CHỈ SỐ HUYẾT ÁP CHÊNH LỆCH Ở HAI CÁNH TAY – CHỈ ĐIỂM XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH
Thông thường khi các thày thuốc khi xem xét về sức khỏe cho một người nào đó thì việc đo huyết áp là động tác quan trọng không thể thiếu để đánh giá tình trạng sức khỏe cho họ, nhất là những người có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nghi ngờ huyết áp cao… Từ trước đến nay, người ta cho là chỉ số huyết áp ở cánh tay trái hay ở cánh tay phải là như nhau, sách vở giáo trình ở các nhà trường ngành Y cũng viết và hình như mặc định như vậy, trong điều kiện máy (dụng cụ) đo huyết áp đảm bảo đúng các thông số kỹ thuật và người đo huyết áp đo đúng quy trình thì số đo huyết áp ở hai tay không có sự chênh lệch đáng kể. Hãn hữu trong một số trường hợp chỉ số huyết áp ở hai tay có thể khác nhau do cấu tạo về giải phẫu ở hai tay ở những người này có thể khác nhau, cũng giống như các bộ phận khác trong cơ thể một số người (ít gặp) có sự “lạc chỗ” trong quá trình hình thành bào thai (Ví dụ: thông thường tim ở bên trái lồng ngực nhưng có người lại tim ở bên phải lồng ngực, ruột thừa không ở hố chậu phải mà ở hố chậu trái hoặc sau manh tràng v.v). Nhưng nay đã thay đổi, qua các công trình khoa học người ta thấy số đo huyết áp ở hai tay có thể khác nhau do quá trình bệnh lý – chứ không phải do đặc điểm về giải phẫu.
Cách đây khoảng 9 tháng (vào tháng 12 năm 2020), trên tạp chí Hypertension đã công bố công trình của các chuyên gia ở đại học Exeter( vương quốc Anh) dựa trên tổng hợp 24 nghiên cứu trong thời gian 10 năm về các dữ liệu về sức khỏe của gần 54.000 người trưởng thành từ khắp nơi trên thế giới (gồm châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi) đã cho thấy rằng: Khi một người có mức chênh lệch huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) giữa 2 tay ít nhất 5 mmHg thì nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và tử vong sớm sẽ tăng lên; Và độ chênh lệch này càng lớn thì rủi ro đó lại càng cao.
Trung bình là sự khác biệt huyết áp tâm thu của hai cánh tay cứ 1 mmHg là nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng lên 1%.
Theo bác sỹ Berger, bệnh viện đại học y khoa Langone ở thành phố New York, Mỹ: “Sự chênh lệch huyết áp giữa hai cánh tay tự nó không phải là vấn đề, nhưng sự khác biệt này có thể là dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch sớm đang phát triển không đối xứng”.
Cuối cùng, vị bác sỹ này khuyên: “Đối với việc theo dõi huyết áp tại nhà, nếu một người liên tục phát hiện sự khác biệt đáng kể giữa hai tay, thì nên báo cho bác sỹ biết”. (bác sỹ ở đây là bác sỹ gia đình); Ở Mỹ, hệ thống bác sỹ gia đình của họ phát triển và hoạt động rất tốt; Là mô hình rất hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, với tư cách là “người gác cổng” cho dân.
Trước đây gần 10 năm, vào tháng 2 năm 2012, cũng tại đại học Exeter (Anh), người ta đã nghiên cứu vấn đề này và đăng trên tạp chí The Lancer của Anh (tạp chí Y học nổi tiếng thế giới), nhưng với số lượng tập hợp mới chỉ 28 hồ sơ về huyết áp tâm thu hai cánh tay của bệnh nhân và cũng đã khẳng định: “Sự chênh lệch nhau 15 mmHg hoặc lớn hơn ở hai cánh tay có thể dẫn đến nguy cơ hẹp động mạch cung cấp máu cho cơ thể”.
Đây có thể là một thông báo bổ ích cho mọi người chúng ta, nhất là các thày thuốc lâm sàng.
Ngô Quang Trúc