RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG

Một số rối loạn chức năng sinh dục như: xuất tinh sớm, rối loạn cương dương (liệt dương), không xuất tinh,...trở thành nỗi ám ảnh của nam giới, ảnh hưởng đến đời sống tình dục, hạnh phúc gia đình và khả năng sinh sản của nam giới.

Rối loạn cương dương

(Erectile Dysfunction-ED) là hiện tượng người đàn ông không đạt được, không duy trì được sự cương cứng dương vật để thỏa mãn nhu cầu tình dục.

Cơ chế cương dương

Khi có yếu tố kích thích các thụ thể cảm giác ở da dương vật, qui đầu, niệu đạo, và cầu thận kết hợp với các dây thần kinh lưng dương vật và dây thần kinh thẹn trong, đi vào tủy sống ở gốc thần kinh S2-S4 cùng các phần trung gian giữa đồi não và vỏ não sẽ giải phóng ra nitric oxit (NO) từ các sợi thần kinh non-cholinergic (NANC) trong khi acetylcholine được giải phóng từ các sợi thần kinh cholinergic làm hoạt hóa men guanylyl cyclase, xúc tác hình thành cyclic guanosine monophosphate (cGMP), từ đó kích hoạt protein kinase G, phosphoryl hóa các kênh Kali và Calci, làm giảm Ca++ nội bào, dẫn đến giãn cơ trơn, giãn động mạch cho phép dòng máu vào đầy dương vật, nén các tiểu tĩnh mạch để giữ máu bên trong dương vật cương cứng.

Dịch tễ học

Đây là rối loạn chức năng sinh dục nam phổ biến nhất, ước tính 44% nam giới 60–69 tuổi và 70% nam giới trên 70 tuổi có sự khó khăn khi cương dương, ở nam giới dưới 40 tuổi khoảng  5% xác nhận có ED.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương là sự kết hợp của nhiều yếu tố:

  • Lượng máu đến dương vật kém: là nguyên nhân phổ biến nhất, thường là kết quả của bệnh tiểu đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...
  • Tổn thương về thần kinh: Khi kích thích tình dục, não bộ gửi tín hiệu đến dương vật để bắt đầu quá trình cương cứng. Nếu có tổn thương thần kinh, những tín hiệu này không thể được truyền đi đúng cách. Một số tổn thương về thần kinh như tổn thương tủy sống, đa xơ cứng, đột quỵ, dây thần kinh cương dương bị tổn thương trong điều trị ung thư, xạ trị hoặc cắt bỏ tuyến tiền liệt...
  • Các vấn đề về nội tiết: Nồng độ testosterone thấp, bệnh lý tuyến giáp hay sự thay đổi prolactin có thể gây khó khăn khi cương cứng.
  • Tác dụng phụ của thuốc: ED do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị cao huyết áp (thuốc lợi tiểu Thiazide, thuốc chẹn kênh beta,  Spironolactone), tim mạch (Digoxin,...), loét dạ dày tá tràng (thuốc kháng histamin H2), mất ngủ và trầm cảm (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc, benzodiazepin, phenytoin),...
  • Bệnh của Peyronie (bệnh dương vật cong): Nhiều bằng chứng cho thấy Peyronie làm phát triển ED.
  • Các vấn đề tâm lý: Lo âu, stress, căng thẳng ảnh hưởng khả năng cương dương.
  • Tuổi tác: Theo nghiên cứu EMAS (European Male Aging Study) cứ 10 người trên 70 tuổi thì có 6 người trở lên bị rối loạn cương dương.
  • Lối sống: Lạm dụng chất kích thích rượu, thuốc lá, ma túy, thủ dâm quá nhiều, hay béo phì ảnh hưởng đến chức năng cương dương.

Điều trị

  • Một thời gian ngắn, liệu pháp tâm lý được coi là liệu pháp vừa không xâm lấn, vừa có thể kết hợp với các liệu pháp khác song chưa thực sự có hiệu quả.
  • Bổ sung hormone: bổ sung Testosterone nên trước khi điều trị bằng thuốc đặc hiệu ED, sử dụng Gonadotropin chorionic (HCG) để tăng Testosterone nhưng nhiều tác dụng phụ được phát hiện khi sử dụng phương pháp này.
  • Các chất ức chế Phosphodiesterase 5 (ức chế cGMP): Sildenafil (Viagra), Vardenafil (Levitra), và Tadalafil (Cialis). Khi sử dụng có thể gặp tác dụng phụ: đau đầu, khó tiêu, mất thính lực...
  • Phẫu thuật, cấy ghép: Sử dụng khi các phương pháp khác thất bại. Phương pháp này ít được dùng do nguy cơ cao gây mất khả năng cương dương, nhiễm trùng.
  • Bài thuốc Đông y: Tùy nguyên nhân khác nhau (do tâm tỳ lưỡng hư, thận hư hay thấp nhiệt uất kết) mà dùng các bài thuốc khác nhau, tuy nhiên thuốc thường khó uống và phải điều trị lâu dài cần sự kiên trì, bền bỉ.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.issm.info/sexual-health-qa/what-is-erectile-dysfunction1/
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4394737/
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5027992/

Doctor SAMAN
DS.NCV Nguyễn Thị Thức
Viện Y học bản địa Việt Nam

[]