Trong thời gian 10 năm trở lại đây, trên thế giới và ngay cả việt nam, người ta nói nhiều đến Trầm cảm. Trong sách vở, trong các nghiên cứu khoa học, ngay cả khi trò chuyện bình dân. Có người  dân bình thường tâm sự bảo rằng  ”tôi chỉ như đau đầu, mất ngủ, hoặc đau hay tê chổ nọ chỗ kia hoặc chỉ đau lưng, “yếu cái kia” một tý, làm sao mà bị Trầm cảm được, sao lại chẩn đoán tôi bị Trầm cảm, bị bệnh Tâm thần”. Vì khi đã thày thuốc đã chẩn đoán ai đó bị bệnh Tâm thần thường người ta phủ nhận. Hơn thế, sự hiểu biết Trầm cảm hiện nay còn rất hạn chế, các thày thuốc cũng dễ chẩn đoán nhầm lẫn giữa trầm cảm và suy nhược thần kinh (hay còn gọi là Tâm căn suy nhược), lo âu hay Tầm thần phân liệt và rất nhiều rối loạn khác gặp trong các bệnh tâm thần.

   Trầm cảm là một nhóm bệnh khá phổ biến, chiếm tới 25 % dân số (cả thế giới và Viêt nam), với xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa, nền kinh tế thị trường, những mặt trái của nó, cuộc sống gấp gáp xô bồ, các bệnh có nguyên  nhân do sang chấn tâm lý hay còn gọi sang chấn tâm thần, Stress có xu hướng gia tăng.

   Ngày nay người ta thấy Trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ người nhỏ tuổi đến người cao tuổi, từ thành thị đến vùng nông thôn, từ người lao động tay chân đến người lao động trí óc, từ người giàu đến người nghèo, nam cũng như nữ, nhưng nhìn chung nữ bị trầm cảm nhiều hơn nam đến 2-3 lần.

   Rối loạn Trầm cảm bao gồm Trầm cảm chủ yếu, loạn khí sắc, cơn trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm thứ yếu, trầm cảm ngắn tái diễn, trầm cảm do bệnh cơ thể, trầm cảm do một số chất, rối loạn tiền mãn kinh, trầm cảm sau phân liệt v.v

   Biểu hiện lâm sàng (tức là những biểu hiện ra bên ngoài) của Trầm cảm rất đa dạng và phong phú. Đặc biệt người bị Trầm cảm sẽ dần dần mất hứng thú trong công việc và trong cuộc sống, khả năng lao động và học tập giảm sút  cũng từ từ, nên rất dễ nhầm với bệnh Tâm thần phân liệt. Là bệnh cũng phổ biến trong Tâm thần học, vì ngày xưa, ngành Tâm thần học Việt Nam theo trường phái Xã hội chủ nghĩa (Liên Xô), muốn chẩn đoán bệnh Tâm thần phân liệt phải có hai cái nền, đó là:

+ Tính thiếu hòa hợp và tự kỷ: trong tư duy, trong cảm xúc, trong hành vi…

+ Thế năng tâm thần giảm sút: trong lao động, học tập…

   Nhưng nay đã khác, chúng ta đã hội nhập toàn thế giới, ở Việt Nam hiện nay chẩn đoán bệnh Tâm thần phân liệt nói riêng, các bệnh Tâm thần nói chung, phải theo phân loại bệnh Quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới , tất nhiên có tham khảo trường phái Mỹ, có thể cả Liên Xô trước đây nữa.

   Một điều chúng ta cần chú ý là Trầm cảm, nếu không được chẩn đoán đúng, sớm và kịp thời… sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, trở nên tàn phế, tất nhiên sẽ là gánh năng cho gia đình và cả xã hội. Đặc biệt đáng sợ là bệnh nhân trầm cảm có thể có ý tưởng và hành vi tự sát, và bệnh nhân có thể “tự sát thành công”.  Vì người ta nhận thấy Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây tự sát (75% các trường hợp tự sát do Trầm cảm), cần nhớ rằng 15% bệnh nhân Trầm cảm sẽ chết do tự sát.

