Mộc hương còn gọi là Vân mộc hương, Quảng mộc hương hay Mộc hương bắc có tên khoa học Saussurea Lappa, là loại cây thân thảo được di thực vào trồng ở Việt Nam tại một số vùng như Sa Pa, Bắc Hà, Lai Châu, Đà Lạt và Tả Phìn Hồ – Hà Giang. Trong y học cổ truyền, Mộc hương được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa. Gần đây, các nghiên cứu khoa học đã tập trung vào thành phần hoạt chất chính của rễ Mộc hương – Costunolide, một sesquiterpene lactone có tiềm năng chống ung thư xương nguyên phát ác tính. Trong nghiên cứu này, đánh giá hiệu quả chống ung thư xương của Costunolide và xác định cơ chế hoạt động của hoạt chất này. Kết quả cho thấy:
- Costunolide ức chế hoạt động của yếu tố phiên mã STAT3 trong tế bào. Vì STAT3 là yếu tố quyết định sự phát triển và di căn của các tế bào ung thư xương. Do đó, việc ức chế STAT3 mở ra một hướng đi mới trong chiến lược điều trị loại ung thư này.
- Costunolide ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư xương (143B, HOS và MG63) theo cách phụ thuộc vào liều lượng với giá trị IC50 trong khoảng 5-10 μM thông qua cơ chế làm giảm biểu hiện của MMP-2 – một enzyme đóng vai trò chính trong quá trình xâm lấn và di căn của tế bào ung thư.
- Trong mô hình chuột mang khối u ghép dị chủng, việc sử dụng Costunolide với liều điều trị 10 mg/kg/ngày và 20 mg/kg/ngày đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc ức chế sự phát triển của khối u và tình trạng di căn đến phổi.
Tóm lại: Mộc hương và chiết xuất từ rễ- Costunolide cho thấy hiệu quả tiềm năng trong ức chế tăng sinh, xâm lấn và di căn của tế bào ung thư xương, mở ra triển vọng ứng dụng trong các chiến lược điều trị ung thư mới.
Nhóm biên tập và đưa tin: Hoàng Sầm, Nguyễn Hương, Ma Thị Hoàn và Vũ Thị Thanh Hằng.