Hương phụ - vị thuốc của phụ nữ

Hương phụ là vị thuốc được chế từ củ của cây Củ Gấu hay Cỏ Gấu. Tên khoa học là Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói – Cyperacae.

Cây Cỏ Gấu

Đây là loài cây cỏ sống lâu năm, thân cao từ 20cm – 60cm, mọc là là mặt đất. Lá cây nhỏ hẹp, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần non ôm lấy thân. Thân có tiết diện hình tam giác, hoa hình tán, màu xám nâu, lưỡng tính, quả bế.

Cách thu hái: Người ta thường đào lấy cả cây Củ gấu rồi sau đó vun thành đống, dùng lửa đốt cháy phần thân lá, để lại phần củ. Rửa sạch củ rồi phơi khô làm thuốc.

Dược liệu Hương phụ thành phẩm là những thân rễ hình thoi, bề ngoài có màu nâu sẫm hoặc màu đen, nhiều nếp nhăn dọc và  các đốt ngang quanh thân. Mỗi đốt nhỏ lại có nhiều lông cứng màu đen và những vết sẹo của việc cắt những rễ con để lại. Cắt ngang dược liệu sẽ thấy lõi giữa màu nâu sẫm, phần thịt bao bọc quanh lõi màu xám nhạt, đưa lên miệng nếm thì cảm nhận thấy vị đắng, mùi thơm nhẹ.

Có hai loại là Hương phụ vườn và Hải dương phụ (hương phụ biển) củ to, dài hơn. Tính chất dược liệu giống nhau. Các lương y thường sử dụng Hương phụ ở dạng thất chế hoặc tứ chế, với nhiều cách làm khác nhau.

Vị thuốc Hương phụ

Tác dụng dược lý của Hương phụ:

Theo các tác giả Vũ Văn Điền và Hoàng Kim Huyền nước sắc của Hương phụ tương tự như là chất estrogen – một loại hoóc môn nội tiết tố nữ. Trong một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉ ra, cao lỏng chiết xuất từ Hương phụ làm ức chế sự co bóp và giảm tình trạng căng thẳng đối với tử cung của động vật có thai và không có thai. So sánh tác dụng với Đương quy – vị thuốc chữa bệnh phụ khoa, thì chỉ yếu hơn một chút. Dược liệu Hương phụ cũng được các nhà khoa học chỉ ra rằng nó có tác dụng giảm đau, ức chế thần kinh trung ương đối với những loài động vật được lựa chọn để làm thí nghiệm.

Hương phụ có tính chất kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus và Sh.shiga.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, chiết xuất ethanol của Hương phụ chứa 45µg/g acit chlorogenic. Có tác dụng chống viêm và chống tăng sinh tại chỗ ở chuột trong nghiên cứu invitro. Chứng tỏ tiềm năng của loại dược liệu này trong các rối loạn viêm da.

Theo đông y Hương phụ có vị cay, hơi đắng, vào hai kinh can và tam tiêu. Có tác dụng ký khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống, chữa khí uất, ngực bụng chướng đau.

Theo sách Danh y biệt lục: "Chủ hưng trung nhiệt, sung bì mao, cứu phục lợi nhân, trưởng tu mi".

Sách Thang dịch bản thảo: "Hương phụ huyết trung chi khí dược dã. Dùng trong bài thuốc băng lậu, là thuốc ích khí mà chỉ huyết cũng có thể khử huyết ngưng. Cùng Ba đậu dùng trị tiết tả không cầm cũng trị đại tiện không thông là cùng một ý."

Sách Bản thảo cương mục: "lợi tam tiêu giải lục uất, tiêu ẩm thực tích tụ, đàm ẩm bí mãn, phù thũng phúc trướng ( mu bàn chân phù, bụng trướng), cước khí, các chứng đau tim, dau bụng, đau lợi răng, đau chân tay, đầu mặt, tai..., phụ nhân băng lậu đới hạ, kinh nguyệt không đều, bách bệnh của phụ nữ trước và sau sinh."

 Sách Bản thảo cầu chân: "Hương phụ chuyên khai uất tán khí cùng Mộc hương hành khí, mao đồng thực dị (bên ngoài giống mà thực chất khác). Mộc hương đắng nhiều nên thông khí mạch, Hương phụ đắng không nhiều nên giải uất tốt."

Hương phụ được sử dụng trong nhiều bài thuốc hay để trị bệnh. Có thể dùng Hương phụ độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để sắc uống. Cũng có thể dùng Hương phụ để nấu ăn làm món ăn bài thuốc theo kinh nghiệm trong dân gian. Một số bài thuốc chữa bệnh phụ khoa sử dụng Hương phụ như sau:

Bài 1: Khai uất, điều kinh trị kinh nguyệt không đều,đau bụng kinh, trướng vú do uất ức thần kinh

Lấy vị thuốc Hương phụ chia ra 4 phần đều nhau. Ngâm mỗi phần riêng với muối, dấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sau đó sao khô tất cả rồi tán bột mịn vo viên hoàn. Ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4 viên.

Bài 2: Trị đau bụng kinh

Tìm lấy các vị Hương phụ, Ngải diệp, Trần bì đều mỗi vị 15 gram cùng với 2 đóa nguyệt quỳ hoa. Tất cả rửa sạch rồi cho vào siêu sắc nước, uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 3: Trị nhiễm độc thai nghén, phù nề

Dùng 12 gram Hương phụ với 500 gram Bí đao. Gọt vỏ bí đao, bỏ ruột rồi thái lát, đem nấu canh cùng Hương phụ, khi nấu chín thì thêm gia vị vừa ăn. Lấy canh này ăn mỗi ngày 1 lần, duy trì từ 5 đến 10 ngày.

Bài 4: Trị rối loạn kinh nguyệt, ngày hành kinh kéo dài nhưng ít, đau bụng dưới

Nguyên liệu: 250 gram thịt bò, 10 gram Hương phụ, 12 gram Ngải cứu, 12 gram Diên hồ sách, 20 gram Gừng tươi.

Cách chế biến: Làm sạch thịt bò rồi thái miếng mỏng. Rửa sạch Hương phụ, Ngải cứu và Diên hồ sách rồi gói vào túi vải xô, rửa sạch Gừng tươi rồi đập giập. Cho tất cả vào nồi, chế nước cho ngập rồi đun dưới lửa nhỏ cho đến khi nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị vào món canh cho vừa ăn.

Cách dùng: Ăn món này ngày 1 lần. Duy trì trong 7 ngày liên tục.

Bài 5: Cao hương ngải: chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới:

Hương phụ, Ngải cứu, Ích mẫu, lá Bạch đồng nữ mỗi thứ 1 gam, thêm nước vào sắc kỹ, cô đến còn 10ml, thêm đường vào cho đủ ngọt. Ngày uống từ 3 -6 lần. Muốn cho kinh nguyệt đều uống đón kinh, 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh. Uống luôn như vậy trong 2 hay 3 tháng. Có thể dùng lâu hơn.

CN.NCV  Nguyễn Thị Quyên

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/Huong-phu1.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/Huong-phu1.jpg","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/Huong-phu2.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/Huong-phu2.jpg","subHtml":""}]