên có phạm vi thời gian, ví dụ, nghiên cứu “Mô tả điểm đau của người bệnh mổ chi dưới sau phẫu thuật 3 ngày” thì không thể thiếu mốc thời gian. Đối với nghiên cứu cộng đồng cũng vậy, mốc thời gian gần như bắt buộc cho mục tiêu, ví dụ, MTNC: Mô tả thực trạng tình hình ô nhiễm nước tại xã M, năm 2019. Sở dĩ các mục tiêu trên cần mốc thời gian vì đặc tính nghiên cứu luôn thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu không cần mốc thời gian. Đối với nghiên cứu lâm sàng chẳng hạn, không nhất thiết lúc nào cũng cần phải ghi thời gian rõ ràng. Với các nghiên cứu về thuốc cũng vậy, ví dụ, nghiên cứu tìm dược chất trong cây dong riềng đỏ chữa bệnh mạch vành của Viện Y học Bản địa Việt Nam [10] thì không cần mốc thời gian vì dược chất này không thay đổi theo thời gian.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Tiến, Lê Anh Tuấn, Vũ Khắc Lương và cs (2003) Khám chữa bệnh ngoại trú bảo hiểm y tế tại bệnh viện huyện và thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã ở Hà Nội, Bảo hiểm Y tế Việt Nam, Sở Y tế Hà Nội, TP Hà Nội.

2. R.Bonita, R.Beaglehole, T. Kjellstrom, “Xây dựng kế hoạch cho nghiên cứu”, Dịch tễ học cơ bản, trang 196 (Bản tiếng Việt).

3.Peter R. Macson, “Background and significance”, Writing research and grant proposals,  Evidence Based Planning and Management Project, page 22.

4. Bộ Chính trị (2005)  Nghị quyết về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trog tình hình mới, Số 46/NQ-TW, ngày 23 tháng 02 năm 2005.

5. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Số 20/NQ-TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017.

6. Nguyễn Thị Hải Hà (2017) Tổ chức, nguồn lực, hoạt động của Nhà hộ sinh A quận Hoàn Kiếm, Hà Nội giai đoạn 2011 - 2016 và nguyện vọng của khách hàng, Luận văn Cao học quản lý bệnh viện, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội.

7. Ban biên tập Website Viện Y học Cổ truyền Quân đội (2010) Học thuyết âm dương, http://yhoccotruyenqd.vn/kien-thuc-yhct/Ly-luan-YHCT/HOC-THUYET-AM-DUONG-6/ , cập nhật 17-8-2019.

8. Trần Thái Hà (2012) Nghiên cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lương hông do thoát vị đĩa đệm, Luận án Tiến sĩ Y học chuyên ngành Y học cổ truyền, mã số 62.72.60.01, Trường Đại học Y Hà Nội.

9. Duy Nguyễn (2018) Quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học (Mục tiêu nghiên cứu).Part1, http://nghiencuudinhluong.com/muc-tieu-nghien-cuu-part1/, cập nhật 28-8-2019.

10. Hoàng Sầm (2015) Dong riềng đỏ với bệnh mạch vành có thực sự hiệu quả? Trang web Viện Y học Bản địa Việt Nam, https://yhocbandia.vn/dong-rieng-do-voi-benh-mach-vanh-co-thuc-su-hieu-qua.html , cập nhật 28-8-2019.

11. Phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Công ty cổ phần y tế Nocos (2018) Năm nguyên tắc cần biết khi viết mục tiêu nghiên cứu khoa học, HTTP://PHANTICHSOLIEUYHOC.COM/5-NGUYEN-TAC-CAN-BIET-KHI-VIET-MUC-TIEU-NGHIEN-CUU-KHOA-HOC/ , cập nhật 28-8-2019.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[]