Tội phạm ở thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng tăng và manh động. Giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế, dưỡng giáo, bỏ tù … bởi tòa án đã giảm phần nào tỷ lệ, tuy nhiên, có nhiều tội phạm mới ra tù 1 vài ngày lại tái phạm ngay. Chúng ta thường nghĩ đến dạy dỗ, giáo dục, môi trường, đó mới chỉ là kiểu hình được quy tắc xã hội điều chỉnh. Hãy nhìn tội phạm ở góc độ kiểu gene thì tình hình sẽ như thế nào? Đây là vấn đề cực lớn nhưng còn ít người nghiên cứu: liệu có thể giảm tính hung hăng, manh động, côn đồ bằng y học hay không ?
Marco Giammanco và cộng sự trong 1 nghiên cứu chỉ ra rằng: Hung dữ là một hành vi nguyên thủy phổ biến đối với tất cả các loài động vật. Cơ chế sinh lý thần kinh của nó giống nhau ở tất cả các động vật có xương sống. Con đực thường hung dữ hơn con cái. Hành vi hung hăng ở loài gặm nhấm, khỉ và người và vai trò của nồng độ testosterone và serotonin trong não đã được xem xét. Ở chuột tăng quá trình androgen hóa (tiền chất của testosterone) chuột con làm tăng việc chúng giết lẫn nhau. Ở khỉ, trong mùa giao phối, tăng mức testosterone có liên quan rõ ràng đến sự hung dữ và để thống trị con khác, con cái. Ở nam giới, xét nghiệm nồng độ testosterone trong nước bọt thấy nội tiết này luôn cao hơn ở những kẻ phạm tội bạo lực. Trong quân đội, những quân nhân có hành vi chống đối cấp trên, bốc đồng, nghiện rượu cũng có nội tiết này tăng. Testosterone ảnh hưởng tới hành vi hung hăng và hành vi đòi thống trị. Các thụ thể testosterone chủ yếu ở một số tế bào thần kinh vùng dưới đồi, nơi nó cảm nhận được estrogen, quyết định sự gia tăng tính hung hăng. Serotonin tác động lên não phải và khi tăng thì giảm sự hung hăng và thống trị bạo lực.
Với người thuận tay phải não trái là “não hung hăng” và “não phải hiền lành tình cảm”, thế nhưng não phải chỉ huy thân trái và ngược lại. Theo đó 1 số nhà khoa học nghiên cứu hành vi khuyên nam/nữ có xu hướng bạo lực khi nổi nóng, tức giận hãy nắm chặt tay phải để hoạt hóa serotonin bên não phải ức chế não trái, qua đó có thể giảm sự hung hăng.
Một nghiên cứu khác của Moshe Birger và cộng sự cùng thấy: Sự liên quan của dẫn truyền thần kinh trung ương với hành vi hung hăng và bốc đồng người và động vật. Trong số các phát hiện khác, có nhiều dữ liệu thấy nếu giảm hoạt động serotonergic – được đo bằng axit 5-hydroxyindolacetic trong dịch não tủy và phản ứng chậm của prolactin với fenfluramine thì người và động vật tăng tính bốc đồng. Nhiều nghiên cứu về testosterone cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ cao và xu hướng gây hấn. Người ta đưa ra giả thuyết rằng sự tương tác giữa lượng serotonin thấp và nồng độ testosterone cao trong hệ thần kinh trung ương có ảnh hưởng đáng kể đến các cơ chế thần kinh liên quan đến biểu hiện của hành vi hung hăng. Có vẻ như testosterone điều chỉnh để khống chế hoạt động của thụ thể serotonergic theo cách ảnh hưởng trực tiếp đến sự hung hăng, sợ hãi và lo lắng.
Năm 2013, tôi và các đồng nghiệp đã tìm cách can thiệp để tăng hoặc giảm enzym Aromatase, theo đó có thể làm giảm hay tăng testosteron để làm tăng nữ tính hay giảm nữ tính. Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng tôi chưa thử chế phẩm này trên động vật thí nghiệm xem chúng có giảm tính hung hăng hay không.
Doctor SAMAN
Bác sỹ Hoàng Sầm