ông lang

 

   Văn hóa bản địa, cũng như Y học bản địa, đó là tất cả những gì là đặc trưng nhất, tinh hoa nhất, để cho một dân tộc hay một đất nước này không giống một dân tộc một đất nước khác.

   Khái niệm và định nghĩa về Văn hóa từ trước tới nay cũng rất  khác nhau, đa dạng và phong phú, tùy theo quan điểm và ý thức hệ. Theo Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), năm 2002, định nghĩa Văn hóa như sau: ”Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội mà nó chứa đựng, ngoài văn học, nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

   Còn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: ”Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi sự sinh tồn”.

   Như vậy, về nghĩa nào đó, thì Y học bản địa Việt Nam cũng ở trong Văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đa sắc tộc, gồm 54 dân tộc trong đó người Kinh chiếm đa số, có bề dày hơn 4000 năm lịch sử, được hình thành và phát triển trên đất nước Việt Nam. Cho nên Y học bản địa Việt Nam cũng là tri thức của nền Y học 54 dân tộc anh em sống ở mảnh đất hình chữ S này. Chịu ảnh hưởng xa xưa từ Trung Quốc, từ các nước vùng Đông Nam châu Á & Pháp thế kỷ 19, phương Tây thế kỷ 20, toàn cầu hóa thế kỷ 21.

   Y học bản địa Việt Nam hiện nay, một mặt nó tiếp thu những thành tựu của khoa học phương Tây ,mặt khác nó cũng tiếp thu có chọn lọc y học phương Đông, đặc biệt là Trung quốc, đồng thời nó tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển nền Y học dân tộc đã được hình thành và phát triển trong suốt hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

   Nền Y học dân tộc Việt Nam của 54 dân tộc bao gồm Y học dân tộc từng dân tộc, Y học dân gian, Y học cổ truyền, hoặc theo nghĩa rộng hơn dùng cả thuốc Nam, Đông y để phòng bệnh, chữa bệnh. Tồn tại cùng với nó còn có  phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, xông hơi, luyện tập dưỡng sinh, áp dụng luyện tập Yoga để chữa bệnh, các trị liệu tâm lý khác như ám thị thôi miên, tự ám thị, ám thị tập thể… biểu hiện dưới những hình thức không được Y học chính thống thừa nhận. Dùng tâm linh, cúng bái để chữa bệnh, mà nó là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, cả ngày xưa và hiện nay. Nhất là khi người ta chẳng may bị bệnh khó chữa, bệnh hiểm nghèo mà Y học hiện đại điều trị còn nhiều hạn chế. Mỗi khi người nhà mắc bệnh Tâm thần người ta nghĩ ngay đến bị bệnh là do thần linh quở trách, do động mồ mả, do ma làm… nên phản ứng đầu tiên là cúng bái, đi tìm các thày bói, thày cúng, đến các đền chùa, miếu mạo… khi làm mọi việc đó không hiệu quả, người ta mới tìm đến thày thuốc để chữa bệnh. Đôi khi có trường hợp lại hiệu quả không ngờ.

   Đây là vấn đề tâm linh, hay mê tín, mê tín ấy có dị đoan hay không? Đây là vấn đề tâm lý hay tâm linh? Chúng ta phải nghiên cứu để có một kết luận đúng đắn, hay một câu hỏi khá hóc búa được đặt ra từ ngàn đời nay mà vẫn chưa có câu trả lời đúng đắn mang tính khoa học: liệu có thế lực siêu nhiên, điện sinh học, thần linh, liệu có ma, liệu có thế giới khác sau khi con người đã chết không?… hay tâm duy chính là duy vật chưa được biện chứng.

   Trong xã hội có đầy rẫy những chuyện mà người ta nói về chuyện tâm linh hay mê tín vì ranh giới khá mỏng manh. Có người nói khẳng định là đã nhìn thấy ma, nói chuyện với ma hay với người đã chết? Nào chuyện đi đến thày cao tay để gọi hồn nói chuyện với người thân đã chết không phải là hiếm; nào chuyện ốm đau do động mồ mả, long mạch; nào chuyện mấy bà mấy cô cứ phải một năm vài lần phải đi hầu đồng, hầu thánh thì mới được khỏe mạnh, không thì ốm đau, quặt quẹo… không thể kể hết được. Có người nhìn thấy ma, người khác lại không, nên trong dân gian mới có câu “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, có người đi gọi hồn thì có kết quả, có ngược lại không được, người ta bảo sở dĩ  như vậy là do không có tâm, đứng trên quan điểm duy vật thì cho những người ấy yếu bóng vía nên mới như vậy, hay về Tâm thần học có thể giải thích do ám thị, thôi miên, do hoang tưởng ảo giác gây ra, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ sức thuyết phục, nên mọi chuyện đó vẫn diễn ra.

   Ở một vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ cách thành phố Thái nguyên hơn 10 km, có tục cúng trả nợ, nghe rất lạ, nhưng đó là sự thật, nội dung đại loại như sau: khi trong nhà chẳng may có người ốm đau, gia chủ thắp nhang khấn tổ tiên, các vị thần linh phù hộ cho khỏi bệnh, sau 3 ngày chúng con sẽ hậu tạ, nếu khỏi đúng sau 3 ngày họ sắm lễ vật đầy đủ để tạ lễ tổ tiên, thần linh. Còn không khỏi tất nhiên không có lễ, vì bản tính họ thật thà và rất sòng phẳng.

