Xuất huyết Não 

Xuất huyết não (chảy máu não) là một thể của bệnh tai biến mạch máu não ( đột quỵ não).

*Theo Bảng Phân loại quốc tế lần thứ 10 (ICD 10) của Tổ chức Y tế thế giới, thì xuất huyết não được xếp ở mục 161 và được phân loại chi tiết như sau :

 +161 - 0 – Chảy máu trong bán cầu đại não, dưới vỏ.

 +161.1 –  Chảy máu trong bán cầu đại não, ở vỏ não

 +161.3 –  Chảy máu ở thân não

 +161.4 –  Chảy máu ở tiểu não

 +161.5 -   Chảy máu ở trong não thất

 +161.6 –  Chảy máu trong não nhiều ổ

 +161.7 –  Chảy máu ở trong não khác

 +161.8 –  Chảy máu trong não không phân biệt rõ

* Vài nét sơ bộ về xuất huyết não

Tỷ lệ xuất huyết não chiếm từ 18 - 35 % trong đột quỵ não. Nam mắc nhiều hơn nữ (tỷ lệ 2/1), hay gặp ở người 45 - 60 tuổi. Bệnh xảy ra vào ban ngày hơn ban đêm, mùa lạnh nhiều hơn mùa nóng, nhất là những giai đoạn chuyển mùa và những lúc thời tiết thay đổi thất thường. Người ta cũng thấy trong mùa hè nóng nực, khi sử dụng điều hòa cũng nên tránh thay đổi đang từ phòng đang lạnh ra bên ngoài đột ngột... Trong cuộc sống cần lưu ý tránh hoặc hạn chế tối đa những sang chấn tâm lý (strees) vì những sang chấn này (thường mang tính cấp diễn) cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây xuất huyết não. Bệnh cũng có thể xảy ra sau lao động nặng hay sau một quá gắng sức...Nên trong thực tế, chúng ta thấy có những người đang “khỏe mạnh”, sau một suy nghĩ căng thẳng, buồn, vui về một điều gì đó xảy ra quá đột ngột, hay sau một sinh hoạt tình dục “quá mức”... thì bị đột tử không phải là hiếm gặp. Các thày thuốc cũng đã có những khuyến cáo về những vấn đề này

* Về nguyên nhân gây xuất huyết não

Hiện nay, nguyên nhân gây xuất huyết não các nghiên cứu vẫn chỉ ra chủ yếu là do cao huyết áp ( theo GS. TS Nguyễn Văn Chương, PGS.TS Nguyễn Minh Hiện chiếm từ 60 – 75 %) trong các thủ phạm gây bệnh này.

Thứ đến, là các nguyên nhân khác như:

    + Xuất huyết não do vỡ túi phồng động mạch, hoặc túi phồng động – tĩnh mạch.

    + Xuất não sau khi bị nhồi máu não.

   + Xuất huyết não do viêm động mạch và tĩnh mạch trong não.

   + Xuất huyết não tiên phát chưa rõ nguyên nhân.

*Cơ chế bệnh sinh trong xuất huyết não

Cho đến nay, người ta thấy xuất huyết vẫn tồn tại hai giả thuyết, đã gọi là giả thuyết nghĩa là chưa có bằng chứng để chứng minh rõ ràng, nên các nhà khoa học vẫn dùng cả hai vì hai thuyết này đã bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để giải thích cơ chế bệnh sinh trong xuất huyết não. Vì vậy, các giả thuyết này của các tác giả châu Âu từ thế kỷ 19 cho đến nay mang tính chất kinh điển và vẫn nguyên giá trị.

- Thuyết vỡ các túi phồng vi thể của Charcot và Bouchard ( năm 1868)

 Thuyết này giải thích tình trạng cao huyết áp kéo dài do đó làm tổn thương chủ yếu các động mạch nhỏ có đường kính dưới 250 micron. Tại các động mạch này có sự thoái hóa Hyalin và Fibrin, làm giảm tính đàn hồi của thành mạch. Khi có sự gia tăng huyết áp, các động mạch này, nhất là các động mạch ở trung tâm tưới máu cho vùng bèo vân, đồi thị, nhân đậu, bao trong..., có những nơi phình to ra tạo ra các kích thước từ 0,5 đến 2 mm, gọi là các vi phình mạch Charcot và Bouchard.

Những túi phồng động mạch não có thể bị bẩm sinh, có thể được hình thành do tổn thương động mạch khi còn trong bào thai, khi ra đời túi phồng động mạch não có thể được to dần ra dưới áp lực của dòng máu và sự thoái hóa biến chất của các thành phần trong túi phồng, nên khi có sự gắng sức hoặc có cơn tăng huyết áp kịch phát, các phình mạch này có thể vỡ ra gây chảy máu não, thường người ta thấy vỡ ở đáy túi phồng nhiều hơn do vùng này mỏng nhất trong túi phồng động mạch.

