Sự đánh giá về Trầm cảm nói chung và mức độ nặng nhẹ của Trầm cảm nói riêng theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD – 10 của Tổ chức y tế thế giới) năm 1992 so với bảng phân loại DSM – IV (1994) của Hội Tâm thần Hoa kỳ là có khác nhau, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu bảng phân loại DSM – IV của Hoa kỳ vì dựa vào tính xác thực và dễ hiểu của DSM – IV, để các bạn cùng tham khảo, điều đó cũng đủ đẻ nói lên tính phong phú và phức tạp trong ngành tâm thần học nói chung và Trầm cảm nói riêng.

A. Các mức độ của Trầm cảm:

dựa vào bảng phân loại DSM – IV (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, người ta chia Trầm cảm cảm làm các mức độ sau đây:

1. Trầm cảm nhẹ: Là loại Trầm cảm có vừa đủ các triệu trứng (có 5 – 6 triệu trứng theo tiêu chuẩn của DSM)

2. Trầm cảm vừa: loại này có số lượng mức độ từ 7 – 8 triệu chứng theo tiêu chuẩn của DSM.

3. Trầm cảm nặng: là loại có tất cả 9 triệu chứng theo tiêu chuẩn của DSM. Trong loại này lại chia ra hai loại nặng không có loạn thần và nặng có loạn thần.

-Trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần: bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của Trầm cảm nhưng không có triệu chứng loạn thần.

-Trầm cảm có triệu chứng loạn thần: bệnh nhân có đủ 9 triệu chứng của Trầm cảm, cộng thêm có triệu chứng loạn thần như có hoang tưởng, ảo giác…

Như vậy khi có loạn thần  (hoang tưởng, ảo giác) trong bệnh Trầm cảm đồng nghĩa là Trầm cảm nặng. Trầm cảm nhẹ và vừa không có triệu chứng loạn thần. Đây là một vấn đề chú ý trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh Trầm cảm.

B. Khi nào gọi là Trầm cảm mạn tính?

– Người ta gọi bệnh nhân bị Trầm cảm mạn tính là khi các cơn Trầm cảm kéo dài liên tục thời gian quá 2 năm.

– Hay nói theo một cách khác, gọi là Trầm cảm mạn tính khi các cơn Trầm cảm kéo dài hơn 2 năm mà bệnh nhân không có một giai đoạn nào quá 2 tháng, trong đó không đủ số lượng các triệu chứng để chẩn đoán cho một giai đoạn Trầm cảm chủ yếu.

C.Tiến triển của Trầm cảm.

– Sự phát triển của Trầm cảm chủ yếu tái phát không giống nhau. Một số người chỉ có một giai đoạn Trầm cảm, sau đó ổn định nhiều năm không hề có một triệu chứng Trầm cảm nào, trong khi đó nhiều người khác lại có nhiều giai đoạn Trầm cảm.

– Những người có các giai đoạn Trầm cảm ngày càng thường xuyên, khoảng cách giữa các giai đoạn ngày càng ngắn, số lượng cơn ngày càng tăng… thường lại tăng lên theo tuổi.

– Nhiều tác giả đã chứng minh được rằng số lượng các giai đoạn Trầm cảm trước đây của bệnh nhân tạo thuận lợi cho khả năng xuất hiện một giai đoạn Trầm cảm chủ yếu sau này của họ, với các con số cụ thể như sau:

+ Gần 50% – 60% bệnh nhân Trầm cảm có một giai đoạn Trầm cảm chủ yếu duy nhất sẽ có giai đoạn thứ hai.

+ Các bệnh nhân đã có 2 giai đoạn Trầm cảm thì có tới 70% khả năng sẽ có giai đoạn thứ ba.

+ Các bệnh nhân đã có 3 giai đoạn Trầm cảm thì có đến 90% khả năng sẽ có giai đoạn thứ tư.

– Có đến 5% – 10% tổng số bệnh nhân có rối loạn Trầm cảm chủ yếu sẽ có một giai đoạn hưng cảm trong quá trình phát triển tiêp theo của bệnh (tức là thành rối loạn lưỡng cực 1).

– Các giai đoạn của Trầm cảm chủ yếu (khoảng 2/3 các trường hợp) có thể lui bệnh hoàn toàn, còn lai 1/3 số bệnh nhân chỉ lui bệnh một phần hoặc không hề lui bệnh chút nào.

– Về phát triển lâu dài của Trầm cảm chủ yếu được chia làm Trầm cảm “có hồi phục hoàn toàn giữa các giai đoạn” và Trầm cảm “không phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn”, hai loại này có sự tiến triển và tiên lương khác nhau. Loại có thời gian “phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn” sẽ có tiên lượng tốt hơn so với loại “không phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn”.

