Tâm thần kinh

Loạn khí sắc

Hiện nay trên thế giới các nhà tâm thần học vẫn còn những quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề trong tâm thần học như bệnh nguyên bệnh sinh, phân loại triệu chứng bệnh, phân loại bệnh…, do đó các nhà nghiên cứu, các bác sỹ chuyên khoa tâm thần thường sử dụng bảng […]

Hiện nay trên thế giới các nhà tâm thần học vẫn còn những quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề trong tâm thần học như bệnh nguyên bệnh sinh, phân loại triệu chứng bệnh, phân loại bệnh…, do đó các nhà nghiên cứu, các bác sỹ chuyên khoa tâm thần thường sử dụng bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD) của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và bảng phân loại bệnh của Hội tâm thần học của Hoa kỳ (DSM), để dùng trong nghiên cứu cũng như trong chẩn đoán, điều trị bệnh tâm thần. Trong bài Trầm cảm và lo âu, chúng tôi đã bàn về thuật ngữ trong tâm thần học, thật đúng khi nói rằng thuật ngữ dùng trong ngành tâm thần học là rất phức tạp, còn nhiều điều còn phải tiếp tục nghiên cứu để tìm ra “chân lý khách quan” để đi đến thống nhất trên phạm vi toàn thế giới.

Loạn khí sắc là một ví dụ về điều đó. Loạn khí sắc theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ X (ICD-X), có thể là loạn khí sắc thuộc mục 34.1 bao gồm:

  • Tâm căn trầm cảm.
  • Rối loạn nhân cách trầm cảm.
  • Trầm cảm tâm căn (có thời gian kéo dài hơn 2 năm).
  • Trầm cảm lo âu dai dẳng.

Nhưng Loạn khí sắc mà chúng tôi giới thiệu sau đây theo quan điểm của DSM – IV  năm 1994 (Hội Tâm thần học Hoa kỳ) có thể có phần khác so với ICD – X (1992 ), để bạn đọc tham khảo và từ đó có thể biết sâu hơn về trầm cảm.

1. Khái niệm:

Thuật ngữ loạn khí sắc có nghĩa là bệnh bực bội, được sử dụng từ năm 1980, trước đó, loạn khí sắc được gọi là bệnh Trầm cảm suy nhược.

  • Loạn khí sắc là một loại của rối loạn cảm xúc, bệnh tiến triển dần dần thành mạn tính, bệnh nhân có ít nhất 2 năm mang một số triệu chứng của Trầm cảm nhưng với cường độ thấp.
  • Theo DSM –IV-TR  của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, đặc điểm nổi bật của loạn khí sắc là cảm giác không hài lòng, vô dụng, kích động, cáu gắt, bị loại ra khỏi xã hội, mất hứng thú, giảm hoặc mất khả năng lao động và học tập.
  • Loạn khí sắc khác với Trầm cảm chủ yếu là bệnh nhân luôn trong tình trạng buồn bã. Hầu hết các trường hợp đều khởi phát rất sớm ở độ tuổi thiếu niên và tuổi vị thành niên (trước 20 tuổi). Các nhà nghiên cứu nhận thấy các bệnh nhân bị loạn khí sắc thường có tiền sử gia đình liên quan đến Trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • Loạn khí sắc cũng là một bệnh phổ biến, chiếm khoảng tư 5 – 6% dân số. Bệnh này cũng hay gặp trong các bệnh viện Tâm thần (ảnh hưởng đến 1/3 đến 1/2 số bệnh nhân nằm nội trú tại bệnh viện). Ở trẻ em,  loạn khí sắc được coi là xuất hiện ngang nhau ở cả hai giới nam và nữ, thường gây ảnh hưởng đến học tập cũng như các hoạt động khác của trẻ.Tỷ lệ loạn khí sắc ở tuổi vị thành niên là xấp xỉ 8% ở nam và 5% ở nữ.
  • Ở trẻ em và vị thành niên có loạn khí sắc thường là bị kích thích và thất thường như trong trầm cảm. Ở nhóm bệnh nhân lứa tuổi này, chúng có sự giảm sút về sự tự tin, về thái độ với xã hội giảm và thường có trạng thái hay bi quan.
  • Ở người lớn loạn khí sắc ở nữ giới nhiều hơn nam giới, hay gặp ở những người không xây dựng gia đình và có mức sống thấp so với xã hội.
  • Qua nghiên cứu, các tác giả rút ra rằng: loạn khí sắc hay phối hợp với bệnh tâm thần khác, đặc biệt là bệnh Trầm cảm, rối loạn lo âu (đặc biệt là cơn hoảng sợ kịch phát), lạm dụng chất, rối loạn nhân cách…
  • Người ta thấy điều trị bệnh loạn khí sắc cũng dùng thuốc chống Trầm cảm, thuốc an thần kinh, thuốc điều chỉnh khí sắc… tuỳ theo từng trường hợp.

