QĐND - “Với 54 dân tộc ở đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, ông cha ta đã để lại cho hậu thế một nền y học bản địa vô cùng phong phú và quý báu. Nhưng đáng tiếc là trước việc du nhập của y học phương Tây, trong khoảng một thế kỷ qua, vốn quý này đã bị mai một. Là một bác sĩ người dân tộc thiểu số trong gia đình có tới 13 đời làm thuốc Nam, tôi thấy rằng, mình phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn nền y học đó”. Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam đã tâm sự với tôi như vậy.

Thầy thuốc, thầy giáo “gàn”

Gần chục năm trước, ở Thái Nguyên xôn xao chuyện một giảng viên giỏi của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đồng thời là một bác sĩ có kinh nghiệm khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên bỗng dưng nộp đơn xin ra khỏi biên chế Nhà nước để lập Viện nghiên cứu tư nhân và thành lập công ty để nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu. Nhiều người cho rằng, đó là thầy giáo, thầy thuốc “gàn”. Có người “độc mồm độc miệng” lại còn bảo đó là “bác sĩ hâm” bởi lẽ với “vỏ bọc” biên chế Nhà nước, ở trường đại học và bệnh viện lớn như thế, có thể “chân trong, chân ngoài”, kiếm được nhiều tiền một cách nhàn hạ, sau vài năm sẽ ung dung hưởng lương hưu. Người thầy thuốc, thầy giáo “gàn” đó là bác sĩ Hoàng Sầm.

Giờ đây, khi nhìn cơ ngơi của Viện Y học bản địa Việt Nam sau gần chục năm hoạt động, với gần 50 đề tài khoa học, hàng trăm loại thuốc, chữa trị cho hàng vạn bệnh nhân thì nhiều người lại khâm phục thầy giáo, thầy thuốc “gàn” đó.

Bác sĩ Hoàng Sầm. Ảnh: Trung Thành 

Bác sĩ Hoàng Sầm khám bệnh cho bệnh nhân. 

Bác sĩ Hoàng Sầm kể rằng,  ông là người dân tộc Dao, sinh ra trong gia đình có tới 13 đời làm nghề thuốc Nam ở xã Bản Péo, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Vùng đất nghèo khó này là kho dược liệu rất quý. Từ mấy thế kỷ trước, các cụ trong dòng họ của ông đã sử dụng thuốc Nam chữa bệnh cho bà con trong vùng. Nghiệp làm thuốc Nam của gia đình đã cho ông niềm đam mê nghiên cứu dược liệu ngay từ khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nhiệp, trở thành bác sĩ, giảng viên, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, ông vẫn đau đáu với những cây thuốc quê nhà. Nhiều nghiên cứu, nhiều thử nghiệm và các đề tài của ông cũng đã được công bố, nhưng do cơ chế quản lý khoa học và công nghệ nên các đề tài cũng chỉ dừng lại ở các cuốn kỷ yếu lưu trữ trong thư viện. Với ước mong triển khai ngay các đề tài khoa học của mình và đồng nghiệp vào thực tiễn phục vụ nhân dân, năm 2008, bác sĩ Hoàng Sầm xin nghỉ việc ở Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Sau đó, ông vận động một số nhà khoa học khác cùng thành lập Viện Y học bản địa Việt Nam có trụ sở tại TP Thái Nguyên. Từ đồng vốn nhỏ nhoi với mô hình ban đầu là sau gần chục năm, Viện Y học bản địa Việt Nam đã trở thành một tổ chức nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ với gần 50 đề tài khoa học và đồng vốn ban đầu đã được nhân lên khoảng 150 lần. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị lên tới 8 chục người. Hàng vạn bệnh nhân điều trị tại đây được khỏi bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân dùng thuốc Tây chữa không khỏi nhưng dùng thuốc Nam tại đây lại khỏi. Ví dụ như trường hợp nguyên Bộ trưởng một bộ bị hẹp mạch vành 82%, điều trị ở nhiều nơi mà bệnh không thuyên giảm, nhưng khi điều trị tại Viện Y học bản địa Việt Nam, sau một năm điều trị bằng dùng chế phẩm dong riềng đỏ đã hết hẹp hoàn toàn.

Hết lòng vì người nghèo

Đến Viện Y học bản địa Việt Nam, tôi rất ấn tượng trước câu khẩu hiệu được treo trang trọng tại tất cả các phòng làm việc “Trung thành với lợi ích của cộng  đồng”. Bác sĩ Hoàng Sầm nói rằng:  Mục tiêu của ông là hướng về người nghèo. Năm 2016, Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam do ông làm Chủ tịch đã quyết định đầu tư 100 tỷ đồng thực hiện dự án: “Phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa”. Mới chỉ không đầy một năm thực hiện dự án mà vùng quê nghèo này đã thay đổi hẳn. Người dân biết kết nối Wifi, internet, cập nhật thông tin văn hóa-xã hội, có việc làm ổn định, nhận thức được nâng cao và theo đó những cánh rừng nguyên sinh cũng được bảo vệ.

 Bác sĩ Hoàng Sầm phân tích: Tây y mới được giảng dạy và thực hành ở nước ta từ cuối thế kỷ 19 nhưng đã thay đổi hoàn toàn cục diện các bệnh nhiễm trùng, bệnh lây nhiễm, bệnh ung thư và đặc biệt có nhiều loại vắc-xin phòng ngừa được nhiều loại bệnh. Nhờ Tây y, chất lượng cuộc sống người dân đã được tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, với các bệnh mãn tính không lây như hẹp mạch vành, phì đại lành tính tiền liệt tuyến, bệnh gút, xơ cứng động mạch, tiểu đường, tai biến mạch máu não, cận thị, giảm thị lực người cao tuổi… thì ưu thế lại thuộc về y học kinh nghiệm của bản địa.

