Bệnh do Thày thuốc gây ra (Iatrogenia)
Bệnh do thày thuốc gây ra (Iatrogenia) – đã nói lên tất cả tầm quan trọng của bệnh này trong quá trình khám chữa bệnh hàng ngày của các thày thuốc. Bệnh do thày thuốc gây ra có thể gặp trong bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào, mọi lúc, mọi nơi … nếu thày thuốc không cẩn thận về lời nói, cử chỉ, hành vi… trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân đều có nguy cơ gây ra bệnh, cả hình thức tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hoặc qua hình thức gián tiếp như qua tivi, mạng xã hội, điện thoại…; Một môi trường bệnh viện kiến trúc – xây dựng thiếu khoa học và ít chú ý đến văn hóa ứng xử (như không chú ý kiến trúc hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong xây dựng các khoa phòng, bệnh viện, thày thuốc thiếu chú tâm đến trang phục hay “lời ăn tiếng nói” của thày thuốc với bệnh nhân có lúc chưa được đúng mực, chỉnh chu…sẽ tạo ra tâm lý không tốt cho người bệnh); Là một bệnh hay gặp nhưng cả thế giới và Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu thống kê bệnh này. Bệnh Iatrogenia trong Y văn cũng chỉ nói ít trang ngắn gọn, trước kia khi còn Liên Xô cũ, thời điểm đó ngành tâm thần học của Liên Xô rất phát triển, đã xếp Iatrgenia vào bệnh tâm căn thuộc nhóm bệnh tâm thần (các trạng thái phản ứng và các bệnh loạn thần kinh); Thời gian đó Việt Nam theo trường phái Liên Xô và ngành tâm thần học Việt Nam còn đặt bệnh Iatrogenia một tên khác gọi là bệnh Y sinh (khoảng những năm 80 – 90 của thế kỷ trước).
Sau này, có thể là từ những năm cuối cuối thập kỷ 80 và đầu những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX (khi Liên Xô tan rã) và cho đến hiện nay, ngành tâm thần học thế giới có những thay đổi có tính bước ngoặt vì có sự hội nhập và toàn cầu hóa trên phạm vi toàn thế giới, nên tâm thần học cũng biến đổi theo xu hướng thời đại; Hình như cái tên Iatrgenia không còn được nhắc đến nữa. Bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không xếp bệnh này vào mục riêng biệt (có thể để phù hợp cái chung nhất cho các quốc gia trên thế giới). Theo bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới năm 1992 gọi tắt là ICD-10 có lẽ xếp bệnh Iatrogenis ở nhóm bệnh là F43 (Phản ứng với stress trầm trọng và các rối loạn thích ứng). Hoặc mục F48 – Các cối loạn tâm căn khác, không còn tên bệnh Iatrogenia riêng nữa.
Theo trường phái tâm thần học Liên Xô thì: “Iatrogenia là một nhóm riêng của bệnh tâm căn, mà về nội dung khó liệt vào loại trạng thái phản ứng nhất định nào. Một nguyên nhân chung thống nhất tất cả các trạng thái phản ứng tâm căn đó là thái độ không đúng đắn, thiếu cân nhắc của thày thuốc với người bệnh. Từ đó có tên gọi: Iatrogenia nghĩa là bệnh do thày thuốc gây ra, từ chữ Hy lạp Iatros là thày thuốc. Các phản ứng tâm căn do thái độ không đúng của thày thuốc gây ra có thể rất đa dạng về nội dung như hoang tưởng nghi bệnh, sợ hãi ám ảnh, trầm cảm phản ứng” (Iu.V. Cannabic).
Đây là điều chúng ta phải quan tâm chú ý, có thể một tên gọi đã bị phai mờ và dần dần lãng quên; Song, lại hay gặp trong thực thế hàng ngày, có thể đã bị ghép vào mã bệnh khác có khi không đúng với bản chất của bệnh Iatrgenia.
Bệnh do thày thuốc gây ra là phạm vi khá rộng: Là tất cả những hành vi (động tác khám, làm thủ thuật, chỉ định xét nghiệm…và lời nói (phần nhiều là tiêu cực) như nói quá lên về một bệnh làm cho bệnh nhân sợ sệt nhằm mục đích nào đó của thày thuốc, hoặc thày thuốc không giữ được bí mật nghề nghiệp, có thể là một lời nói vô tình của thày thuốc làm bệnh nhân phải suy nghĩ…từ đó gây bệnh cho bệnh nhân. Hay trong các nhà trường đào tạo Y khoa khi đi thực tập ở bệnh viện do các sinh viên chưa có kinh nghiệm hỏi bệnh và khám bệnh nên có sai sót, hoặc các trường hợp giảng viên giảng lâm sàng bên giường bệnh cho sinh viên về triệu chứng, chẩn đoán, tiên lượng…dù là vô tình hay hữu ý đều có thể gây bệnh. Xa hơn, có thể vì thày thuốc chẩn đoán nhầm, chẩn đoán sai, điều trị không đúng gây tình trạng kiểu “lợn lành chữa thành lợn què” cũng không hiếm đã xảy ra trên thực tế. Bên cạnh, còn có các tai biến do thuốc, do làm các thủ thuật…); Có nhiều vụ sai sót xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng làm xã hội phải lên tiếng xót xa. Rộng hơn Iatrogenia còn do cả kiến trúc, cấu trúc bệnh viện chưa được hợp lý… (ví dụ : Bệnh viện tâm thần có cấu trúc kiểu nhà tù, tường cao, hào sâu…làm bệnh nhân sợ hãi như có cảm giác mình bị giam giữ, tạo nên tâm lý bất an cho bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh), chưa kể môi trường của bệnh viện có lúc có nơi không được tốt, không được “vô trùng” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, gây nhiễm trùng chéo, nhiễm trùng “tâm lý” (như lời nói không được khiếm nhã, từ tốn, ân cần…của thày thuốc với bệnh nhân).
