Đại cương
Vi khuẩn gây bệnh uốn ván là Clostridium tetani, nằm trong đất, bùn, phân trâu, bò, có nha bào bọc nên đời sống kéo dài. Muốn diệt vi khuẩn này thể dinh dưỡng, nhiệt độ 56- 60°C trong 30phút, thể nha bào phải đạt nhiệt độ 120°C trong 30 phút, dung dịch Iod 1% và Oxy già diệt vi khuẩn trong vài giờ. Vi khuẩn thường theo các vết thương ngoài da, vết trầy xước từ đó xâm nhập vào cơ thể. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gồm 2 yếu tố:
+ Yếu tố gây co giật làm ngộ độc thần kinh, gây co thắt các cơ hàm, lưng, cổ và cơ hô hấp gây ngạt thở.
+ Yếu tố làm huỷ hoại HC, BC gây hoại tử và độc với tim.
ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn do dụng cụ cắt rốn không đảm bảo vô trùng, do tay người đỡ đẻ không vô khuẩn, băng gạc không vô trùng, vi trùng xâm nhập qua vết cắt rốn, gây bệnh. Uốn ván rốn hay gặp ở các trường hợp đẻ rơi, ở nhà hoặc dọc đường, thiếu phương tiện vô trùng để cắt rốn.

Giải phẫu cuống rốn:
Cuống rốn có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Cấu trúc của cuống rốn gồm 2 màng nội sản mạc phía ngoài, tiếp nối với hạ bì của da bụng thai nhi. Nội sản mạc bao bọc ba mạch máu rốn, có chất đệm nhờn trắng gọi là thạch Wharton, được nuôi dưỡng qua sự thẩm thấu qua thành các mạch máu rốn. Khi cắt rốn phải chú ý sát trùng mặt cắt rốn bằng cồn Iod, vì từ đó vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, đoạn rốn còn lại sẽ teo lại và rụng ngay chỗ tiếp giáp của lớp thượng bì, trên vùng thạch Wharton sẽ xuất hiện tổ chức hạt và sẽ tạo thành da bao phủ.
Vì vậy nhiễm khuẩn rốn và uốn ván rốn có thể xảy ra khi cắt rốn không vô trùng và do chăm sóc rốn không đảm bảo sạch khi rốn chưa rụng, chưa thành sẹo da.

Triệu chứng lâm sàng:
Thời gian ủ bệnh 4-15 ngày, trung bình 10 ngày. Thời gian ủ bệnh ngày càng ngắn bệnh càng nặng, nếu trong vòng 1 tuần thì tử vong càng cao.
Dấu hiệu đầu tiên là bỏ bú hoặc bú rất khó khăn, không há miệng được. Sau 24h triệu chứng càng nặng, cứng hàm liên tục, co cứng toàn thân, Mặt, cổ, lưng, bụng, chân tay đều co cứng, 2 tay nắm chặt. Các kích thích do tiếng động, chạm vào da trẻ làm toàn thân co cứng, miệng chúm chím, mặt nhăn nhó.
Trường hợp nặng sẽ xuất hiện cơn giật liên tục, có cơn ngừng thở, sốt cao >40°c, cũng có trường hợp nhiệt độ giảm thấp, trường hợp này càng dễ tử vong.
Kiểm tra thấy rốn bẩn, viêm tấy hoặc có mủ mùi hôi. Một số trường hợp rốn rụng sớm không còn có dấu hiệu nhiễm khuẩn sớm. Trong trường hợp này, chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng: cứng hàm, cơn co giật, mặt nhăn nhó. Cần chẩn đoán phân biệt với cơn co giật do thiếu oxy não, xuất huyết não – màng não, viêm màng não, hạ đường huyết, canxi huyết…

Điều trị:
Cần phát hiện sớm khi trẻ mới bắt đầu bỏ bú
– Cho trẻ nằm yên tĩnh, tránh mọi kích thích bên ngoài, tránh thăm khám nhiều. — Nên đặt trẻ trong lồng kính hoặc giường ấm, tránh tiếng động và ánh sáng.
– Bảo đảm nhu cầu nước, điện giải, năng lượng bằng truyền tĩnh mạch
– Cho ăn sữa mẹ hoặc sữa đặc hiệu qua ống sonde dạ dày.
– Dự phòng viêm phổi do hít chất nhày từ hầu họng bằng cách cho ăn ít hoặc không ăn nếu còn đe doạ nôn.
– Vệ sinh rốn bằng oxy già.
– Kháng huyết thanh chống uốn ván từ 10.000- 20.000 đơn vị/ ngày
– Kháng sinh đề phòng bội nhiễm, thường dùng 10.000- 20.000đv/ngày.
Hoặc kháng sinh phổ rộng nhóm Cephalosporinn 40-50mg/kg/ngày tuỳ theo tình trạng nhiễm trùng.
– Chống co giật bằng các loại thuốc an thần Phenobarbital 15-20mg/kg/ngày. 
Diazepam 0,5- 10mg/kg/ngày.Tiêm TM khi co giật.
Chlorpromazin, dilantin có thể sử dụng để chống co giật.
– Thông khí phổi viện trợ nếu có khó thở, tím tái. Trường hợp nặng phải dùng máy thở. Bị co thắt nặng có thể dùng giãn cơ Curare. Luôn khiểm tra khí trong máu.

Dự phòng uốn ván rốn:
– Đỡ đẻ an toàn, bảo đảm đầy đủ các phương tiện đỡ đẻ vô khuẩn. Khi cắt rốn phải sát khuẩn bằng cồn Iod 1-3%, tuân thủ mọi nguyên tắc vô khuẩn. Hướng dẫn bà mẹ đi khám thai định kì tránh đẻ rơi.
– Tiêm vacin phòng uốn ván: Tiêm 2 mũi Vacin phòng uốn ván trong quá trình mang thai. Kháng thể uốn ván được tạo ra trong cơ thể mẹ truyền sang cho thai có khả năng phòng bệnh cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh. Khoảng cách giữa 2 lần tiêm ít nhất 30 ngày, mũi thứ 2 tiêm trước đẻ ít nhất là 2 tuần
– Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thể được miễn nhiễm trọn đời nếu được tiêm chủng đầy đủ như sau:
Mũi thứ 1:Tiêm ở tuổi dạy thì hoặc từ 16 tuổi
Mũi thứ 2: Tiêm cách mũi thứ nhất ít nhất 30 ngày.
Mũi thứ 3: Tiêm cách mũi 2 ít nhất 6 tháng
Mũi thứ 4: Tiêm cách mũi 3 ít nhất 1 năm hoặc khi có thai lại
Mũi thứ 5: Tiêm cách mũi 4 ít nhất 1 năm hoặc khi có thai lại
Đối với trẻ sơ sinh, cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng Quốc gia.

Nguồn: benhhoc.com

Doctor SAMAN

[]