– Qua các kết quả nghiên cứu người ta thấy rằng, một năm sau khi được chẩn đoán một giai đoạn Trầm cảm chủ yếu thì có đến 40% các trường hợp Trầm cảm vẫn còn đầy đủ các triệu chứng để thoả mãn tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm chủ yếu. Khoảng 20% số bệnh nhânTrầm cảm còn vài triệu chứng nhưng không đủ để chẩn đoán cho một giai đoạn Trầm cảm chủ yếu, có 40% bệnh nhân còn lại thì lui bệnh hoàn toàn (không còn triệu chứng).

– Các giai đoạn Trầm cảm chủ yếu người ta thường thấy nó tiếp sau một Stress nặng: thí dụ như sau khi bệnh nhân bị chết người thân, ly dị, mất tài sản tiền bạc quá lớn…), các Stress này đóng vai trò rất quan trọng trong việc khởi phát bệnh, nhưng sau đó người ta lại thấy có vẻ như mờ nhạt và có khi không rõ ràng lắm trong quá trình tiến triển của bệnh này.

– Một điểm cần lưu ý là khi bệnh nhân bị Trầm cảm mà có các bệnh cơ thể mạn tính hoặc bệnh nhân đang bị phụ thuộc (hoặc lạm dụng) một chất như rượu, ma tuý… thì có thể làm khởi phát hoặc tái phát các giai đoạn Trầm cảm chủ yếu. Khi Trầm cảm có các bệnh cơ thể kết hợp (như loét hành tá tràng, viêm gan mạn tính, viêm đa khớp …) thì cơn Trầm cảm sẽ bền vững hơn so với những bệnh nhân không có các bệnh này kết hợp.

– Người ta  cũng nhận ra rằng rất khó để dự đoán giai đoạn đầu tiên của rối loạn Trầm cảm chủ yếu ở người trẻ tuổi sau này có thể trở thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay không? Một số tác giả nhận xét nếu những bệnh nhân này có tiền sử gia đình có người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thì dễ phát triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực, một số Trầm cảm nặng cấp tính mà có triệu chứng loạn thần, mà ở người trẻ tuổi không có tiền sử bị bệnh tâm thần… thì rất có thể tiến triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

– Độ dài của một cơn Trầm cảm chủ yếu rất khác nhau. Nếu như bệnh nhân bị mắc bệnh Trầm cảm mà không được điều trị, giai đoạn Trầm cảm sẽ kéo dài ít ra là 6 tháng mà không có liên quan gì đến tuổi khởi phát, sau đó quá trình tiến triển của bệnh cơn Trầm cảm có vẻ sẽ nhẹ dần và đa số các trường hợp bệnh nhân Trầm cảm có thể hết hẳn các triệu chứng Trầm cảm. Do đó bệnh nhân và ngay cả người nhà của những bệnh nhân này có thể rơi vào tình trạng chủ quan, cho rằng họ đã khỏi bệnh nên không dùng thuốc để điều trị nữa, Điều đó là rất nguy hiểm.

D. Sự tái phát của Trầm cảm.

– Người ta qua các công trình nghiên cứu thấy rằng Trầm cảm chủ yếu là bệnh rất hay tái phát, các nhà khoa học thấy nguy cơ tái phát của bệnh này như sau:

+ Nếu đã bị 1 cơn Trầm cảm thì bệnh nhân có 50% nguy cơ tái phát cơn Trầm cảm thứ 2.

+ Nếu đã bị 2 cơn Trầm cảm thì bệnh nhân có 60% nguy cơ tái phát cơn Trầm cảm thứ 3.

+ Nếu đã bị 3 cơn Trầm cảm thì bệnh nhân có 70% nguy cơ tái phát cơn thứ 4.

+ Nếu đã bị 4 cơn Trầm cảm thì bệnh nhân có 80% nguy cơ tái phát cơn thứ 5.

+ Nếu đã bị 5 cơn Trầm cảm thì bệnh nhân có 90% nguy cơ bị cơn Trầm cảm tiếp theo.

-Các yếu tố thuận lợi cho Trầm cảm tái phát là:

+ Bệnh nhân được điều trị củng cố quá ngắn hoặc không được điều trị củng cố.

+ Có Stress mạnh: Stress này chúng ta lưu ý là nó chỉ rõ rệt với cơn Trầm cảm thứ 2 mà thôi, còn các cơn Trầm cảm tiếp theo thì Stress không có vai trò nữa.

+ Bệnh nhân có bệnh cơ thể mạn tính kèm theo như bệnh dạ dày, đại tràng, bệnh khớp, bệnh tim – phổi…

+ Sinh đẻ: nếu bệnh nhân đã có 1 cơn Trầm cảm trong tiền sử, nếu bệnh nhân sinh con thì chắc chắn cơn Trầm cảm sẽ tái phát.

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/tram_cam-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/tram_cam-yhocbandia.jpg","subHtml":""}]