Trong Y học cũng đề cập nhiều đến Liệu pháp tâm lý để chữa bệnh, coi đây là một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mà nhiều khi lại mang lại hiệu quả cao. Liệu pháp tâm lý gồm liệu pháp tâm lý gián tiếp và liệu pháp tâm lý trực tiếp. Liệu pháp tâm lý gián tiếp bao gồm xây dựng, kiến trúc.. bệnh viện phải vừa đẹp vừa an toàn để tạo cho người bệnh một tâm lý thỏa mái khi đi khám chữa bệnh, bệnh viện phải sạch sẽ, thoáng mát nên ngày xưa có câu : “đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”, ăn mặc của nhân viên y tế phải gọn gàng, sạch sẽ “tránh quần ông thấp, ống cao”. Thử hỏi gặp một thày thuốc khám bệnh cho mình mà ăn mặc lôi thôi lếch thếch thì làm sao bệnh nhân có sự tin tưởng được. Khi đã không có sự tin tưởng thì kết quả khám chữa bệnh chắc chắn sẽ không cao, tệ hơn là – có thể gây thêm bệnh cho bệnh nhân. Liệu pháp tâm lý trực tiếp bản chất là thày thuốc dùng lời nói để chữa bệnh: Tất cả lời nói của thày thuốc đều tác động vào bệnh nhân, lời nói đúng, tốt, hợp lý, có lý có tình…sẽ có tác dụng tốt đến tâm lý người bệnh và có tác dụng chữa bệnh, có khi làm khỏi bệnh; Ngược lại, sẽ gây bệnh Iatrgenia. Người thày thuốc rất có thể gây tình trạng “bệnh chồng lên bệnh” cho bệnh nhân. Tôi còn nhớ thuở tôi học trường Y, khi học vào bệnh này thày giáo đã lấy ví dụ : Có một bệnh nhân được 2 vị bác sỹ khám về sốt rét, trong khám bệnh sốt rét có động tác khám sờ xem có lách to không ? (vì bệnh sốt rét thường làm cho lách to, ngày ấy không có siêu âm như bây giờ), 1 bác sỹ khám xong nói với người phụ bên cạnh rất vắn tắt: Không lách. Bệnh nhân đã nghe được vậy, cảm nhận là mình không có lách, sau đó bệnh nhân nghĩ rằng người mà không có lách thì “làm sao mà sống nổi” và cứ như vậy thành bệnh “tư tưởng”, lúc nào bệnh nhân cũng chỉ chú ý đến vùng bụng “không lách” của mình, từ đó xuất hiện lo lắng quá mức, mất ngủ, đau đầu, ăn uống kém, cảm giác lúc nào cũng thấy đau đau ở mạng sườn bên trái…, bệnh nhân vì vậy đi khám nhiều nơi, gặp nhiều thày thuốc, nhưng “chốt” ở điểm là các bác sỹ nói và giải thích thế nào bệnh nhân cũng cho là “không đúng”, và bệnh nhân cho rằng buổi khám “đầu tiên” mà 2 thày thuốc “buột miệng” nói là đúng sự thật (không thể giải thích đả thông cho bệnh nhân được nữa); Cứ như vậy, tình trạng các triệu chứng kể trên ngày càng nặng lên; Và lâu dần dẫn đến bệnh Iatrogenia tương đối khó chữa.
Những chuyện na ná như ví dụ trên không phải là ít. Nó gây cho bệnh nhân không ít phiền toái và sau đó là bệnh tật, có khi nguy hiểm đến tính mạng, thông báo tại Mỹ ước tính hàng năm có đến 44.000 – 98.000 người tử vong vì Iatrogenia (theo Hội Bệnh do thày thuốc Hoa kỳ – American Iatrogenic Asociation). Người ta cũng cho Iatrogenia đứng thứ 8 trong các nguyên nhân chết của con người. Còn ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu và công bố tỷ lệ mắc bệnh Iatrogenia, nhưng theo cố giáo sư Phạm Khuê, nguyên chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam thì: “hơn ¼ các bệnh ở người già là do chính thày thuốc gây ra”.
Tài liệu tham khảo
- Tâm thần học; O.V Kecbicôp, M.V Cockina, R.A Natgiarôp, A.V Xnhegiơnhepxki, Nhà xuất bản Y học – Hà Nội, năm 1980, trang 349.
Ngô Quang Trúc