Cây Thầu dầu (Ricinus communis L.) cung cấp hạt để sản xuất dầu Thầu dầu phục vụ cho ngành công nghiệp kỹ nghệ và dược phẩm. Trong y học cổ truyền và hiện đại, dầu ép từ hạt Thầu dầu không độc, được sử dụng như thuốc nhuận tràng, xổ, để chữa táo bón.
Trong nghiên cứu thuốc điều trị ung thư, quả và lá của cây Thầu dầu cho thấy tiềm năng ức chế tế bào ung thư mạnh. Cụ thể:
1. Dịch chiết cồn 50% của quả Thầu dầu khô, chứa Ricinine, acid p-Coumaric, Epigallocatechin và acid Ricinoleic, có tác dụng gây chết 78.5% tế bào ung thư vú ác tính có khả năng di căn mạnh MDA-MB-231, 55.4% tế bào ung thư vú có biểu hiện estrogen MCF-7, 64% tế bào ung thư đại trực tràng HT29 ở liều rất thấp 1.0 µg/ml sau 48 giờ điều trị. Đáng chú ý là dịch chiết ít ảnh hưởng đến tế bào thường.
Cũng trong nghiên cứu này, nồng độ 0.1 µg/ml có tác dụng ức chế sự di căn rất hiệu quả với tế bào có khả năng di căn cao MDA-MB-231 sau khi điều trị 24 và 48 giờ.
Tác dụng chống tế bào ung thư vú của dịch chiết này liên quan đến khả năng ức chế sự phospho hóa STAT3 (pSTAT3), dẫn đến giảm Bcl-2, tăng Bax và dạng hoạt động caspase 7 và PARP.
2. Dịch chiết chưng cất hơi nước lá (phân đoạn chloroform) có tác dụng gây chết tế bào ung thư hắc tố da, bạch cầu dòng tủy mạn tính, vú, đại trực tràng, buồng trứng trong khoảng 13 – 25 µg/mL. Tuy nhiên, dịch chiết này cho thấy độc tính tương tự đối với tế bào thường (13.55 µg/mL).
3. Ricin – một thành phần cực độc trong hạt Thầu dầu, có tác dụng gây chết không chọn lọc, độc tính mạnh hơn trên tế bào da thường (HaCaT) so với tế bào ung thư hắc tố (SKMEL28) với liều tương ứng là 5.2 ng/mL và 34.1 ng/mL. Trên tế bào ung thư phổi tế bào không nhỏ A549, ricin gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis) và dạng hoại tử (necrosis) ở liều 0.63 µmol/L, trong khi ức chế sự di căn xâm lấn ở nồng độ 0.0154 µmol/L.
Khuyến nghị: Do độc tính không chọn lọc của ricin, nên thận trọng khi sử dụng dịch chiết/nguyên liệu chứa thành phần này.
Nhóm biên tập và đưa tin: Hoàng Sầm, Nguyễn Hương, Ma Thị Hoàn và Vũ Thanh Hằng.