Củ nưa (Morphophallus konjac) một trong những món ăn dân gian, đang được dùng để sản xuất tinh bột dùng trong lĩnh vực thực phẩm (làm miến, bột năng), thực phẩm chức năng (giảm cân, giảm mỡ máu cho người tiểu đường, xơ vữa động mạch) và cũng là một vị thuốc trong y học cổ truyền các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Philippin và Việt Nam.
Tại Viện Y học Bản địa Việt Nam, củ nưa được trồng trên vùng núi Tả Phìn Hồ – Hà Giang, được thêm vào công thức thuốc hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên các bằng chứng nghiên cứu khoa học sau:
1. Dịch chiết cồn 95% của củ nưa cho thấy tác dụng kích hoạt cái chết theo chu trình (apoptosis) ở tế bào ung thư gan (Huh7 và H22) và ung thư dạ dày (SGC-7901 và AGS). Dịch chiết phân đoạn bằng ligarine có tác dụng ức chế tế bào ung thư ở nồng độ IC50 trong khoảng 35 – 45 µg/mL. Trên mô hình chuột, liều 100 mg/kg cho hiệu quả ức chế tương đương với thuốc hóa trị 5-fluorouracil (5-FU) (25 mg/kg).
2. Dịch chiết phân đoạn ethyl acetat của củ nưa, nồng độ 180 µg/mL có khả năng ức chế sự sinh trưởng, phát triển, di căn và xâm lấn của tế bào ung thư vú (MCF-7) thông qua giảm con đường truyền tín hiệu PI3K/Akt.
3. Một điều đặc biệt, thành phần chính glucomannan trong củ nưa có tác dụng cải thiện môi trường vi mô xung quanh khối u – một trong những yếu tố quan trọng làm khối u phát triển và kháng liệu pháp miễn dịch. Cụ thể, Glucomannan, liều 2 – 4 mg làm tăng cường miễn dịch giúp ức chế sự phát triển khối u vú bằng cách tăng IFN-γ, Th1, đồng thời giảm phản ứng của tế bào T điều hòa (regulatory T cells) do giảm biểu hiện gen TGF-β và Foxp3.
Lưu ý: việc dùng củ nưa cùng với thuốc chống sốt rét như chloroquine sẽ làm giảm tác dụng ức chế của khối u.
Nhóm biên tập và đưa tin: Hoàng Sầm, Nguyễn Thị Hương,
Ma Thị Hoàn và Vũ Thị Thanh Hằng.