Cảnh báo ngộ độc – rượu ngâm đồ rừng
Khoảng đầu năm 2016, trong một lân về quê ở Xóm Pải –Xã Phượng Tiến, Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi ( tôi & anh trai họ ) ghé qua nhà bạn thân thủa nhỏ của anh , vào thăm nhà lúc ngang chiều nửa buổi nhưng bạn anh vẫn một mực giữ ở lại ăn cơm uống rượu hàn huyên chuyện cũ. Bạn anh nói “tôi ngâm được bình rượu “Sâm” đã qua mấy năm, hôm nay có khách quý ở xa đến mới đem ra thiết đãi đấy”. Rồi anh gọi thêm 3 người em họ nhà gần đấy, vậy là vừa đủ một mâm 6 người.
Rượu ngâm “Sâm” của anh có màu vàng sẫm và mùi vị đặc trưng (saponin) như các loại rượu ngâm Nhân sâm, Đảng sâm,….tôi hỏi: anh ngâm rượu bằng“Sâm” gì đấy? a nói không biết..!, anh bảo có ông Bác họ trồng để ngâm rượu nhưng thu hoạch được nhiều nên cho bớt con cháu, bác bảo đây là loại “sâm” quý và bổ dưỡng. Tôi nhìn lờ mờ quanh bình rượu bằng thủy tinh, thấy có nhiều đoạn thân rễ to nhỏ cắt khúc, hòa cùng với rượu màu vàng đậm thầm nghĩ “chắc đây là rượu ngâm Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook f. & Thoms) và chủ quan không hỏi thêm nữa..!
Bình rượu ngâm đảng sâm
Ăn cơm & uống hết chừng 2 cốc nhỏ rượu (~100ml), nói rôm rả vài câu chuyện cũ khoảng chừng 30 phút, chúng tôi xin phép về sớm vì hôm nay đi lại phụ thuộc xe buýt, không ở lâu được và mong chủ nhà thông cảm, hẹn dịp khác lên chơi và chuyện trò lâu hơn.
Chúng tôi chào ra về, lên xe đi khoảng chừng 30 phút, a trai họ nhăn nhó nhờ tôi lấy cho vài túi bóng vì thấy đau bụng, buồn nôn. Tôi ngạc nhiên, nghĩ bụng a ko bị say xe bao giờ? sao lại buồn nôn? nhìn qua thấy a ôm bụng, mặt nhợt nhạt, trán vã mồ hôi, nghĩ hay anh đi đường xa bị cảm lạnh? Vậy là trên đường từ huyện Định Hóa đến TP. Thái Nguyên anh trai tôi nôn đầy 2 túi bóng, nôn đến khi thấy ra cả dịch dạ dày màu xanh vàng mà vẫn có cảm giác buồn nôn.
Đến điểm xuống xe buýt tôi lấy xe máy đưa a về nhà trong tình trạng người mệt lả, chân tay bủn rủn và kiệt sức. Nhưng lúc đó cả 2 anh em đều nghĩ rằng a bị cảm do nhiễm lạnh mưa phùn. Mấy hôm sau tỉnh táo lại, anh trai tôi gọi điện cho người bạn trên Định Hóa mới biết được, chiều tối hôm đó các anh em trong mâm rượu đều bị ngộ độc như tình trạng của anh, Vậy là duy nhất tôi không bị sao? Đến bây giờ cũng chưa giải thích được ! chỉ suy đoán rằng hồi bé tôi từng ăn hạt vông hay Ba đậu nam (Jatropha curcas L.) rồi bị ngộ độc đi cấp cứu, các triệu chứng lâm sàng cũng tương tự như ngộ độc loại rượu “Sâm” này, chẳng lẽ vì vậy mà cơ thể đã có chút đề kháng?
Rễ cây Thương lục thường nhầm lẫn là “Sâm”
Gần đây, tôi với anh trai trở về quê có việc gia đình, nhân tiện lại ghé qua thăm nhà bạn anh. Nói lại câu chuyện ngộ độc rượu “Sâm” năm xưa, tôi hỏi kĩ thêm về cây “Sâm” mà bác anh trồng ngâm rượu. Anh nói đã được nhìn tận mắt cây đó, nó có chùm quả chín đen như quả mồng tơi. Tôi lấy điện thoại cho anh xem ảnh cây Thương lục (Phytolacca acinosa Roxb.), anh xác nhận chính là nó. Như vậy đã rõ nguyên nhân gây ngộ độc, bình rượu “sâm” hôm đó là rượu ngâm rễ cây Thương lục, một cây có độc tính với các saponin gây nôn mạnh, rễ cây phình củ nạc nhìn bề ngoài rất giống Nhân sâm, đảng sâm…. cộng với khi đó rễ đã ngâm rượu, màu mùi vị lại càng giống “sâm” thật, thật khó để phân biệt.
Câu chuyện trên là kỷ niệm của bản thân tôi, xin chia sẻ với bạn đọc thay lời cảnh báo cho tình trạng sử dụng rượu ngâm tràn lan ở Việt Nam hiện nay. Rượu ngâm quá phổ biến trong các gia đình, quán ăn, nhà hàng, khách sạn..vv. Dân ta thường xuyên sử dụng rượu ngâm trong văn hóa tiếp khách dịp tết, lễ, hiếu, hỷ,…. Nhưng có mấy ai biết rượu ngâm là con dao 2 lưỡi? hiểu biết đúng, sử dụng đúng thì có lợi ích với sức khỏe, ngược lại thiếu hiểu biết, sử dụng bừa bãi thì có thể rước họa vào thân. Do vậy, bạn đọc cần chú ý cảnh giác và thận trọng với thông tin nguồn gốc xuất xứ các loại rượu ngâm sẵn bán trên thị trường. Đặc biệt khi dùng cần tìm hiểu kĩ thông tin hoặc tham khảo ý kiến các chuyên gia, thầy thuốc hiểu biết về y học cổ truyền, động-thực vật…vv, tuyệt đối không sử dụng rượu ngâm khi không biết rõ nguồn gốc, thành phần cấu tạo… để phòng ngừa tai họa.!
Nguyễn Văn Tuấn