Sương sâm, có tên khoa học Tiliacora triandra (Colebr.) Diels, thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), là loài cây mọc hoang phổ biến ở nhiều khu vực, từ đồng bằng đến đồi núi, bao gồm cả Tả Phìn Hồ (Hà Giang). Theo y học dân gian, lá cây được sử dụng để hỗ trợ điều trị táo bón, trong khi rễ có tác dụng hạ sốt và chữa rắn cắn. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học hiện đại đã bước đầu chứng minh tiềm năng chống ung thư của Sương sâm.
Trong nghiên cứu này, Tiliacorinine – một ancaloit chính được chiết xuất từ rễ Sương sâm – đã được đánh giá về tác dụng chống tăng sinh trên các dòng tế bào ung thư đường mật. Kết quả cho thấy:
- Tiliacorinine ức chế mạnh sự phát triển của các dòng tế bào ung thư đường mật ở người (KKU-M055, KKU-100, KKU-M213 và KKU-M214) trong thời gian điều trị 72 giờ, với giá trị IC₅₀ (nồng độ ức chế 50%) ở tất cả các dòng tế bào đều dưới 10 μM.
- Cơ chế tác động của Tiliacorinine được xác định gây ra apoptosis, đi kèm với sự hoạt hóa caspase, tăng biểu hiện protein BAX và giảm biểu hiện các protein chống apoptosis như BclxL và XIAP.
- Trong mô hình chuột mang khối u ghép dị chủng, việc điều trị bằng Tiliacorinine giúp làm giảm đáng kể thể tích và trọng lượng khối u, với mức giảm gấp khoảng hai lần so với nhóm đối chứng.
Các hoạt chất có nguồn gốc thực vật ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm như những liệu pháp điều trị ung thư tiềm năng. Với những bằng chứng khoa học hiện tại, Sương sâm được xem là một nguồn dược liệu đầy triển vọng trong việc phát triển các hoạt chất chống ung thư trong tương lai.
Nhóm biên tập và đưa tin: Hoàng Sầm, Nguyễn Hương, Ma Thị Hoàn và Vũ Thị Thanh Hằng.