   Cuối cùng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trình bày một trường hợp bị Trầm cảm để các bạn tham khảo, để một phần cũng để chứng minh cho những phần mà chúng tôi đã viết ở trên, một phần cũng là áp dụng thực tể:

   Bệnh nhân H.T.H, 42 tuổi, nghề nghiệp giáo viên, giảng dạy phổ thông ở thành phố Thái Nguyên, chị  H bị mất ngủ  khoảng 3-4  tháng nay, lúc đầu chỉ mất ngủ đầu giấc. Sau đó mất ngủ ngày một nặng lên, cả cuối giấc, có đêm bệnh nhân chỉ ngủ được 1-2 tiếng. Sáng ra bệnh nhân cảm thấy người rất mỏi mệt, nhưng sau đó sự mỏi mệt giảm dần trong ngày, về chiều có vẻ đỡ mệt  nhiều hơn. Theo đó H cảm thấy ăn không ngon, chán ăn, cơ thể  thấy gầy sút  dần, chỉ trong vòng 3 tháng bệnh nhân đã sút 7-8 kg. Gia đình và nơi chị H công tác còn thấy chị H còn hay cáu gắt vô cớ với chồng con và các đồng nghiệp. Bệnh nhân mất hết các hứng thú và sở thích trước đây, kể cả vấn đề tình dục, có lẽ phải 1 tháng bệnh nhân mới quan hệ tình dục 1 lần với chồng, và bệnh nhân nói là làm theo “ nghĩa vụ”, chứ không có hứng thú tý nào. Bệnh nhân ở trong tình trạng bi quan, chán nản, tự cho mình là hèn kém, vô tích sự, cảm thấy mình như  là một người thừa trong xã hội, thấy khả năng làm việc bị giảm sút nghiêm trọng, bệnh nhân sợ đến lớp phải giảng bài, mà đây đó là công việc bình thường trước đây của chi H.

   Khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân tự xin nghỉ việc vì cảm thấy như  mất năng lượng sống, cùng với tình trạng chán nản, hay lo lắng về bệnh tật và sức khoẻ của mình, nhiều lúc buồn bã vô cớ, kèm theo là tình trạng hay quên, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó dù bản thân đã cố gắng hết sức, những sở thích cũ cũng bị mất dần như xem ti vi, nghe hát, nghe nhạc, đi chợ mua sắm, hoặc “ buôn dưa lê”, hiện nay mất hoàn toàn.

   Vì thế bệnh nhân tự cho mình là người hèn kém vô dụng, bỏ đi, là gánh nặng cho chồng con… nên đã có lần muốn chết. Lúc đầu ý tưởng và hành vi tự sát lẻ tẻ, nhưng sau đó trở nên thường xuyên hơn, đã có lần bệnh nhân đã tìm mua thuốc độc để tự tử, nhưng nghĩ đến con cái nên lại thôi.

   Rồi thêm các dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, tức ngực, khó thở…đau vùng thượng vị, chướng bụng , nghẹn ở cổ thấy khó nuốt... xuất hiện, gia đình bệnh nhân thấy vậy đã đưa bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi, thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như Tim mạch (vì tức ngực, khó thở), Tiêu hóa (vì đau thượng vị), Tai Mũi Họng (vì nghẹn ở cỏ khó nuốt)… làm đủ các thủ thuật và xét nghiệm: điện tim, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, soi dạ dày, soi thực quản, điện não, lưu huyết não, chụp cắt lớp não, cộng hưởng từ não… đều cho kết quả bình thường, các đơn thuốc của các bác sỹ bệnh nhân đều tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng  trái lại cho kết quả điều trị rất kém.

cac-cach-doi-pho-voi-tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi

   Cuối cùng, cực chẳng đã bệnh nhân đành phải  đi khám chuyên khoa Tâm thần. Các bác sỹ chuyên khoa Tâm thần khám đã chẩn đoán bệnh nhân bị Trầm cảm mức độ nặng. Bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm… cho kết quả tốt sau 4 tuần điều trị, sau đó các bác sỹ vẫn chỉ định bệnh nhân phải dùng thuốc một thời gian 1 năm nữa, và có thể kéo dài hơn tùy theo sự tiến triển của bệnh.

   Như vậy, qua một thí dụ trường hợp bệnh nhân H mà chúng tôi vừa nêu ở trên, để mọi người chúng ta cùng suy ngẫm và đặt câu hỏi: vậy Trầm cảm là gì ? chẩn đoán và điều trị Trầm cảm sao mà khó khăn và phức tạp đến thế. Câu hỏi thì đơn giản, nhưng câu trả lời thì không đơn giản chút nào, chúng tôi sẽ trả lời tiếp  với các bạn ở những phần tiếp theo.

“Theo bác sỹ Hoàng Sầm chủ tịch hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam, phòng khám nội Thần kinh- Tâm thần của Viện đã thành công trong việc sử dụng thảo dược Việt Nam để chữa trầm cảm có hiệu quả”

Ban biên tập

Viện Y học Bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/10.2018\/cac-cach-doi-pho-voi-tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/10.2018\/cac-cach-doi-pho-voi-tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi.png","subHtml":"cac-cach-doi-pho-voi-tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi"}]