Về lâm sàng chúng tôi thường chẩn đoán trầm cảm khá đơn giản và cũng dường như ít khi sai sót:

  1. Quan sát thấy bệnh nhân đến khám đi lại chậm chạp, dè dặt trong giao tiếp, thường tới 95% trường hợp có người đi kèm; ít nói, thưa chuyện hoặc đáp ứng chậm, không nhìn thẳng vào mắt bác sỹ;
  2. Có cảm giác chán đời, chán công việc, chán cuộc sống, không hy vọng ngày mai hoặc tương lai có viễn cảnh tốt hơn; không tin vào viên cảnh tương lai;
  3. Thường hình dung về cái chết của người thân, của bản thân, ám ảnh về cái chết, suy nghĩ về viễn cảnh sau khi chết;
  4. Uống rượu, làm tình, đi nắng, gặp nhóm bạn hợp tính tình, có người nịnh... thì đỡ vài ngày, vài giờ;
  5. Năng suất làm việc kém, bỏ việc đang làm dở dang, thiếu kiên định;
  6. Mất sức sống, chán sống...
  7. Xảy ra sau nhưng sang chấn tâm lý trước thời điểm khám bệnh 5-8 năm;

Theo thông báo của WHO vào ngày 30/01/2020: Trầm cảm (TRC) là một rối loạn tâm thần phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi, TRC là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật trên toàn cầu và là tác nhân chính gây ra gánh nặng trên toàn thế giới. Phụ nữ bị TRC hơn nam giới, TRC có thể dẫn tới tự sát. Hiện nay, đã có phương pháp điều trị tâm lý và dược lý hiệu quả cho TRC loại vừa và nặng.

Tổng quát về TRC

+ TRC Là căn bệnh phổ biến trên thế giới với >264 triệu người bị mắc (1), TRC có thể dẫn đến tự tử, gần 800.000 người chết do tự tử hàng năm; Tự tử do TRC là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở lứa tuổi từ 15-29 tuổi.

+ Có từ 76-85% người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không được điều trị trầm cảm (2) do các nguyên nhân như: Thiếu nguồn nhân lực, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sự kỳ thị của xã hội, thiếu sự đánh giá chính xác về bệnh TRC ở tất cả các quốc gia nên không có chẩn đoán chính xác, có những trường hợp không bị bệnh TRC mà vẫn chẩn đoán là bệnh này và được dùng thuốc chống trầm cảm điều trị.

Gánh nặng TRC và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác đang gia tăng trên toàn cầu. Một nghị quyết của Hội đồng y tế thế giới đã được thông qua vào tháng 5/2013, đã kêu gọi một phản ứng toàn diện, phối hợp đối với các rối loạn tâm thần ở cấp quốc gia.

+ Rối loạn TRC tái phát: Rối loạn này liên quan đến các giai đoạn của TRC được lặp đi lặp lại, với các triệu chứng như tâm trạng chán nản, mất hứng thú và thích thú, giảm năng lượng hoạt động tâm thần dẫn đến hoạt động của người bệnh giảm dần (ít nhất trong 2 tuần). Ngoài ra bệnh nhân còn bị các triệu chứng khác như: Lo âu, rối loạn giấc ngủ và thèm ăn, có thể có cảm giác tội lỗi hoặc giá trị bản thân thấp kém, kém tập trung tư tưởng… tùy thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng một giai đoạn của TRC có thể được phân làm 3 loại nhẹ, trung bình và nặng. Một cá nhân ở 1 giai đoạn TRC nhẹ sẽ gặp một số khó khăn trong các hoạt động xã hội và các công việc bình thường. Trong giai đoạn TRC nặng, mất khả năng tiếp tục các hoạt động xã hội, công việc.

+ Rối loạn cảm xúc lưỡng cực: loại TRC này thường bao gồm cả giai đoạn trầm cảm và giai đoạn hưng cảm, giữa hai giai đoạn có khoảng cách bình thường về tâm thần. Các cơn hưng cảm liên quan đến cảm xúc tăng cao như bệnh nhân trở nên cáu kỉnh, hoạt động quá mức, nói nhiều hơn, tự cao, ảo tưởng về năng lực bản thân, và lòng tự trọng được thổi phồng quá mức, giảm nhu cầu ngủ.

