Chức năng quan trọng nhất của cột sống là bảo vệ tủy sống, là nguồn dẫn thần kinh từ não cho toàn bộ cơ thể. Cùng với chức năng chính này, các chức năng khác bao gồm hỗ trợ nâng đỡ, chịu các lực bên ngoài và giúp cơ thể di chuyển, vận động linh hoạt. Cột sống được kết nối với các cơ và dây chằng để kiểm soát tư thế. Đặc biệt, vùng cột sống thắt lưng giữ phần lớn trọng lượng của cơ thể, bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nâng vật nặng. Do vậy, nếu thoái hóa cột sống thắt lưng xảy ra không những không đảm bảo các chức năng cơ bản mà còn gây khó khăn, đau đớn trong vận động.

Định nghĩa

Thoái hóa cột sống thắt lưng (Degenerative Lumbar Spine Disease-DLSD) là bệnh mạn tính, bao gồm các biến đổi thoái hóa ở đĩa đệm, thân đốt sống và ở các mỏm gai sau. Nhưng chủ yếu là thoái hóa đĩa đệm.

Thoái hóa cột sống thắt lưng gây đau

Thoái hóa đĩa đệm cột sống (thoát vị đĩa đệm) xảy ra khi lớp bao xơ bên ngoài của đĩa đệm (lão hóa hoặc thoái hóa rách ra, khối nhân keo bên trong thoát ra ngoài chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh gây ra những cơn đau cho người bệnh.

 Dịch tễ học

Thoái hóa đốt sống thắt lưng rất phổ biến, ước tính khoảng 266 triệu người (3,63%) trên toàn thế giới có DLSD mỗi năm. Thoái hóa cột sống thắt lưng gặp ở 30% nam giới và 28% phụ nữ từ 55 đến 64 tuổi (theo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu GBD 2015).

Nguyên nhân

Nguyên nhân nguyên phát: ở hầu hết các bệnh nhân DLSD là kết quả của sự hao mòn cơ học liên quan đến quá trình lão hóa (đĩa đệm mất nước, dây chằng xơ hóa, vôi  hóa dây chằng dọc sau). Yếu tố di truyền (hàm lượng collagen và khả năng tổng hợp PG của sụn), nội tiết tố có vai trò quan trọng đối với thoát vị đĩa đệm sớm.

 Nguyên nhân thứ phát: có thể là kết quả của sự biến đổi bệnh lý như chấn thương, nhiễm trùng, viêm, béo phì, chế độ dinh dưỡng hay vận động quá mức, làm việc không đúng tư thế,…

Triệu chứng lâm sàng

Thường là đau mỏi thắt lưng, các triệu chứng khác chỉ xuất hiện khi có tác nhân bên ngoài tác động vào cột sống trên cơ sở có sẵn thườn tổn thoái hóa.

  • Đau thắt lưng cấp: đau khi thực hiện các hoạt động mạnh quá sức một cách đột ngột, hạn chế vận động rõ rệt, đứng bị vẹo người hay phải đi khom do khối cơ cạnh cột sống co cứng một bên. Hay gặp ở nam hơn nữ, lứa tuổi từ 30-40.
  • Đau thắt lưng mạn: đau âm ỉ vùng thắt lưng, không có co cơ, đau tăng khi hoạt động, nằm lâu, giảm khi nghỉ ngơi. Hay gặp nhất trong thoái hóa thắt lưng, thường ở lứa tuổi trên 40, nữ nhiều hơn nam.
  • Đau thắt lưng hông: đau vùng thắt lưng (L4-L5-S1) kèm đau thần kinh hông, chủ yếu là do thoát vị đĩa đệm. đau dữ dội vùng thắt lưng, nhanh chóng lan xuống vùng đùi sau, cẳng chân, đau tăng lên khi vận động, ho, rặn. Hay gặp ở nam nhiều hơn nữ, lứa tuổi 30-50.

Triệu chứng cận lâm sàng

Chụp X-quang thông thường cột sống chỉ thấy các dấu hiệu chung của hư khớp. Chụp tia X đĩa đệm bơm thuốc cản quang, chụp tia X bao rễ thần kinh có thuốc cản quang hay chụp scane mới có thể xác định rõ.

