Lá Nhội – đặc trị Trùng roi âm đạo

Cây Nhội hay còn gọi là cây Quả cơm nguội, cây Xích mộc, tên khoa học là Bischofia javanica Blume, thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.

Trước đây, cây Nhội thường chỉ được biết đến để làm rau ăn, lá non được dùng làm gỏi cá, ăn cùng cá Hồi do có vị chát khử tanh hiệu quả. Đến nay, đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về tính vị và tác dụng của cây Nhội. Theo đó, cây nhội vị hơi cay, chát, tính mát; tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc.

Cây Nhội là loại thân gỗ, cao 15 – 20m, lá kép có 3 lá chét hình trứng, mép lá có khía răng. Cụm hoa hình chùy, mà lục nhạt. Quả thịt hình cầu, màu nâu. Mùa hoa vào tháng 2 – 3, mùa quả tháng 6 – 8.

Cây Nhội – Tả Phìn Hồ

Ở Việt Nam, Nhội phân bố rải rác khắp các vùng núi, trung du và đồng bằng. Bộ phận được dùng làm thuốc gồm vỏ, thân, rễ, lá thu hái quanh năm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lá Nhội chứa rất nhiều chất như: vitamin C, tanin galic, glucit, protit, caroten, các flavonnoid và nước. Ngoài ra, còn có axit betulenic, acetat friedelinol (+) – roxburgolon ức chế mạnh sự phát triển của dòng tế bào ung thư leukemia P.388.

Tiêu bản lá Nhội – Tả Phìn Hồ

Công dụng và bài thuốc sử dụng lá Nhội: trong nghiên cứu mới nhất so sánh về tác dụng của các dạng sử dụng của lá Nhội và thuốc carbazol (thuốc trị trùng roi âm đạo). Kết quả cho thấy: sử dụng ở dạng cao có tác dụng tốt nhất so với các dạng khác cả về mặt giảm triệu chứng lâm sàng cũng như kết quả xét nghiệm. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh bằng cao lá nhội xấp xỉ bằng tỷ lệ khi chữa với thuốc carbazol.

Ngoài những ưu điểm như diệt ký sinh trùng nhanh, không gây cương tụ, không làm rát âm đạo, tỷ lệ khỏi bệnh tương đối cao (72%), sau khi điều trị khỏi thì bệnh nhân không bị nhiễm nấm âm đạo.

Cách điều hế cao lá nhội chữa trùng roi âm đạo:

Nguyên liệu: lá nhội tươi: 1 kg

Sơ chế: cắt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước.

Thực hiện: cắt nhỏ, sắc cùng với một lít nước, đun sôi lăn tăn trong 15 phút, tắt bếp ủ 3 giờ. Lọc lấy nước, rồi cô nhỏ lửa để được cao mềm, khoảng 50ml cao.

Cách dùng: Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm có trùng roi âm đạo sẽ được điều trị trong 10 ngày liên tiếp. Hàng ngày vào buổi sáng, bệnh nhân đến làm thuốc 1 lần; lấy khí hư xét nghiệm, sau đó thụt rửa âm đạo, lau sạch rồi bôi/đặt cao lá Nhội vào trong âm đạo. Vì vậy, để đạt hiệu quả trong phương pháp điều trị, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được chữa trị đúng cách.

Cũng có thể dùng 20 -40 gr lá tươi sắc nươc uống.

Lá Nhội tươi

Ngoài ra lá Nhội còn được dùng để chữa lỵ, tiêu chảy với liều 40 – 60 gr dưới dạng thuốc sắc. Lá Nhội cùng với lá dâu gia, lượng bằng nhau 50gr, giã nhỏ trộn ít giấm, bôi chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Vỏ thân cây Nhội phối hợp với lá Đậu chiều chữa sâu quảng có tác dụng tốt: vỏ nhội băm nhỏ, nấu với nước cho thật đặc để rửa vết thương.

Theo tài liệu nước ngoài, lá Nhội sắc hoặc nấu cao để chữa bỏng, rễ có tác dụng lợi tiểu. Ở Trung quốc nước sắc lá Nhội chữa viêm gan: lá nhội tươi 60gr, hợp hoan bì 15gr, tích tuyết thảo 30gr, đường kính 15gr, sắc nước uống.

Như vậy, cây Nhội từ một loài cây được dùng làm thực phẩm, qua nghiên cứu chúng ta thấy được tác dụng rất hữu ích của nó, đặc biệt là tác dụng chữa viêm âm đạo do trùng roi ở phụ nữ. Từ đó, có thêm nguồn dược liệu quý chữa bệnh, nâng cao chất lượng sống cho con người.

NCV. Nguyễn Thị Quyên

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/cay-nhoi-1.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/cay-nhoi-1.jpg","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/tieu-ban-la-nhoi2.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/tieu-ban-la-nhoi2.png","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/la-nhoi-tuoi3.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/la-nhoi-tuoi3.jpg","subHtml":""}]