- Thuyết xuyên mạch của Rouchoux ( nặm 1884)

Thuyết này giải thích các hiện tượng: chảy máu não ở những vùng não mà trước đó đã bị nhồi huyết não -  do mạch máu trong vùng này không được nuôi dưỡng ( giải thích những trường hợp tại sao bệnh nhân bị nhồi huyết sau đó lại có thể chuyển thành xuất huyết não)  nên mạch máu này bị thoái hóa và hoại tử. Đến khi tuần hoàn máu não đã được tái lập trở lại, máu chảy vào các mạch đã bị tổn thương, lúc đó hồng cầu sẽ thoát ra ngoài thành mạch, tổ chức não xung quanh mạch máu não đã bị hoại tử, không còn sự vững chắc của thành mạch như trước, nên khi có cơn cao huyết áp, các mạch máu ở đây sẽ trở nên dễ vỡ, nên sinh ra ổ chảy máu trong lòng ổ nhồi huyết não.

*Đặc điểm lâm sàng của xuất huyết não.

Về lâm sàng tùy theo vị trí giải phẫu vùng não bị xuất huyết mà có các triệu chứng khác nhau và có đặc điểm riêng đặc trưng cho từng vùng như : xuất huyết vỏ não, xuất huyết vùng bao trong và các nhân xám trung ương, xuất huyết tiểu não, xuất huyết vùng thân não v.v

 Ở đây, chúng tôi xin chỉ nêu đặc điểm lâm sàng chung của xuất huyết não.

+ Thường xảy ra ở người đã lớn tuổi có tăng huyết áp, có thể có các yếu tố nguy cơ đi kèm như sau một gắng sức, sau stress (thường mang tính cấp diễn), sau uống rượu nhiều...

+ Khởi phát bệnh mang tính đột ngột.

+ Rối loạn ý thức đột ngột, thường hôn mê sâu.

+ Liệt nửa người, rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng, rối loạn cơ tròn ( ỉa đái không tự chủ)...

*Cận lâm sàng

+ Chụp cắt lớp vi tính sọ não ( CT – Scanner): có vùng đậm tăng tỷ trọng, giúp ta phân biệt xuất huyết não với nhồi máu não.

+ Chụp cộng hưởng từ não (MRI): thấy được các hình ảnh bênh lý rõ ràng hơn so với chụp CT não, đặc biệt trong các trường dị dạng mạch máu não và tắc động mạch não.

+ Xét nghiệm dịch não tủy: đa số các trường hợp có máu không đông.

+ Chụp động mạch não: thường sử dụng sau giai đoạn cấp tính, để xác định các dị dạng mạch não, chỉ định điều trị phẫu thuật, hoặc điều trị can thiệp nội mạch.

*Điều trị

  Chú ý : vận chuyển bệnh nhân phải nhẹ nhàng, nếu không sẽ làm xuất huyết não nặng lên do lại tiếp tục chảy máu. Đây là bệnh cấp cứu phải chuyển đến bệnh viện để được các thày thuốc có kinh nghiệm chữa trị.

*Tiến triển

 + Đa số bệnh xuất huyết não là nặng, bệnh nhân sẽ diễn biến ngày càng nặng dần, có thể tử vong. Nếu không bị tử vong thì di chứng để lại cũng nặng nề về liệt nửa người và tâm thần ( lú lẫn, hôn mê...). Nếu bệnh nhân qua được không tử vong, thì thời gian để chữa trị cũng còn kéo dài hàng quý, có khi hàng năm...

 + Một số trường hợp ổ xuất huyết nhỏ, triệu chứng lâm sàng nhẹ nhàng như liệt nhẹ, rối loạn ý thức nhẹ, bệnh nhân có thể hồi phục sau một vài tuần.

*Tiên lượng: nhìn chung là nặng. Tiên lượng còn phụ thuộc nhiều yếu tố như có được điều trị đúng và kịp thời ngay từ đầu hay không? tuổi tác cao, huyết áp tăng cao và có những cơn cao huyết áp kịch phát, rối loạn ý thức nặng nề ...là những chứng cứ để tiên lượng không tốt cho bệnh nhân. Theo thống kê của thế giới cũng như Việt Nam: trong tháng đầu tỷ lệ tử vong do xuất huyết não từ 62 – 63 % (PGS.TS Nguyễn Xuân Thản).

 * Lời kết: Xuất huyết não là một bệnh nguy hiểm, triệu chứng lâm sàng và tiến triển nặng, tử vong cao, nếu qua được tử vong thường để lại di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần, khả năng hồi phục phải lâu dài và rất hạn chế, bệnh nhân còn có thể nguy cơ tái phát xuất huyết trở lại, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, mọi người không có gì khác là phải đề phòng các yếu tố nguy cơ của xuất huyết não nói riêng và đột quỵ não nói chung để làm sao bệnh không xảy ra, muốn làm được điều đó là do ý thức tự giác phòng bệnh của mỗi một người mà các thày thuốc khuyên nên thực hiện ngay khi còn trẻ, đừng để đến lúc “ mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn và có khi quá muộn.

Theo Tổ chức Y  tế thế giới (WHO): Các yếu tố nguy cơ trong tai biến mạch máu não được chia làm 2 loại; loại thứ nhất xác định chắc chắn nó là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não ( như cao huyết áp, xơ vữa động mạch... ); loại thứ hai có thể là yếu tố nguy hiểm như : tiểu đường, thừa cân, béo phì, tăng độ kết dính của tiểu cầu, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, tăng Lipid máu, tăng a xít uric trong máu, nhiễm khuẩn, stress, yếu tố di truyền v.v

Ngô Quang Trúc

[]