Chẩn đoán

  • Thường dựa vào triệu chứng lâm sàng (đau lưng) và điều kiện phát bệnh, chụp X-quang chỉ có tính chất tham khảo. Chụp tia X sẽ giúp xác định bất kỳ sự mất ổn định cột sống nào có thể có.
  • Quét MRI (chụp cộng hưởng từ) thể hiện rõ ràng các tổn thương thần kinh và xác định bất kỳ khu vực nào của thoái hóa xương, dây chằng hoặc đĩa đệm.
  • Quét CT vẫn là một lựa chọn hữu ích ở những bệnh nhân khi quét MRI bị chống chỉ định, cung cấp các thông tin chi tiết về cấu trúc xương, đặc biệt ở những bệnh nhân phải trải qua quá trình cố định cột sống.
  • Điều trị

Cần kết hợp nhiều phương pháp: Nội khoa, dinh dưỡng, có thể cả ngoại khoa và vật lý.

Nội khoa

  • Các chế phẩm của Paracetamol, chống chỉ định tuyệt đối với những bệnh nhân mắc các bệnh về gan.
  • Các loại thuốc chống viêm không có nhân steroid (NSAID) dạng uống hoặc bôi vẫn được sử dụng phổ biến khi Paracetamol không đáp ứng như: Aspirin, Diclofenac, Meloxicam, Celecoxid,… Tuy nhiên cần lưu ý đến tác dụng không mong muốn khi dùng các thuốc nhóm này như: xuất huyết tiêu hóa, chảy máu, suy thận,…nếu dùng kéo dài. Việc lựa chọn các thuốc ức chế chọn lọc trên COX-2 (cyclooxygenase-2) phần nào hạn chế được tác dụng không mong muốn trên ống tiêu hóa.
  • Sử dụng Corticiod tiêm vào màng đau để chống viêm và giảm đau vẫn được xem là liệu pháp hiệu quả. Tuy nhiên sử dụng sử dụng quá nhiều ( trên 03 đợt/năm) có thể làm tổn thương sụn khớp và đòi hỏi thực hiện bằng người có trình độ, tay nghề chuyên môn cao. Corticoid dạng uống không được chỉ định do có tác dụng toàn thân, không những phân tán ít vào vị trí cần tác dụng mà còn gây những tác hại cho xương như loãng xương, xốp xương,…

Loãng xương do lạm dụng corticoid

Vật lý trị liệu

  • Có tác dụng giảm đau, sửa lại tư thế xấu, trị đau cơ đau gân kết hợp, duy trì dinh dưỡng cho cơ.
  • Các phương pháp: massage, châm cứu, siêu âm, chườm nóng, các bài tập giúp giảm đau, tăng giới hạn vận động.

Ngoại khoa

Chỉ định trong các trương hợp hạn chế chức năng nhiều, hoặc đau không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, thoái hóa cột sống thắt lưng thuộc phạm trù chứng Tích bối thống, nguyên nhân gây chứng Tích bối thống là do Phong, Hàn, Thấp thâm nhập lẫn lộn và gây bệnh. Do Thận tàng tinh chủ cốt tủy, Can tàng huyết chủ cân (gân), Tỳ vận hóa khí huyết giúp nuôi dưỡng tạng phủ và bảo vệ cơ thể tránh tà khí xâm nhập gây bệnh nên để chữa thoái hóa cột sống, đầu tiên cần phải thông kinh hoạt lạc, hành khí hoạt huyết, bồi bổ và phục hồi chức năng của Can Thận.

Doctor SAMAN
DS.NCV Nguyễn Thị Thức

 

Tài liệu tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6356370/

https://www.mdpi.com/journal/materials

Bách khoa bệnh học tập 2 – Nhà xuất bản y học

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3335178/

 

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/thoai%20hoa%20cot%20song%20yhbd.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/thoai%20hoa%20cot%20song%20yhbd.jpg","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/lam%20dung%20corticod%20yhbd.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/lam%20dung%20corticod%20yhbd.jpg","subHtml":""}]