2.Bệnh sinh.

2.1.  Yếu tố sinh học.

Các yếu tố sinh học chứng minh rằng:  loạn khí sắc nằm trong rối loạn cảm xúc. Nhiều tác giả cho rằng cơ sở sinh học của rối loạn khí sắc giống như của trầm cảm chủ yếu, nhưng cơ bản dựa vào hai hiện tượng sau đây:

  • Nghiên cứu về giấc ngủ: giảm thời gian vận động nhãn cầu nhanh (REM) và tăng mật độ của REM là 2 trạng thái đặc trưng của trầm cảm chủ yếu, hiện tượng này cũng có trong rối loạn khí sắc.
  • Nghiên cứu các chất dẫn truyền thần kinh: các nghiên cứu trên Adrenalin và Thyroid qua test Dexamethason của trầm cảm chủ yếu và rối loạn khí sắc gần giống nhau

2.2 Yếu tố tâm lý.

  • Giả thiết động lực tâm lý cho rằng  loạn khí sắc là hậu quả của rối loạn nhân cách và sự phát triển của cái tôi một cách lệch lạc khi đối đầu với các khó khăn ở tuổi vị thành niên và tuổi trẻ.
  • Giả thiết của nhận thức trầm cảm cũng có thể áp dụng cho loạn khí sắc. Sự mâu thuẫn giữa yêu cầu của tình huống xã hội và khả năng đáp ứng của con người đã dẫn đến giảm sự tự tin và cảm giác không được giúp đỡ.
  • Sử dụng liệu pháp nhận thức có thể điều trị thành công một số trường hợp loạn khí sắc.

3. Đặc điểm lâm sàng.

3.1 Triệu chứng.

Bệnh nhân loạn khí sắc có khí sắc trầm cảm mạn tính, xuất hiện phần lớn trong ngày và tồn tại hầu như hàng ngày trong thời gian ít nhất là 2 năm. Các bệnh nhân loạn khí sắc thường tự nhận thấy khí sắc buồn hoặc khí sắc giảm nhiều so với trước. Nhưng ở trẻ em rối loạn khí sắc lại thường khí sắc kích thích hay gặp hơn là khí sắc trầm cảm và chỉ cần kéo dài tối thiểu 1 năm.

Trong thời gian khí sắc trầm cảm, có ít nhất hai trong số các triệu chứng thêm vào sau được biểu hiện:

  • Giảm cảm giác ngon miệng hoặc ăn quá nhiều
  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
  • Giảm năng lượng hoặc mệt mỏi.
  • Giảm sự tự tin.
  • Giảm tập trung và khó quyết định.
  • Cảm giác mất hy vọng.

Các bệnh nhân hay than phiền về những biểu hiên nổi bật của giảm thích thú.Họ thường than phiền về những điều khó chịu hoặc không có khả năng của mình. Các triệu chứng này xuất hiện trong các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, nhưng khi khám bệnh thì các triệu chứng này lại ít được phát hiện.