   Một thí dụ điển hình của văn hóa tâm linh, đó là hát chầu văn, hát chầu văn mang tính chất tâm linh, có âm nhạc và lời ca trau chuốt, nghiêm trang mang ý nghĩa hầu thánh (hay còn được biết là tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng tứ phủ). Có một thời tín ngưỡng thờ mẫu đã bị tác động bởi các yếu tố  khách quan, đã không còn được trong sáng và nguyên gốc như khi ra đời, cũng vì thế bị quy cho là dị đoan. Thời gian gần đây, những vướng mắc đó mới được gỡ bỏ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã chính thức coi đây là một loại hình di sản vă hóa phi vật thể tiêu biểu. Tuy thế nhưng cho đến nay, tín ngưỡng thờ Mẫu bị bao phủ một làn sương huyền bí. Hiện nay chúng ta cũng đang đề nghị UNESCO công nhận nghi lễ hát chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

   Vì vậy chúng ta phải đứng trên quan điểm khoa học để nhìn nhận, nghiên cứu vấn đề vẫn đang tồn tại trong xã hội là tại sao hầu đồng, hầu bóng, cúng bái v.v vừa là phong tục, vừa là tín ngưỡng từ xa xưa, lại có tác dụng vừa phòng bệnh vừa chữa bệnh, và có khi lại có kết quả rõ rệt. Không nên chụp cho nó cái mũ duy tâm, phản khoa học, bởi lẽ trình độ phát triển của khoa học có thể chưa đủ điều kiện để giải thích các sự kiện tâm linh.

   Chúng ta cứ thử đặt câu hỏi rất khách quan và cũng rất đơn giản là mặc dù chúng ta không khuyến khích hoặc có khi chúng ta cấm những việc cúng bái, lên đồng, hầu bóng, bói toán… để chữa bệnh. Nhưng nó vẫn tồn tại, chắc chắn nó có cái gì đó “đúng” thì người dân người ta mới theo như vậy, chứ không phải “mê tín dị đoan”. Vì người dân không phải người ta lạc hậu hết đâu, có cái  người ta cũng khôn lắm, nếu tất cả đều không đúng hoặc không kết quả, chắc chắn họ cũng không tin và không theo.

   Nếu dùng tâm linh chữa bệnh (tạm gọi như vậy), mà có hiệu quả tốt, thì đứng về mặt khoa học hiện nay chúng ta giải thích hiện tượng này thế nào? Nó là do tâm linh, hay có một lực lượng siêu hình nào mà chúng ta chưa biết, hay chỉ là do yếu tố tâm lý, tâm thần? Có kết quả nhưng không giải thích được cả hàng trăm năm nay thì liệu cứ cố gắng giải thích không? Chả khác gì có cây thuốc chữa khỏi bệnh nhưng không nhất thiết phải chứng minh khỏi do chất gì.

   Cho nên chúng ta cần phải nghiên cứu vấn đề này nhưng chắc chắn không hề đơn giản.

   Về Y học dân tộc dùng thuốc Nam chữa bệnh, việc dùng thuốc Nam chữa bệnh đã có từ ngàn xưa, thuốc Nam điều trị bệnh có hiệu quả, điều đó đã được khẳng định. Việc nghiên cứu thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ thảo dược để chăm sóc sức khỏe con người là vấn đề lớn và thời sự được đặt ra, cả thế giới cũng như Việt nam, vì qua một thời gian dài sử dụng thuốc Tây để chữa bệnh, ngoài những ưu điểm vượt trội của nó, người ta thấy có nhiều tác dụng không mong muốn của nó, nên người ta có xu hướng dùng thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên để an toàn.

   Ở Việt nam chúng ta, một điều rất cơ bản và thuận lợi là nằm ở vùng khí hâu nhiệt đới, mưa nhiều, đa dạng về sinh học, cây cối phát triển quanh năm, rất nhiều loài cây có thể làm thuốc, với 54 dân tộc, đất nước với hơn 4000 năm lịch sử, đã để lại cho thế hệ hôm nay một nền Y học dân tộc vô cùng phong phú và quý báu. Nhưng đáng tiếc là theo thời gian, nó có thể mai một hoặc mất đi vì người già ai chả phải chết, cả những kinh nghiệm chữa bệnh và những bài thuốc quý cũng đi theo họ về cõi vĩnh hằng, nếu chúng ta không gìn giữ, bảo tồn nó.

   Người ta thường nói rằng nói thì dễ, làm thì khó thật đúng vì gìn giữ, bảo tồn những cây thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh hay là rất khó. Làm sao phát hiện sưu tầm những bài thuốc gia truyền, nhưng phương pháp chữa bệnh hiệu quả, vì đã gọi là gia truyền, là tâm linh thì người ta giữ rất bí mật, chỉ truyền cho người thân thiết, tin cậy, có khi vô giá.

 

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/10\/ong_lag.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2013\/10\/ong_lag.jpg","subHtml":"\u00f4ng lang"}]