Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) là thảo dược quý trong y học cổ truyền, từng được sử dụng bởi vua chúa để tăng cường sức khỏe, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ. Nhờ đặc tính quý hiếm và công dụng đa dạng, Giảo cổ lam được mệnh danh là “nhân sâm phương Nam”. Ở Việt Nam, cây mọc hoang tại các vùng núi cao mát mẻ như Tả Phìn Hồ (Hà Giang), nơi hiện đã phát triển thành vùng trồng dược liệu.
Thành phần chính của Giảo cổ lam là saponin (gấp 3–4 lần nhân sâm) và flavonoid, cùng nhiều khoáng chất như selen, sắt, kẽm, mangan và phốt pho. Nhờ các hoạt tính chống viêm, chống oxy hóa, chống huyết khối…, chiết xuất từ Giảo cổ lam – đặc biệt là Gypenosides – được nghiên cứu rộng rãi về khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh hiện đại, trong đó có ung thư.
Trong nghiên cứu gần đây, Gypenosides được thử nghiệm trên hai dòng tế bào ung thư người: ung thư ruột kết (SW620) và ung thư thực quản (Eca-109). Kết quả cho thấy Gypenosides ức chế sự tăng sinh và di chuyển của tế bào ung thư theo cơ chế phụ thuộc liều và thời gian.
- Trên tế bào SW620, nồng độ ≥100 μg/mL gây tổn thương tế bào rõ rệt (p < 0,01), với giá trị IC50 sau 24, 48 và 72 giờ lần lượt là 108,81 – 89,29 – 61,68 μg/mL.
- Trên tế bào Eca-109, IC50 tương ứng là 149,39 – 139,21 – 112,39 μg/mL.
Gypenosides cũng làm giảm khả năng di chuyển tế bào ung thư trong thí nghiệm vết thương, cho thấy tác dụng ức chế di căn tiềm năng.
Tóm lại, Giảo cổ lam không chỉ là một dược liệu truyền thống mà còn là nguồn hoạt chất tự nhiên có triển vọng ứng dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư. Đây là hướng đi đầy hứa hẹn cho y học hiện đại và y học bản địa kết hợp, mang lại cơ hội mới cho người bệnh.
Nhóm biên tập và đưa tin: Hoàng Sầm, Nguyễn Thị Hương,
Ma Thị Hoàn và Vũ Thị Thanh Hằng.