Trong giai đoạn 2 năm (1 năm cho thiếu niên và vị thành niên) bị bệnh, không khi nào có các quãng thời gian lớn hơn hai tháng mà không có các triệu chứng đã nói ở trên.

Chẩn đoán là loạn khí sắc được đặt ra chỉ khi giai đoạn 2 năm đầu có triệu chứng loạn khí sắc nhưng không được có một giai đoạn trầm cảm chủ yếu nào. Nếu như các triệu chứng của loạn khí sắc có thêm các triệu chứng của một giai đoạn trầm cảm chủ yếu trong 2 năm đầu tiên thì chẩn đoán là rối  loạn trầm cảm chủ yếu mạn tính (nếu thoả mãn đầy đủ các tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm chủ yếu) hoặc rối loạn trầm cảm chủ yếu lui bệnh không hoàn toàn (nếu hiện tại không thoả mãn toàn bộ các tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm chủ yếu).

Sau hai năm đầu của loạn khí sắc, các giai đoạn trầm cảm chủ yếu có thể thay thế cho loạn khí sắc khi đó chẩn đoán sẽ là cả trầm cảm chủ yếu và loạn khí sắc.

Nếu bệnh nhân đã có một giai đoạn hưng cảm, pha trộn hoặc hưng cảm nhẹ hoặc loạn khí sắc chu kỳ thì khi đó không được chẩn đoán là loạn khí sắc.

Chúng ta không được chẩn đoán là loạn khí sắc nếu các triệu chứng xuất hiện trong phạm vi của một rối loạn tâm thần như: Tâm thần phân liệt hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Trong trường hợp này loạn khí sắc được coi là các yếu tố phối hợp của các rối loạn trên.

Tương tự loạn khí sắc không được đặt ra nếu rối loạn này là kết quả rối loạn sinh lý trực tiếp của một chất, ví dụ: rượu, thuốc chống cao huyết áp…, hoặc một bệnh nào đó của cơ thể, ví dụ: bệnh Nhược giáp, bệnh Alzheimer

3.2  Các yếu tố và tổn thương phối hợp

Các yếu tố phối hợp của loạn khí sắc và trầm cảm chủ yếu là giống nhau. Nhiều nghiên cứu cho rằng các triệu chứng hay gặp nhất trong loạn khí sắc là cảm giác bị hẫng hụt, mất thích thú và sở thích nói chung, hoạt động xã hội kém, cảm giác tội lỗi hoặc có lỗi với những gì đã xảy ra, cảm giác bị kích thích hoặc phóng đại quá mức và hiệu quả hoạt động giảm sút. Ở bệnh nhân loạn khí sắc các triệu chứng thần kinh thực vật, thay đổi giấc ngủ, cảm giác ngon miệng, khối lượng cơ thể và các triệu chứng tâm thần vận động… được cho là ít gặp hơn so với trầm cảm chủ yếu.

  • Loạn khí sắc có thể phát triển thành trầm cảm chủ yếu trong những năm tiếp theo.Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 10% trong tổng số bệnh loạn khí sắc sẽ trở thành trầm cảm chủ yếu.
  • Loạn khí sắc có thể được phối hợp với rối loạn nhân cách. Tuy nhiên đánh giá rối loạn nhân cách ở những bệnh nhân loại này lại rất khó khăn.
  • Loạn khí sắc cũng phối hợp với nghiện rượu, nghiện ma tuý, hoặc stress tâm lý. Ở trẻ em, loạn khí sắc có thể được phối hợp với rối loạn tăng động, khó tập trung chú ý, rối loạn điều chỉnh, rối loạn lo âu, rối loạn học tập và chậm phát triển tâm thần…

