Hạt cau, nội nhũ của quả cau từ cây Areca catechu L., là một loại hạt nhiệt đới được tiêu thụ rộng rãi ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Từ lâu, hạt cau được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền có tác dụng kích thích tiêu hóa và trị giun, và cũng đóng vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ văn hóa. Khoảng 600 triệu người trên thế giới đang nhai cau, phần lớn sống tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh hạt cau chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, đặc biệt là alkaloid như arecoline, arecaidine và các polyphenol. Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất hạt cau (ACE/ANE) có tiềm năng điều trị ung thư, bao gồm ung thư đại trực tràng (CRC) và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). ACE đã được chứng minh là ức chế sự phát triển tế bào ung thư, kích hoạt quá trình apoptosis và autophagy, đồng thời điều hòa biểu hiện gen liên quan đến tổn thương DNA và tín hiệu Wnt. Tương tự, ANE cũng cho thấy khả năng ức chế khối u trong mô hình chuột, mà không gây tổn thương gan.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, việc nhai cau – đặc biệt là trong các sản phẩm trầu có thêm vôi và thuốc lá – đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư nhóm 1. Arecoline, hợp chất chủ đạo trong hạt cau, có khả năng gây tổn thương DNA, đột biến nhiễm sắc thể và thúc đẩy ung thư miệng. Ngoài ra, nhai cau lâu dài làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tiền ung thư miệng như bạch sản, xơ hóa dưới niêm mạc miệng, từ đó tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy.
Tỷ lệ ung thư miệng do nhai trầu cau cao đặc biệt ở Đài Loan và tiểu lục địa Ấn Độ, chiếm tới 50% trong những ca bệnh ung thư.
Nhìn chung, các nghiên cứu hiện tại vẫn tồn tại những tranh cãi về ảnh hưởng của hạt cau trong hỗn hợp trầu cau đối với sức khỏe (nguy cơ gây ung thư) và tác dụng chống ung thư (một mình hạt cau). Ngoài ra, Arecoline cũng làm tăng huyết áp và nhịp tim. Do đó nên cân nhắc về liều và thận trọng trong dùng hạt cau.
Nhóm biên tập và đưa tin: Hoàng Sầm, Nguyễn Hương, Ma Thị Hoàn và Vũ Thị Thanh Hằng.