Yếu tố đóng góp và phòng ngừa: TRC là kết quả của sự tương tác của các yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học, những người đã trải qua sự bất lợi trong cuộc sống (thất nghiệp, mất người thân, chấn thương về tâm lý…) có nhiều yếu tố nguy cơ bị TRC. Ngược lại, TRC có thể dẫn đến căng thẳng và rối loạn chức năng nhiều hơn trong cuộc sống của người bị bệnh TRC. Có mối liên hệ giữa TRC và sức khỏe thể chất, chẳng hạn bệnh tim mạch có thể dẫn đến TRC và ngược lại.

Các chương trình phòng ngừa đã được chứng minh là giảm được bệnh TRC, như mô hình trường học để tăng cường những suy nghĩ tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên. Can thiệp cho cha mẹ của các trẻ có vấn đề về hành vi có thể làm giảm các triệu chứng bị TRC của cha mẹ và cải thiện kết quả cho con cái của họ. Các chương trình tập thể dục cho người cao tuổi cũng có thể có hiệu quả trong chống TRC.

Điều trị: Có phương pháp điều trị hiệu quả cho TRC vừa và nặng, đó là phương pháp điều trị tâm lý như kích hoạt hành vi, trị liệu hành vi nhận thức (CBT), tâm lý trị liệu giữa các cá nhân (IPT), hoặc sử dụng các thuốc chống TRC như thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSR), và thuốc chống TRC 3 vòng (TRCRI). Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên ghi nhớ tác dụng phụ có thể liên quan đến sử dụng thuốc chống TRC, khả năng can thiệp về chuyên môn/và khả năng điều trị và sở thích cá nhân.

Các định dạng điều trị tâm lý khác nhau để xem xét bao gồm các phương pháp điều trị tâm lý trực diện (trực tiếp) cá nhân và/ hoặc nhóm, được hướng dẫn và giám sát bởi các chuyên gia và nhà trị liệu là giáo viên.

Phương pháp điều trị tâm lý xã hội cũng có hiệu quả với loại TRC nhẹ. Các thuốc chống TRC có thể là một hình thức điều trị cho TRC trung bình và nặng, nhưng không phải là phương pháp điều trị đầu tiên cho TRC nhẹ, chúng không nên được sử dụng để điều trị TRC ở trẻ em và không phải là phương pháp điều trị đầu tiên cho thanh thiếu niên.

Phản ứng của WHO: TRC là một bệnh được WHO ưu tiên bởi chương trình hành động khoảng cách về sức khỏe tâm thần của WHO (mhGAP), chương trình nhằm mục đích giúp các quốc gia tăng cường dịch vụ cho người bị rối loạn tâm thần, thần kinh và sử dụng các chất gây nghiện thông qua chăm sóc được cung cấp bởi nhân viên y tế không phải là chuyên gia về sức khỏe tâm thần, WHO đã phát triển các hướng dẫn can thiệp tâm lý ngắn cho bệnh TRC được cung cấp bởi các giáo viên.

Tiến sỹ bác sỹ cao cấp Ngô Quang Trúc

(Biên tập và dịch)

Tài liệu liên quan:

1.GBD 2017: Công tác về bệnh tật và tỷ lệ măc bệnh (2018). Tỷ lệ lưu hành toàn cầu, khu vực và quốc gia, tỷ lệ lưu hành và nhiều năm sống trong tình trạng khuyết tật đối với 354 bệnh và thương tật ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017. Một phân tích có hệ thống cho nghiên cứu về bệnh tật toàn cầu năm 2017. Lancet.

2. Wang và cộng sự : Sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho chứng lo âu, tâm trạng và rối loạn thể chất ở 17 quốc gia trong cuộc điều tra sức khỏe tâm thần thế giới của WHO năm 2007.

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/05.2020\/depression-who.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/05.2020\/depression-who.jpg","subHtml":""}]