Hoạt chất sinh học từ cây thảo dược đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ khi con người ăn uống chúng thấy khỏi bệnh, dịu bệnh, khỏe lên chứng tỏ chúng có hệ số an toàn cao. Nếu có kiến thức vững vàng về y học bản địa thì giá trị sử dụng của chúng không hề khiêm tốn trước Tây y. Hơn nữa y học bản địa lại gần gũi với người dân nghèo, miền núi, vùng sâu xa, dễ học, dễ nhập tâm, ngay quanh ta, ai cũng học được mà không nhất thiết phải qua trường lớp...

Các đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Sầm ở Viện Y học bản địa Việt Nam còn thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền trên các trang điện tử của Viện như dongyvietbac.com.vn; yhocbandia.vn; taphinho.vn các bài thuốc Nam đơn giản, dễ kiếm để người dân có thể tự sử dụng chữa các bệnh đơn giản, nhất là người dân ở cách xa các cơ sở y tế khi bị cảm mạo, sốt, ho, đau bụng đi ngoài; cách cấp cứu khi bị rắn cắn, khi có người ăn lá ngón...

Đau đáu với việc giữ gìn, phát triển y học bản địa

Một người đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Sầm nói với tôi rằng: “Mỗi ngày trung bình ông Sầm làm việc tới 12 tiếng, có hôm lên đến 16 tiếng. Thậm chí có vấn đề nghiên cứu chưa lý giải được, ông có thể ngồi đến 72 tiếng, sau đó lăn ra ngủ”.

Khi tôi hỏi lý do vì sao phải làm việc nhiều như thế, bác sĩ Hoàng Sầm cười: “Tôi đang sống gấp đấy. Năm nay tôi đã 63 tuổi rồi, quỹ thời gian còn lại của cuộc đời không còn nhiều, tham vọng của tôi về thuốc Nam còn rất lớn...”.

Lịch làm việc của bác sĩ Hoàng Sầm kín đặc bởi ông vừa là Chủ tịch hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam, vừa là Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Tả Phìn Hồ (Hà Giang)-nơi đang thực hiện dự án vì người nghèo của quê hương mình.

Xem danh mục các đề tài khoa học tại Viện Y học bản địa Việt Nam, tôi càng khâm phục ông bởi ông là chủ nhiệm hàng chục đề tài. Nếu tính cả những công trình nghiên cứu trước khi Viện Y học bản địa Việt Nam ra đời thì cho đến thời điểm này, bác sĩ Hoàng Sầm đã có 47 công trình nghiên cứu khoa học về thuốc Nam được ứng dụng vào thực tiễn như: Thuốc Gout AZ chữa bệnh gút; thuốc Lohha trí não chữa lẫn lú người già; thuốc An cung Việt Nam chữa nhồi máu não, thuốc Cardocort chữa hẹp mạch vành; thuốc TKS prosteta chữa tiền liệt tuyến; thuốc KN-01 chữa liệt dục, nạp khí ninh tâm hoàn chữa suy tim thể nhẹ, trung bình… Bác sĩ Hoàng Sầm là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu sản phẩm can thiệp sau gen làm trắng da, là người đầu tiên sản xuất chế phẩm điều trị hiệu quả bệnh động mạch vành từ thuốc Nam.

Bác sĩ Hoàng Sầm tâm sự: Đã mấy chục năm qua, nền y học cách mạng Việt Nam đã đi theo hướng “Đông-Tây y kết hợp”. Đây là sự chỉ đạo có tính xuyên suốt, thể hiện sự tài tình và tầm cao văn hóa của Bác Hồ-người khởi xướng quan điểm này.  

Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin mà cả 2 nền y học Đông phương và Tây phương đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao thoa, học hỏi để tiếp thu những tinh hoa của nhau và khắc chế bớt những điểm yếu tự thân trong chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dược liệu và tri thức y học bản địa rất phong phú. Để hội nhập thế giới, để quảng bá và thu hút mọi người tới Việt Nam du lịch và chữa bệnh bằng thuốc và các phương pháp y học bản địa, một vấn đề lớn đặt ra là phải mang khoa học công nghệ tiên tiến, mang ánh sáng của y học hiện đại để làm sáng tỏ bản chất của y học bản địa; nghiên cứu, xây dựng những bài thuốc, công thức thực phẩm chức năng ứng dụng trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cộng đồng có hiệu quả cao, có đầy đủ cơ sở khoa học. Để làm được điều này, rất cần có các cơ chế chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển y học bản địa.

Bác sĩ Hoàng Sầm vui mừng cho biết: Cách đây hơn 2 tháng,  Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập Trung ương hội Thuốc Nam Việt Nam để hạn chế phụ thuộc vào thuốc Bắc. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Thủ tướng khẳng định: Y học cổ truyền là một kho báu và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn. Đó là hai tin vui, đánh dấu sự hồi sinh của nền y học bản địa nước nhà.

 

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Doctor SAMAN

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/04.2017\/17042017son3.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/04.2017\/17042017son3.jpg","subHtml":""},{"src":"\/resources\/upload\/images\/04.2017\/17042017son4.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/04.2017\/17042017son4.jpg","subHtml":""}]