3.3  Tiến triển

  • Loạn khí sắc thường khởi phát sớm và diễn biến chậm nhưng phát triển mạn tính.
  • Gần 50% số bệnh nhân loạn khí sắc có các triệu chứng khởi phát diễn ra từ từ trước tuổi 25, ở các bệnh nhân này thực ra đã có các triệu chứng đã diễn ra hàng chục năm trước khi họ chịu đi khám bệnh ở thày thuốc chuyên khoa tâm thần, và có thể nói rằng: rối loạn khí sắc khởi phát đã chiếm một phần đáng kể thời gian trong cuộc đời của họ.
  • Bệnh nhân khởi phát sớm có nguy cơ cao phát triển thành trầm cảm chủ yếu hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Khoảng 20% bệnh nhân loạn khí sắc sẽ tiến triển thành trầm cảm, khoảng 20% bệnh nhân loạn khí sắc tiến triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • Người ta cũng thấy: khoảng  25% số bệnh nhân loạn khí sắc không bao giờ đạt được mức độ hồi phục hoàn toàn, nhưng nhìn chung các bệnh nhân loạn khí sắc đều có tiên lượng tốt khi được điều trị.

4. Điều trị

  • Trước đây người ta cho rằng loạn khí sắc chỉ cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý,  nhưng ngày nay quan niệm đó đã thay đổi, tức là phải dùng thuốc chống trầm cảm song song với liệu pháp tâm lý, có như vậy mới mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
  • Các thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu có chọn lọc Serotonin (SSRI) là lựa chọn hàng đầu, vì cho hiệu quả cao, dễ dung nạp, lại ít tác dụng phụ mà thời gian bán huỷ dài nên chỉ cần uống 1 lần trong ngày nên thuận lợi cho quá trình sử dụng:
    • Fluoxetin: 20 – 40 mg/ngày.
    • Sertralin: 50 – 200 mg/ngày.
    • Citalopram 50 mg/ngày.

Ngoài ra còn nhiều loại thuốc chống trầm cảm loại SSRI khác.

Một điểm lưu ý khi dùng các loại thuốc SSRI là phải cho dủ liều trong thời gian ít nhất là 8 tuần thì mới có cải thiện ở bệnh nhân loạn khí sắc.

  • Trong quá trình điều trị cũng có thể thay bằng các thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptylin, Doxeppin, Clomipramin…
  • Trong điều trị loạn khí sắc có thể cho thêm thuốc điều chỉnh khí sắc như Lithium, Valproat, Carbamazepin…
  • Liệu pháp tâm lý cho kết quả tốt trong loạn khí sắc gồm có :  liệu pháp nhận tức, liệu pháp hành vi, liệu pháp phân tích tâm lý…

5. Kết luận

  • Loạn khí sắc là một bệnh rất phổ biến, hay gặp ở lứa tuổi trẻ, nhưng sẽ kéo dài suốt đời nếu không được điều trị.
  • Loạn khí sắc là một tình trạng trầm cảm cường độ nhẹ, khởi phát rất sớm, tiến triển chậm, mạn tính… có thể kéo dài suốt đời. Đây là một bệnh của rối loạn cảm xúc chứ không phải là do lười nhác.
  • Bệnh nhân loạn khí sắc thường có than phiền mệt mỏi, khó chú ý, mất ngủ, chán ăn, hay cáu gắt… vì vậy sự học hành của họ rất kém và ngày càng giảm sút.
  • Khi có nghi ngờ bị bệnh loạn khí sắc,  chúng ta cần đưa bệnh nhân đi khám ở các cơ sở có chuyên khoa tâm thần, nếu khám và điều trị sớm, kịp thời bệnh nhân có thể hoà nhập cuộc sống cũng như xã hội bình thường.
  • Hiệu quả của việc điều trị cho bệnh nhân loạn khí sắc diễn ra chậm chạp và phải kéo dài trong nhiều năm, thậm chí có thể suốt đời vì vậy cần tính kiên nhẫn cho cả người nhà và bản thân người bệnh.

Ngô Quang Trúc
Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận